Phục dựng lễ cúng giang sơn của đồng bào Rục dân tộc Chứt

TÂN BÌNH

VHO - Phục dựng, bảo tồn lễ cúng giang sơn của đồng bào Rục ở xã Thượng Hoá nhằm bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc Chứt ở huyện Minh Hoá, Quảng Bình.

Phục dựng lễ cúng giang sơn của đồng bào Rục dân tộc Chứt - ảnh 1
Phục dựng, bảo tồn lễ cúng giang sơn của đồng bào Rục ở xã Thượng Hoá

Chiều ngày 22.10, tại xã Thượng Hóa (Minh Hóa), Sở VHTT tỉnh Quảng Bình phối hợp với địa phương tổ chức phục dựng, bảo tồn lễ cúng giang sơn của đồng bào Rục (dân tộc Chứt). 

Đây là hoạt động “khôi phục, bảo tồn và phát triển bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số rất ít người”, thuộc Dự án 6 Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025.

Đồng bào Rục (dân tộc Chứt) ở xã Thượng Hóa chủ yếu sống trong hang động, núi đá, lán cây... nên rừng có ý nghĩa vô cùng quan trọng, chi phối toàn bộ đời sống của người dân.

Để cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, gia đình, bản làng yên ổn, người dân vào rừng săn bắt, hái lượm được may mắn, đồng bào Rục tổ chức lễ cúng giang sơn vào tháng 9 âm lịch hàng năm.

Trong lễ cúng, già làng sẽ gọi mời các vị thần ảnh hưởng đến cuộc sống du canh du cư, thổ thần đất đai và những người dân bản đã khuất về chứng giám và thụ hưởng lễ vật.

Phục dựng lễ cúng giang sơn của đồng bào Rục dân tộc Chứt - ảnh 2
Già làng người Rục thực hiện nghi lễ cúng giang sơn

Già làng cũng nhắc nhở các thành viên của bản về trách nhiệm bảo vệ rừng, phát huy tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng. Lễ cúng cũng là dịp để cảm ơn đấng bề trên đã phù hộ độ trì, bảo hộ cho cuộc sống được yên bình, no ấm. 

Để kết thúc bài cúng, già làng dùng hai miếng gỗ ngắn làm bằng đốt cây tre hoặc nứa có mặt vỏ và mặt ruột ném vào một con dao để xin keo bằng hình thức sấp ngửa. Hình thức này nhằm xác tín các thần đã chấp nhận lòng thành và lễ vật của dân bản.

Phục dựng, bảo tồn lễ cúng giang sơn của đồng bào Rục ở xã Thượng Hoá nhằm nâng cao nhận thức của người dân địa phương trong công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc Chứt; đồng thời làm phong phú thêm đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội và du lịch trên địa bàn.