Trình diễn nghi thức sinh hoạt văn hóa truyền thống đặc sắc của các dân tộc
SƠN THÙY - NGỌC HÀ
Chia sẻ
VHO - Trong khuôn khổ Ngày hội Văn hóa các dân tộc Việt Nam năm 2024 do Bộ VHTTDL và UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức, hàng trăm nghệ nhân và diễn viên các đoàn đã trình diễn, tái hiện những nghi thức tiêu biểu trong các lễ hội truyền thống và sinh hoạt văn hóa của đồng bào các dân tộc.
Các nghệ nhân, diễn viên của tỉnh Quảng Trị trình diễn trình diễn trích đoạn “Lời chúc phúc Aza” trong lễ cúng A-riêu Aza của đồng bào Pa Cô. Trích đoạn gồm 2 trường: Lời chúc phúc đời thường và lời chúc phúc về đời sống tâm linh.Trong không gian của nghi lễ thường được tổ chức trong nhà và trước sân nhà, trong đó phải có cây nêu lớn, có không gian nhà đặt lễ vật, nhà bếp - nơi nấu nướng, chuẩn bị lễ vật. Vào buổi sáng tinh mơ, nhà nhà rực sáng bên bếp lửa hồng, nấu xôi, nướng ống thịt, ống cá để chuẩn bị lễ vật dâng tế thần linh, tổ tiên trong lễ A-riêu Aza của gia đình hoặc của dòng họ.Trong lễ cúng A-riêu Aza có tục tặng quà và lời chúc phúc của con cháu, dòng tộc và khách mời đối với gia chủ được xem là nghi lễ quan trọng nhất. Bởi các món quà và lời chúc phúc đó sẽ được gia chủ làm vật dâng tế cúng cho thần linh, tổ tiên trong lễ cúng chính. Qua đó mọi người cầu mong đón một năm mới có thật nhiều sức khoẻ, may mắn, mùa màng bội thu, cuộc sống ấm no, đủ đầy, hạnh phúc.Đoàn Nghệ An mang đến Ngày hội với phần trình diễn trích đoạn trong nghi lễ cúng tất niên của đồng bào dân tộc Mông. Theo truyền thống của người Mông, dịp Tết thường đến sớm hơn khoảng 1 tháng so với đồng bào vùng xuôi và nghi lễ cúng tất niên vào ngày cuối năm rất quan trọng.Đồng bào dân tộc Mông ở Nghệ An sinh sống ở khu vực biên giới Việt - Lào thuộc 3 huyện vùng cao: Tương Dương, Quế Phong, Kỳ Sơn.Trong khi đó, các nghệ nhân, diễn viên của tỉnh Quảng Nam trình diễn trích đoạn lễ “Cầu mưa” của đồng bào Cor. Nghi lễ này được tổ chức với ý nghĩa cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, buôn làng ấm no.Đoàn Quảng Ngãi trình diễn trích đoạn nghi lễ trong Tết Ngã rạ của đồng bào dân tộc Cor. Đây là Tết chính và quan trọng của đồng bào Cor nhằm tạ ơn thần linh, tổ tiên đã phù hộ cho dân làng. Nghi lễ này còn mang đậm nét văn hóa truyền thống nguyên thủy mà đồng bào còn lưu giữ.