Ngày hội Văn hóa các dân tộc Việt Nam năm 2024:

Tôn vinh bản sắc, phát triển tiềm năng du lịch

SƠN THÙY; ảnh: Đ.VIỆT

VHO - Ngày hội Văn hóa các dân tộc Việt Nam năm 2024 sẽ quy tụ 1.500 nghệ nhân, diễn viên, vận động viên, cùng nhiều hoạt động văn hóa và du lịch đặc sắc. Sự kiện không chỉ góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân mà còn tôn vinh giá trị bản sắc văn hóa của các cộng đồng dân tộc, đồng thời tạo cơ hội giao lưu, kết nối và mở ra những triển vọng phát triển mới.

Tôn vinh bản sắc, phát triển tiềm năng du lịch - ảnh 1
Lễ hội mừng lúa mới của đồng bào Vân Kiều ở huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị

 Ngày hội diễn ra tại Quảng Trị từ ngày 14 - 16.12 có quy mô toàn quốc với sự tham gia của các đoàn đến từ 16 tỉnh, thành trong cả nước, gồm: Bắc Giang, Đà Nẵng, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng, Lạng Sơn, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Gia Lai, Sơn La, Thanh Hóa, Thừa Thiên Huế, Vĩnh Phúc và Quảng Trị. Sự kiện do Bộ VHTTDL và UBND tỉnh Quảng Trị phối hợp chỉ đạo tổ chức.

Nhiều hoạt động văn hóa đặc sắc

Ngày hội Văn hóa các dân tộc Việt Nam là một sự kiện có ý nghĩa sâu sắc, nhằm tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, đồng thời giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số Việt Nam trong nền văn hóa thống nhất, đa dạng của 54 dân tộc Việt Nam nói chung và tỉnh Quảng Trị nói riêng. Sự kiện tạo điều kiện để các địa phương giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, góp phần nâng cao nhận thức và ý thức trong việc bảo tồn, gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc, cũng như xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Thông qua đó, góp phần phát triển văn hóa và con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước theo Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9.6.2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI và Kết luận số 76-KL/TW ngày 4.6.2020 của Bộ Chính trị.

Trong thời gian diễn ra Ngày hội Văn hóa các dân tộc Việt Nam năm 2024, sẽ có nhiều hoạt động văn hóa, du lịch và thể thao đặc sắc. Các hoạt động văn hóa bao gồm liên hoan văn nghệ quần chúng, trình diễn trang phục dân tộc, giới thiệu các trích đoạn lễ hội và nghi thức sinh hoạt văn hóa truyền thống của các dân tộc. Ngoài ra còn có các chương trình trưng bày, giới thiệu và quảng bá văn hóa truyền thống, trình diễn, chế biến và giới thiệu ẩm thực dân tộc đặc sắc của các địa phương…

Trong khuôn khổ Liên hoan văn nghệ quần chúng, các tỉnh sẽ tham gia trình diễn 4 tiết mục, bao gồm các thể loại dân ca, dân vũ, dân nhạc, độc tấu và hòa tấu nhạc cụ truyền thống, với thời lượng không quá 30 phút mỗi đoàn. Chương trình trình diễn trang phục các dân tộc sẽ được tổ chức lồng ghép vào liên hoan văn nghệ quần chúng, mỗi đoàn sẽ có một tiết mục giới thiệu trang phục đặc trưng, phân chia theo 3 nội dung: Trang phục ngày thường, trang phục lễ hội và trang phục lễ cưới. Các đoàn cũng sẽ lựa chọn và dàn dựng các trích đoạn giới thiệu những lễ hội, nghi thức sinh hoạt văn hóa đặc sắc, tiêu biểu của dân tộc tại địa phương để trình diễn tại Ngày hội.

Không gian trưng bày giới thiệu và quảng bá văn hóa sẽ bao gồm các bảng trích biểu đồ, mô hình hiện vật, hình ảnh, nhạc cụ, trang phục của đồng bào dân tộc tiêu biểu của từng địa phương; tranh, ảnh, sách, đồ thủ công mỹ nghệ, thổ cẩm, kiến trúc nhà ở... Qua đó, sự kiện sẽ nhấn mạnh văn hóa các dân tộc trong sự thống nhất của nền văn hóa Việt Nam, phản ánh những thành tựu trong sản xuất, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng và xây dựng đời sống văn hóa cộng đồng.

Bên cạnh đó, các địa phương tham gia Ngày hội sẽ giới thiệu thông tin về sản phẩm du lịch, điểm đến tiêu biểu, trưng bày các sản phẩm đặc sản và trình diễn các nghề thủ công như dệt thổ cẩm, chế tác đồ mỹ nghệ, nhạc cụ dân tộc… Đồng thời, các địa phương còn giới thiệu các loại hình văn hóa phi vật thể đã được Bộ VHTTDL đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Các hoạt động văn hóa sẽ diễn ra tại không gian quảng trường và trụ sở Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Quảng Trị.

Về hoạt động du lịch, các tỉnh sẽ tham gia thi trình diễn kỹ năng du lịch cộng đồng, kỹ năng chào đón khách, kỹ năng thuyết minh và giới thiệu điểm đến du lịch cộng đồng. Đồng thời, các tỉnh tổ chức các hoạt động giới thiệu và quảng bá tại không gian trưng bày của mình. Riêng các hoạt động thể thao và trò chơi dân gian dân tộc sẽ được tổ chức tại Nhà thi đấu đa năng tỉnh Quảng Trị, với các bộ môn như đẩy gậy, kéo co, bắn ná, bắn nỏ…

Trong khuôn khổ Ngày hội, sẽ diễn ra hoạt động trưng bày ảnh với chủ đề “Các dân tộc thiểu số Việt Nam đồng hành cùng sự phát triển của đất nước” và triển lãm “Sắc màu văn hóa các dân tộc Việt Nam”.

Ông Nguyễn Huy Hùng, Phó Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Quảng Trị, Phó Trưởng Tiểu ban nội dung - Ban Tổ chức Ngày hội Văn hóa các dân tộc Việt Nam năm 2024 nhấn mạnh: “Ngày hội là cơ sở quan trọng để quảng bá văn hóa đa dạng của các dân tộc thiểu số Việt Nam nói chung và Quảng Trị nói riêng, nhằm thúc đẩy hiểu biết và nâng cao nhận diện bản sắc độc đáo của văn hóa từng vùng miền. Đây cũng là cơ hội để Việt Nam trở thành một điểm nhấn đáng chú ý trên bản đồ văn hóa toàn cầu, với những đặc trưng văn hóa riêng biệt”.

Tôn vinh bản sắc, phát triển tiềm năng du lịch - ảnh 2
Du khách cùng trải nghiệm vui cùng ngày hội mừng lúa mới của đồng bào Vân Kiều

Mở ra thêm cơ hội cho Quảng Trị

Cũng theo ông Nguyễn Huy Hùng, các hoạt động của Ngày hội sẽ được tổ chức trang trọng, thiết thực, hiệu quả và tiết kiệm, không phô trương lãng phí, đồng thời tạo ra không khí vui tươi, phấn khởi và an toàn, gắn kết với các sự kiện chính trị, văn hóa của đất nước, khu vực và địa phương. Các chương trình tham gia phải được chuẩn bị chu đáo, với nội dung tiêu biểu, phù hợp và có tính nghệ thuật cao, đáp ứng nhu cầu sáng tạo và thụ hưởng của nhân dân; đồng thời, đề cao vai trò chủ thể văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số, bảo đảm yếu tố bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, gắn liền với các yếu tố thời đại.

Tỉnh Quảng Trị có hai dân tộc thiểu số chính là Vân Kiều và Pa Cô, chiếm 15% dân số toàn tỉnh, sinh sống tại 31 xã và 11 thôn thuộc các huyện Hướng Hóa, Đakrông, Vĩnh Linh, Gio Linh và Cam Lộ. Đồng bào các dân tộc thiểu số Quảng Trị sở hữu nền văn hóa phong phú với nhiều giá trị truyền thống tốt đẹp. Các lễ hội truyền thống đặc sắc gồm lễ A Riêu Ping (bốc mả), lễ A Da (mừng lúa mới), lễ Prúc Bor (cầu mùa). Các ngành nghề truyền thống như dệt thổ cẩm, làm chổi đót, đan lát đồ gia dụng và đồ dùng từ nguyên liệu bản địa cũng được lưu giữ. Bên cạnh đó, những giá trị văn hóa ẩm thực đặc trưng với các loại rượu, bánh chế biến từ gạo nếp, các bài thuốc dân gian, cùng nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống tiêu biểu như các làn điệu dân ca, dân vũ, dân nhạc như Calơi, Cha Chấp, Oát, Xà Nớt… góp phần tạo nên nét văn hóa đặc sắc, đa dạng trong nền văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Phó Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Quảng Trị thông tin, trong Ngày hội lần này, đoàn Quảng Trị sẽ tham gia với 102 nghệ nhân, diễn viên và vận động viên người Vân Kiều, Pa Cô đến từ hai huyện Hướng Hóa và Đakrông. Các nghệ nhân và diễn viên sẽ tái hiện những nét văn hóa đặc sắc, tiêu biểu của các dân tộc qua các làn điệu dân ca, dân vũ, trang phục truyền thống, sinh hoạt lễ hội văn hóa và các trò chơi dân gian. Đoàn cũng sẽ giới thiệu các giá trị văn hóa ẩm thực truyền thống của đồng bào dân tộc Vân Kiều và Pa Cô đến du khách, cùng với các sản phẩm văn hóa, thủ công như quần áo, gùi, a chói... được tạo ra từ bàn tay khéo léo của các nghệ nhân.

“Ngày hội cũng là cơ hội để quảng bá và lan tỏa mạnh mẽ tiềm năng, thế mạnh du lịch của tỉnh Quảng Trị. Vì vậy, Sở đã tiến hành rà soát và kiểm tra chất lượng dịch vụ, đồng thời hướng dẫn các khách sạn và cơ sở lưu trú trên địa bàn tỉnh cải thiện, nâng cấp chất lượng dịch vụ, nhân lực phục vụ chuyên nghiệp và thân thiện, nhằm đảm bảo phục vụ đại biểu và du khách tham dự ngày hội một cách chu đáo nhất”, ông Nguyễn Huy Hùng chia sẻ.

Sở VHTTDL tỉnh Quảng Trị cũng đã hướng dẫn các đơn vị kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh áp dụng các chính sách kích cầu, khuyến mại và liên kết xây dựng các chiến lược kích cầu kép để tạo sự cộng hưởng, lan tỏa. Điều này nhằm khuyến khích du khách mua và sử dụng các sản phẩm và dịch vụ du lịch trong suốt thời gian diễn ra Ngày hội.

Trong khuôn khổ sự kiện, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư - Thương mại và Du lịch tỉnh sẽ phối hợp với Sở Công thương và Sở NN&PTNT tổ chức gian trưng bày các sản phẩm OCOP của tỉnh. Bên cạnh đó, Hiệp hội Du lịch tỉnh sẽ thực hiện gian hàng trưng bày các sản phẩm đặc sản và truyền thống tiêu biểu của địa phương.