Vui tết Bun Huột Nặm với người Lào ở Mường Luân

QUỲNH VY - MINH HOÀNG; ảnh: MỘC TRÀ

VHO - Xã Mường Luân, huyện Điện Biên Đông (Điện Biên) vừa tổ chức phục dựng Tết té nước (Bun Huột Nặm) của dân tộc Lào sau gần 50 năm với nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ hấp dẫn, thu hút đông đảo người dân và du khách đến tham quan, trải nghiệm.

 Vui tết Bun Huột Nặm với người Lào ở Mường Luân - ảnh 1
Nghi thức buộc chỉ cổ tay cầu may mắn

 Việc phục dựng tết Bun Huột Nặm cũng nhằm thực hiện hiệu quả việc “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” tại địa phương.

 Trước đây, tết té nước được cộng đồng người dân tộc Lào tại xã Mường Luân, huyện Ðiện Biên Đông tổ chức hằng năm. Đến khoảng những năm 1976, do tác động của chiến tranh, dịch chuyển, nên hai bức tượng Phật dưới chân tháp Mường Luân bị mất.

Kể từ đó, tết Bun Huột Nặm ở Mường Luân mất đi nghi thức quan trọng nhất và dần mai một. Đến nay, UBND xã Mường Luân đã quyết định tổ chức phục dựng lễ hội này. Đây là một trong những lễ hội đặc sắc, mang đậm nét văn hóa - tâm linh độc đáo của dân tộc Lào.

 Vui tết Bun Huột Nặm với người Lào ở Mường Luân - ảnh 2
Nghi thức tắm Phật trên dòng sông Mã

Tết Bun Huột Nặm tại Mường Luân năm nay được tổ chức trong hai ngày, với phần lễ và phần hội. Ở phần lễ, mở đầu là nghi lễ tắm Phật, bà con dân bản khiêng Phật xuống dòng sông Mã, thực hiện các thao tác tắm rửa cho tượng bằng nước thơm.

Nghi thức tắm tượng Phật tại dòng sông Mã kết thúc cũng là lúc đồng bào các dân tộc tại xã Mường Luân, nhất là cộng đồng người Lào được hòa mình dưới dòng sông, không phân biệt độ tuổi, già hay trẻ, gái trai họ nô nức té nước vào nhau thay cho những lời chúc tốt đẹp.

Người nhỏ té nước vào người lớn thể hiện sự kính trọng, thay cho lời chúc sức khỏe. Bạn bè té nước nhau như gửi lời chúc may mắn, hạnh phúc cho đối phương.

Hoạt động té nước tại sông là hoạt động sôi nổi và mang lại nhiều tiếng cười nhất trong tết Bun Huột Nặm của người Lào, càng được té ướt thì càng nhiều may mắn, vì theo quan niệm của người Lào, người nào càng được té nước nhiều, áo quần ướt đẫm thì sẽ gặp nhiều may mắn trong năm, đồng thời cũng như sự minh chứng là mình được nhiều người yêu mến.

 Vui tết Bun Huột Nặm với người Lào ở Mường Luân - ảnh 3
Người dân, du khách té nước cầu may mắn trên dòng sông Mã

Sau khi tượng Phật được tắm rửa dưới dòng sông, sẽ được di chuyển trở lại sân tháp để tắm lại nước thơm trước khi trở về vị trí cũ thanh tịnh tại chùa.

Người Lào quan niệm rằng nghi thức tắm rửa cho Phật chính là giúp đồng bào, các phật tử hiểu được rằng trong bất kỳ hoàn cảnh hay xảy ra chuyện gì thì phải luôn giữ tư tưởng: Tâm tịnh, bình tĩnh, nhẹ nhõm, bình an.

Cuộc sống này có vui sướng, có buồn đau, mà đừng vì sung sướng quá mà đắc ý. Và cũng đừng vì buồn đau mà bi quan. Một gáo nước tưới lên vai của Phật có thể giúp ta gột rửa hết những muộn phiền và giúp tâm nhẹ nhàng hơn.

Khấn xong, nước thơm sau khi tưới lên tượng Phật sẽ được phật tử vảy nước thơm về phía bà con dân bản và lúc này bà con dân bản sẽ hứng lại đem về và thoa lên người mình như thể nhận phước lành.

Bởi theo quan niệm, đây là nước phúc đức, nước may mắn, do đó họ đưa về nhà vảy lên đầu con cháu, vào mọi thành viên trong gia đình và khắp nhà… với niềm tin sẽ mang lại hạnh phúc và may mắn cho mọi người và đồ vật.

Như vậy lễ tắm Phật mang một ý nghĩa nhân văn vô cùng cao đẹp, vừa biểu hiện lòng thành kính của bà con đối với đức Phật, vừa là cơ hội để chúng ta tẩy trừ những hạt giống xấu và nuôi dưỡng những hạt giống thiện lành, làm cho cuộc sống trở nên ý nghĩa hơn, mang lại niềm hạnh phúc, an lạc cho bản thân và xã hội.

Sau phần lễ, người dân và du khách cùng nhau tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc Lào là những lời ca, tiếng hát, điệu múa và các trò chơi dân gian như: Tó Má Lẹ, tung còn, rắn bắt ngóe, rùa ấp trứng với không khí vui tươi, náo nhiệt được diễn ra ngay tại sân chân tháp cổ Mường Luân. Đặc biệt, mọi người còn được thực hiện nghi thức buộc chỉ cổ tay cầu may mắn.

Là năm đầu tiên tổ chức phục dựng lại lễ hội, nhưng trong hai ngày tổ chức, tết Bun Huột Nặm của xã Mường Luân đã thu hút rất đông du khách trong huyện và trong tỉnh đến tham dự. 

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc