Quảng Nam:

Rừng bác Năm Công mãi xanh

THU HOÀI

VHO - Khu rừng già nguyên sinh với hàng trăm cây cổ thụ, gỗ quý căn cứ Liên khu ủy và Ban Quân sự khu V đang được đồng bào, ngành chức năng bảo vệ nghiêm ngặt. Khu rừng này hiện là “lá phổi xanh” bảo vệ cho người dân huyện miền núi Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam, chống sạt lở đất đá vào mùa mưa bão.

Rừng bác Năm Công là tên gọi mà đồng bào dân tộc đặt cho khu rừng nguyên sinh gắn liền hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công (bác Năm Công).

Khu rừng này hiện ở tại thôn 1, xã Trà Mai, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam, rộng gần 30 héc ta được bảo tồn gần như nguyên vẹn, nhiều cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi, đường kính 3 - 4 người ôm. Nằm giữa khu rừng còn có đền thờ Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công.

Rừng bác Năm Công mãi xanh  - ảnh 1
Khu rừng bác Năm Công

Trong kháng chiến chống Mỹ, Liên khu V đã chọn miền núi Tây Quảng Nam làm căn cứ địa, làm chỗ dựa cho các cơ quan chỉ đạo, chỉ huy của Khu V. Năm 1955, từ miền núi Tây Thừa Thiên, cơ quan Khu ủy Khu V chuyển vào Trung Mang nằm phía Tây Đà Nẵng để thuận tiện cho việc chỉ đạo hai thành phố lớn là Huế và Đà Nẵng.

Trong sâu khu rừng vẫn bảo tồn nguyên vẹn thảm rừng, nhiều loại cây cổ thụ quý hiếm như chò nâu, dẻ gai Ấn Độ, chò ổi;…Có cây cao 30-50m, chu vi 3-5m, nhiều loại dây leo chằng chịt quấn vào nhau, quấn vào những thân cây to lớn, tạo nên vẻ đẹp của khu rừng. 

Năm 1958-1959, chuyển lên đóng ở huyện Hiên; cuối năm 1959 chuyển vào vùng Ták Pỏ - Nước Là - Ngok La, với mật danh là “Mật khu Đỗ Xá”, nay thuộc xã Trà Mai, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam.

Giai đoạn 1959- 1964, đồng chí Võ Chí Công là Bí thư Liên khu ủy V, Trưởng ban Quân sự khu V đã ở tại khu rừng này để lãnh đạo phong trào kháng chiến khu V. Hoàn thành sứ mệnh lịch sử trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ (1959-1964), thực hiện thắng lợi bước đầu về đường lối chiến lược của Cách mạng miền Nam trong những năm 1960.

Sau năm 1964, vùng giải phóng được mở rộng, Khu ủy Khu V chuyển xuống vùng Nước Oa, xã Trà Tân, huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam.

Rừng bác Năm Công mãi xanh  - ảnh 2
Khu rừng còn nguyên vẹn nhiều cây cổ thụ lâu năm

Ghi nhớ công ơn bác Năm Công, đồng bào các dân tộc tộc Xê Đăng, Ca Dong nơi đây đã cùng nhau bảo vệ, canh giữ khu rừng này rất nghiêm ngặt, có quy ước chặt chẽ không ai được chặt phá, giữ gìn khu rừng như chứng tích lịch sử trong những năm tháng chiến tranh ác liệt. Khu rừng thiêng này còn là “lá phổi xanh” bảo vệ người dân, chống sạt lở đất đá vào mùa mưa bão.

Sau ngày giải phóng đất nước, chính quyền và nhân dân huyện Nam Trà My đã đề xuất xây dựng di tích Khu ủy Khu V tại Nước Là. Năm 2003, khi huyện Trà My được chia tách thành huyện Nam Trà My và Bắc Trà My, khu rừng nằm trên địa bàn xã Trà Mai, huyện Nam Trà My, chính quyền địa phương  trực tiếp chỉ đạo, vận động bà con không được phá rừng, không được phát rẫy.

Năm 2008, Bộ VHTTDL đã ban hành quyết định xếp hạng Căn cứ Liên Khu ủy Khu V và Ban Quân sự Khu V (tại xã Trà Mai, huyện Nam Trà My) là Di tích quốc gia.

Nơi đây được đầu tư, xây dựng trở thành một địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân của Liên khu 5 nói chung và là điểm tham quan, du lịch của huyện Nam Trà My nói riêng.

Người dân ở xã Trà Mai mỗi khi nhắc đến rừng bác Năm Công đều ghi nhớ đây là khu rừng thiêng, nơi từng chở che cán bộ, chiến sĩ Liên khu ủy V trong giai đoạn ác liệt của kháng chiến chống Mỹ.

Đặc biệt là nơi bác Năm Công đã từng ở nên phải giữ nguyên, vừa bảo vệ rừng vừa bảo vệ nguyên di tích cách mạng, góp phần giáo dục cho con cháu hiểu được giá trị lịch sử.

Rừng bác Năm Công mãi xanh  - ảnh 3
Nhiều gốc cây cổ thụ, đường kính 3-4 người ôm

Từ nhỏ, những đứa trẻ ở Trà Mai đều được ông bà, cha mẹ nhắc nhở, dặn dò không được chặt phá, xâm phạm bất kỳ một nhánh cây nào ở rừng bác Năm Công. Các thế hệ nối tiếp nhau, cứ thế, xem đó như lời truyền dạy, lời hứa về nhiệm vụ bảo vệ khu rừng ông Năm Công này.

Người nhỏ nhìn người lớn, người trong làng nhìn nhau, ai cũng dặn dò, ghi nhớ không chặt, không phá gì ở khu rừng này vì đây là nơi hoạt động cách mạng của các cán bộ khi xưa. Vừa bảo vệ rừng, vừa giữ nguyên vẹn di tích này để con cháu sau này luôn ghi nhớ về lịch sử. Đồng bào truyền tai nhau về ý nghĩa của khu rừng nên bảo vệ rất nghiêm túc, có đối tượng lạ đến phá hoại liền báo chính quyền xử lý.

Việc giữ gìn, bảo vệ khu rừng bác Năm Công không chỉ là bảo vệ một di tích, một địa chỉ đỏ mà còn tạo sinh kế lâu dài cho người dân trong vùng. Từ khu rừng ông Năm Công, người dân Nam Trà My càng hiểu được tầm quan trọng của việc bảo vệ rừng, nhân rộng ra nhiều địa phương khác của huyện để giữ vững môi trường sinh thái, phát triển, trồng các loại dược liệu quý như sâm Ngọc Linh dưới tán rừng, tạo nguồn thu nhập ổn định cho người dân.

Đến nay, tổng diện tích rừng nguyên sinh của Nam Trà My hơn 43 ngàn héc ta, chiếm trên 62% tổng diện tích rừng của địa phương. Đồng bào nơi đây tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, chung tay gìn giữ khu rừng ngày càng xanh tốt, trường tồn.

Mô hình quản lý, bảo tồn khu rừng bác Năm Công được xem là hình mẫu để nhân rộng ra các địa phương miền núi tỉnh Quảng Nam, qua đó góp phần phát động và lan tỏa trong thế hệ trẻ Quảng Nam bảo vệ rừng, gìn giữ môi trường.