Bí ẩn công trình tháp Hòn Chuông ở Núi Bà
vho- Theo nhận định bước đầu của các chuyên gia, tháp Hòn Chuông có kiến trúc độc đáo về hình dáng chưa từng thấy trong nghệ thuật Champa. Tọa lạc trên đỉnh núi cao khoảng 800m so với mực nước biển, tháp Hòn Chuông được xem là ngôi tháp Champa có vị trí xây dựng cao nhất Việt Nam.
Hòn Chuông còn được người dân địa phương gọi là Hòn Vọng Phu
Tháp Hòn Chuông nằm ở thôn Chánh Danh, xã Cát Tài, huyện Phù Cát (Bình Định) trong quần thể Khu căn cứ di tích quốc gia Núi Bà, thuộc khu vực phía Bắc của dãy núi Bà. Tháp Hòn Chuông được đặt theo tên tảng đá trên một đỉnh núi thuộc dãy núi Bà.
Ở phía trước tảng đá Hòn Chuông còn có một tảng đá khác nhỏ hơn đứng bên cạnh, nhìn từ xa giống như một người lớn dắt tay một đứa nhỏ. Vì vậy, Hòn Chuông còn được người dân địa phương gọi là Hòn Vọng Phu. Đầu thế kỷ XX, người Pháp đã tiến hành điều tra hệ thống các di tích đền tháp Champa tại Việt Nam, nhưng không có công trình nào của người Pháp đề cập hay nhắc đến tháp Hòn Chuông. Có thể do nằm ở vị trí cao trên đỉnh núi, đi lại không thuận lợi cho nên ngay cả những người Việt tại địa phương thời kỳ đó cũng không biết đến sự tồn tại của một ngôi tháp Champa trên đỉnh Hòn Chuông?
TS Đinh Bá Hòa, nguyên Giám đốc Bảo tàng Tổng hợp Bình Định cho biết, năm 1993, từ chủ trương của Tỉnh ủy, Bảo tàng và Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bình Định phối hợp với cán bộ giao liên đi khảo sát Khu căn cứ Núi Bà để làm hồ sơ di tích khu căn cứ cách mạng. Thời điểm đó đơn vị đi theo hướng xã Cát Minh, chỉ mất khoảng hơn 2 tiếng đi bộ đã phát hiện một kiến trúc nằm trên một tảng đá to, cao sừng sững, tục gọi là Hòn Chuông mà từ trước đến nay không thấy tư liệu nào đề cập. Khảo sát kỹ nền đất xung quanh dưới chân của tảng đá, cán bộ bảo tàng phát hiện rất nhiều mảnh gạch Chăm cùng các mảnh ngói mũi lá và ngói gắn gốm hình sừng bò. Bước đầu xác định đây là một kiến trúc tháp Champa nên đã lấy tên tảng đá đặt cho tên tháp là tháp Hòn Chuông, và bổ sung thêm di tích này vào danh mục tháp Champa tại Bình Định lên thành 8 cụm với 14 tháp.
Vào năm 1993, cán bộ Bảo tàng Bình Định phát hiện ra tháp Hòn Chuông và được xem là ngôi tháp Champa nằm vị trí cao nhất của Việt Nam hiện nay
Cũng theo TS Đinh Bá Hòa, tại thời điểm đó, do không có đường đi lên để tiếp cận ngôi tháp, nhóm khảo sát chỉ có thể ghi nhận bằng những bức ảnh chụp ngôi tháp từ xa với chất lượng hình ảnh khá mờ nhạt, khó hình dung được hình dáng của ngôi tháp. Những mô tả trong hồ sơ di tích chỉ dựa vào những hình ảnh được chụp từ xa và qua phỏng vấn người dân địa phương, nhưng cũng cung cấp những nhận định thông tin ban đầu về ngôi tháp Hòn Chuông. Nhận định ban đầu tại thời điểm ấy, tháp Hòn Chuông như một tháp canh bởi cửa nhìn về hướng Tây có thể nhìn thấy Thành Đồ Bàn (còn gọi Thành Hoàng Đế).
Cách đây 3 năm, Bảo tàng Bình Định tiếp tục khảo sát tháp Hòn Chuông và đưa ra nhận định, tháp có kiến trúc độc đáo về hình dáng chưa từng thấy trong nghệ thuật kiến trúc tháp Champa. Nếu như các tháp Champa khác được xây với tường thẳng và hệ thống cột ốp, vòm cửa với nhiều họa tiết trang trí, có mái giật cấp thu dần lên trên thì tháp Hòn Chuông có tường tháp xây thóp dần lên trên đỉnh tháp, mặt bằng mái tháp nhỏ, toàn bộ ngôi tháp không có hoa văn trang trí. Nhìn trong không gian rộng lớn hơn có thể thấy tháp Hòn Chuông như tựa vào đỉnh Chóp Vung ở phía Tây và nhìn ra vùng biển ở phía Đông. Tọa lạc trên đỉnh núi có độ cao khoảng 800 mét so với mực nước biển nên tháp Hòn Chuông được xem là ngôi tháp Champa còn tồn tại có vị trí xây dựng cao nhất Việt Nam.
Thời gian qua đã có một số đoàn khảo sát, nghiên cứu về tháp Hòn Chuông nhưng vẫn chưa có đánh giá đầy đủ về hiện trạng cũng như các thông tin cụ thể về tháp này. Tuy nhiên, nhìn những lớp gạch tương đương với các tháp Chăm ở Bình Định có thể tháp Hòn Chuông được xây dựng vào thế kỷ 12. Huyện Phù Cát đang mong muốn tỉnh cũng như Bộ, ngành có hướng hỗ trợ để địa phương có hướng bảo vệ, tu bổ, phát huy di tích điểm tháp này.
Ông Tạ Xuân Chánh, Giám đốc Sở VHTT Bình Định cho biết, Sở sẽ đề xuất việc đầu tư và bổ sung kinh phí vào kế hoạch trung hạn giai đoạn 2021-2025 đối với di tích các tháp như Phú Lốc, Bình Lâm, Tháp Đôi, Hòn Chuông. Sắp tới xin chủ trương tiến hành nghiên cứu, tu bổ tháp này, xây dựng nơi đây trở thành điểm đến đặc biệt của tỉnh Bình Định. Theo ông Chánh, mới đây Sở đã cử đoàn công tác khảo sát nắm toàn bộ tình hình ở tháp Hòn Chuông. Thời gian tới, Sở sẽ có báo cáo UBND tỉnh đề xuất mở con đường lên tháp Hòn Chuông.
Đứng ở vị trí cao so với mực nước biển hàng trăm mét thì tháp Hòn Chuông có thể nhìn thấy kinh đô Vijaya xưa kia và nó được ví như một đài quan sát để bảo vệ kinh đô khi phát hiện kẻ thù tấn công (nhìn bao quát cả vùng Bình Định). Hơn nữa, tại khu vực tháp Hòn Chuông không có dấu tích đường hành hương, vì thế đây có thể xem là một công trình mang tính quân sự nhiều hơn tín ngưỡng như các tháp thờ thần dưới đất. (TS ĐINH BÁ HÒA) |
PHAN HIẾU