Xây dựng dự án bảo tồn giá trị truyền thống Lễ hội Cầu ngư Vạn đầm Xương Lý và Lễ hội Katê
VHO - Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương vừa ký Quyết định số 1069/QĐ-BVHTTDL giao nhiệm vụ xây dựng và tổ chức thực hiện Dự án Bảo tồn và phát huy giá trị lễ hội truyền thống tiêu biểu của các dân tộc phục vụ phát triển du lịch gắn với xây dựng nông thôn mới.

Quyết định nêu rõ, giao Cục Di sản văn hóa xây dựng các dự án gồm: Dự án Bảo tồn và phát huy giá trị Lễ hội Cầu ngư Vạn đầm Xương Lý (xã Nhơn Lý, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định) phục vụ phát triển du lịch gắn với xây dựng nông thôn mới; Dự án Bảo tồn, phát huy giá trị Lễ hội Katê của người Chăm (phường Đô Vinh, thành phố Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận) phục vụ phát triển du lịch gắn với xây dựng nông thôn mới.
Theo Quyết định, thành lập Ban Soạn thảo xây dựng Dự án gồm 10 thành viên do bà Lê Thị Thu Hiền, Cục trưởng Cục Di sản văn hóa làm Trưởng ban; ông Nông Quốc Thành, Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa làm Phó Trưởng Ban.
Ban Soạn thảo có nhiệm vụ xây dựng các Dự án trình Lãnh đạo Bộ phê duyệt; Ban Soạn thảo có thể huy động một số thành viên khác tham gia trong quá trình xây dựng Dự án. Ban Soạn thảo tự giải thể sau khi hoàn thành nhiệm vụ.
Lễ hội cầu ngư Vạn đầm Xương Lý là một trong các lễ hội truyền thống lâu đời, gắn kết với đời sống ngư dân miền biển ở Bình Định, đã trở thành địa chỉ tham quan, nghiên cứu, trải nghiệm về quá trình hình thành, phát triển mô hình vạn chài gắn với các hoạt động đánh bắt, chế biến hải sản với các tiết lễ cổ truyền diễn ra hàng năm.
Đây là không gian di sản văn hóa phi vật thể đặc trưng, tiêu biểu về loại hình lễ hội truyền thống mà nét đặc sắc là nghi thức tế lễ, hát múa bả trạo, sinh hoạt bài chòi.
Lễ hội Cầu ngư Vạn đầm Xương Lý được hình thành trên 200 năm gắn kết với quá trình lập làng, hình thành nét đặc trưng rất riêng ở Bình Định. Lễ hội là một hồi ức về không gian đánh bắt hải sản trên biển cả, ẩn chứa nét văn hóa tín ngưỡng ngư dân vùng biển qua nhiều giai đoạn trong diễn trình lịch sử.
Lễ hội được vun bồi, kiến tạo qua nhiều thế hệ, tạo nên những sinh hoạt dân gian của cộng động ngư dân qua mùa đánh bắt hải sản, tạo ra những hoạt động giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm của các nghệ nhân gắn bó với vạn chài từ khi còn rất trẻ. Các nghệ nhân, ngư dân Vạn chài Xương Lý nói riêng, ngư dân mọi miền liên quan đến lễ hội truyền thống này luôn trân trọng và yêu quý; bảo vệ, phát huy giá trị di sản; trân trọng vùng đất ẩn chứa, lưu giữ di sản và vai trò của chủ thể di sản đối với đời sống kinh tế - văn hóa trên địa bàn bao thế kỷ qua.

Các hoạt động lễ hội mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, giáo dục truyền thống đoàn kết, yêu quê hương đất nước, có trách nhiệm cụ thể đối với vạn chài; là niềm tự hào vì nó gắn liền với tinh thần bảo vệ biển đảo, phát triển kinh tế bền vững trước những thử thách biến đổi khí hậu, cũng như thăng trầm trong lịch sử.
Từ đó, khơi dậy tinh thần tiếp nối truyền thống yêu nước trong Nhân dân; cố gắng trong lao động, sản xuất để xây dựng vạn chài trở thành một điểm bảo tàng sinh thái văn hóa phi vật thể về biển đảo, một điểm du lịch cộng đồng trong quá trình xây dựng Quy Nhơn trở thành trung tâm văn hóa phía Nam của vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ.
Ngày 10.12.2024, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng đã ký ban hành Quyết định số 3944/QĐ-BVHTTDL đưa Lễ hội cầu ngư Vạn đầm Xương Lý vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Lễ hội cầu ngư Vạn đầm Xương Lý là lễ hội truyền thống được ngư dân địa phương tổ chức hàng năm, bắt đầu từ ngày mùng 10 tháng Giêng âm lịch.
Lễ hội Katê của người Chăm thường diễn ra vào đầu tháng 7 Chăm lịch hàng năm (tương ứng vào tháng 10 Dương lịch) và cũng có thể dịch chuyển theo chu kỳ của năm nhuận.
Katê là lễ hội quan trọng nhất của đồng bào Chăm theo đạo Bà La Môn, được tổ chức để tưởng nhớ các vị thần linh và dâng lễ vật cúng ông bà tổ tiên với lòng thành kính cầu mong quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, sức khỏe bình an, gia đình thịnh vượng.
Với giá trị lịch sử, văn hóa to lớn, lễ hội Katê Ninh Thuận đã chính thức được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào năm 2017.
Việc tổ chức Lễ hội Katê của đồng bào Chăm với nhiều hoạt động phong phú, đặc sắc chính là sự cụ thể hóa các đường lối chủ trương, chính sách của Đảng về công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp của đồng bào các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch như tinh thần của Dự án 6, Chương trình MTQG phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.