Tăng cường phòng, chống mua bán phụ nữ, trẻ em ở miền núi
VHO - Lợi dụng điều kiện khó khăn về kinh tế và sự thiếu hiểu biết của người dân nhất là khu vực vùng sâu vùng xa, vùng biên giới, tội phạm mua bán người đã lừa gạt, dụ dỗ những phụ nữ nhẹ dạ, trẻ em để bán sang nước ngoài với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi.
Thủ đoạn “việc nhẹ lương cao”
Trong ngôi nhà lợp thưng gỗ đơn sơ, 3 cháu bé là L.T.H. (sinh năm 2012), C.T.T. (sinh năm 2012) và L.T. N. (sinh năm 2007) trú tại bản Chẳm Puông xã Lượng Minh, huyện Tương Dương vẫn chưa hết sợ hãi khi kể lại là “con mồi” của bọn buôn người: “Lợi dụng sự thiếu hiểu biết và nhẹ dạ cả tin, chúng em nghe theo Xeo Thị Thành (SN 1994 cùng ở bản Chẳm Puông, xã Lượng Minh, huyện Tương Dương và Lương Thị Biên (sinh năm 1986) và Xeo Văn Hiên (sinh năm 1976), đều trú tại bản Huồi Thợ, xã Hữu Kiệm, huyện Kỳ Sơn dụ dỗ sang biên giới làm việc và vẽ ra viễn cảnh giàu sang, công việc thì nhẹ nhàng lương cao nhưng thực chất là lừa bán sang nước ngoài. May mắn khi vào cuối tháng 4.2024, Công an huyện Tương Dương phối hợp với lực lượng Bộ đội Biên phòng giải cứu để bọn em được trở về với gia đình, bản làng.
Qua lời khai của các nạn nhân và bằng các biện pháp nghiệp vụ, tại Cơ quan điều tra, các đối tượng khai nhận đã móc nối với một đối tượng người Việt Nam ở nước ngoài bán ba cháu gái ở bản Chẳm Puông để hưởng lợi số tiền là 165 triệu đồng. Cơ quan Cảnh sát điều tra đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với 3 đối tượng nói trên.
Mới đây, ngày 12.7, các lực lượng chức năng đã đưa 7 nạn nhân bị lừa bán sang Lào về đến Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo (huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh) an toàn. Các nạn nhân được giải cứu lần này, gồm 5 nam, quê quán ở huyện Con Cuông và 2 nữ ở huyện Tương Dương (tỉnh Nghệ An).
Qua điều tra xác minh, đầu tháng 3.2024, các nạn nhân có biết một người phụ nữ thông qua mạng xã hội ở bên Lào dụ dỗ làm hộ chiếu để xuất cảnh sang Thái Lan bán vé số, mỗi tháng trả 17 đến 20 triệu đồng.
Tuy nhiên, khi sang Lào, các nạn nhân được đưa đến Đặc khu kinh Bò Kẹo (Lào) làm việc với hình thức lập các tải khoản Zalo, App Walmark, Facebook ảo, tổ chức lừa đảo qua mạng để chiếm đoạt tài sản. Mỗi ngày chúng cưỡng bức các nạn nhân phải làm việc từ 13 đến 18 tiếng.
Nhận thấy đây là việc làm sai trái với pháp luật, các nạn nhân đã tìm cách liên lạc về với gia đình làm đơn cầu cứu lực lượng bộ đội biên phòng.
Từ đầu năm 2023 đến nay, lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Tĩnh đã giải cứu 5 vụ với 27 nạn nhân; phối hợp các lực lượng chức năng giải cứu 4 vụ với 14 nạn nhân; tiếp nhận từ lực lượng chức năng Lào trao trả 2 vụ với 59 nạn nhân, đều bị lừa ra nước ngoài với chiêu bài “việc nhẹ, lương cao”.
Cơ quan điều tra cho biết không phải nạn nhân nào cũng may mắn được giải cứu, nhiều phụ nữ bị lừa bán sang Trung Quốc lấy chồng, trải qua quãng thời gian cực khổ mới tìm đường trốn về quê và tố cáo kẻ lừa bán mình. Cá biệt, một số trường hợp sau khi bị lừa bán đã quay lại dụ dỗ, lừa bán những phụ nữ khác. Như trường hợp Lương Thị Tinh, SN 1981 ở xã Tam Đình, huyện Tương Dương, do hoàn cảnh khó khăn, không có việc làm, phải nuôi con nhỏ, Tinh bị chị họ là Lương Thị Năm trú tại bản Quang Yên, xã Tam Đình dụ dỗ sang Trung Quốc làm việc với tiền công mỗi ngày là 150.000 đồng. Thế nhưng, Tinh bị Năm bán hai lần làm vợ hai người đàn ông Trung Quốc. Điều đáng nói là sau đó, chính Tinh cũng đã có hành vi lừa bán người khác và chịu án phạt tù vì tội mua bán người qua Trung Quốc.
Giai đoạn từ năm 2020 đến đầu năm 2014, lực lượng chức năng tỉnh Nghệ An đã đấu tranh, phát hiện, bắt giữ 35 vụ, 39 đối tượng phạm tội mua bán người, mua bán trẻ em; tiếp nhận, xác minh hơn 300 nạn nhân của việc mua bán người.
Nâng cao cảnh giác
Xã Hữu Kiệm, huyện vùng cao Kỳ Sơn (Nghệ An) có 9 bản làng, với 4 hệ dân tộc cùng chung sống, như Thái, Khơ Mú, Mông và Kinh. Theo thống kê từ năm 2017 đến năm 2019, Hữu Kiệm từng được biết đến là điểm nóng về tình trạng mua bán người, toàn xã có 22 trường hợp đi bán bào thai, chủ yếu tập trung ở các bản đồng bào Khơ Mú sinh sống. Điểm chung của những người mẹ “nỡ lòng” bán bào thai là mù chữ, gia đình khó khăn, nhận thức về xã hội và pháp luật hạn chế. Nhiều phụ nữ đã bán con vô cảm khi cho rằng việc bán bào thai là chuyện bình thường, bán đi rồi đẻ tiếp?!
Trước thực trạng đau lòng đã xảy ra, đầu năm 2020, xã Hữu Kiệm đã thành lập mô hình “Phòng chống mua bán người tại xã Hữu Kiệm”. Bước đầu xã phối hợp với các lực lượng tổ chức ra mắt và thành lập mô hình tại bản Đỉnh Sơn 2, một trong những bản được xác định là điểm nóng về tình trạng phụ nữ trốn đi theo các đường tiểu ngạch sang Trung Quốc bán thai nhi. Sau đó, Ban chỉ đạo xã Hữu Kiệm đã đồng loạt xây dựng mô hình này 9/9 bản. Ngay từ khi ra mắt mô hình, Ban chỉ đạo xã xác định công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho người dân là một trong những mặt công tác trọng tâm và có tính xuyên suốt. Các hình thức tuyên truyền cũng được tiến hành đa dạng, phong phú, như: tuyên truyền bằng trực quan, treo các băng rôn, khẩu hiệu; tuyên truyền trên loa truyền thanh của xã đến 9/9 bản; tuyên truyền bằng sân khấu hóa thông qua các cuộc giao lưu văn nghệ; tuyên truyền trực tiếp thông qua các cuộc họp dân tại các bản…
Chị La Thị Thanh An, Cán bộ văn hóa xã Hữu Kiệm cho biết, đồng bào Khơ Mú có đời sống rất khó khăn, vì vậy, bên cạnh việc tuyên truyền, giám sát, để giúp chị em phụ nữ sau khi trở về địa phương có điều kiện phát triển kinh tế, tăng thu nhập, chính quyền địa phương đã tạo điều kiện để phụ nữ vay vốn phát triển sản xuất. Ngoài ra, Hội Phụ nữ xã cũng tuyên truyền, vận động chị em tham gia làm các mô hình như trồng rau, dệt thổ cẩm, đan lát, qua đó tạo thêm việc làm, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống.
Đại úy Trần Danh Hòa, Trưởng Công an xã, Phó Ban chỉ đạo Phòng, chống mua bán người xã Hữu Kiệm, huyện Kỳ Sơn cho biết: Để đấu tranh với tội phạm mua bán người, Tổ công tác đã giao nhiệm vụ trực tiếp cho Ban quản lý bản, Công an viên, thường xuyên bám nắm địa bàn, rà soát, lập danh sách các đối tượng có tiền án, tiền sự về tội buôn bán người, các nạn nhân từ nước ngoài về. Riêng đối với những phụ nữ có thai, đây là nhóm đối tượng trong tầm ngắm của tội phạm mua bán người. Vì vậy, tổ công tác lập danh sách, thường xuyên cắt cử người đến nhà thai phụ nắm tình hình, hỏi thăm sức khỏe, đồng thời tuyên truyền người dân không thực hiện các hành vi buôn bán người, buôn bán bào thai. Khi phát hiện các đối tượng lạ mặt có biểu hiện nghi vấn xuất hiện tại địa bàn, đề nghị người dân kịp thời báo cáo cho Công an xã, từ đó có biện pháp xử lý ngay từ ban đầu.
Tại nhiều địa phương khác như xã Tam Quang, Nga My, Yên Hòa, huyện Tương Dương; xã Hạnh Dịch, huyện Quế Phong; xã Đôn Phục, huyện Con Cuông… mô hình “Hỗ trợ cộng đồng phòng, chống mua bán người” hoặc “Lá chắn phòng, chống mua bán người” cũng phát huy hiệu quả trong công tác truyền thông. Qua đó, nhận thức của người dân ngày được nâng cao, tình hình tội phạm buôn bán người giảm rõ rệt.
Để nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống mua bán người, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Công văn số 5442//UBND-NC, trong đó, giao Công an tỉnh chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương tham mưu cấp ủy, chính quyền và phối hợp chặt chẽ với các ngành xây dựng, duy trì, nhân rộng các mô hình hiệu quả trong phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” và phòng ngừa tội phạm mua bán người. Xác định công tác phòng, chống mua bán người là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách, thường xuyên và lâu dài, cần tập trung chỉ đạo quyết liệt, UBND tỉnh Nghệ An cũng yêu cầu các sở, ngành, địa phương bố trí và huy động nguồn lực hợp pháp cho công tác phòng, chống tội phạm mua bán người tương xứng với yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Đồng thời, triển khai đợt cao điểm tuyên truyền, truyền thông và cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm mua bán người trên phạm vi toàn tỉnh.