Thanh Hoá:
Nỗ lực xây dựng nông thôn mới ở xã khó khăn, biên giới Yên Khương
VHO - Yên Khương là xã biên giới duy nhất và nghèo nhất của huyện Lang Chánh (Thanh Hoá). Vì vậy, trong quá trình xây dựng nông thôn mới, Yên Khương gặp rất nhiều khó khăn, thách thức.
Song, hơn 10 năm qua, với sự nỗ lực, quyết tâm cao của cấp ủy, chính quyền, sự quan tâm ủng hộ của các cấp, các ngành và sự đồng thuận của nhân dân, Yên Khương đã và đang có nhiều chuyển biến tích cực trong xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa, nâng cao đời sống của nhân dân.

Từ những khó khăn ban đầu
Yên Khương là xã biên giới duy nhất của huyện Lang Chánh, với 9 thôn, bản. Toàn xã hiện có trên 1.000 hộ, với hơn 5.000 nhân khẩu, trong đó người Thái chiếm 98%, nhân dân trong xã sống chủ yếu làm nghề nông. Khi bắt đầu triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới, kết cấu hạ tầng của Yên Khương gần như thiếu và yếu.
Do đặc thù của vùng cao nên có thể nói các tiêu chí "cứng" trong xây dựng nông thôn mới như: đường giao thông nông thôn; hình thức tổ chức sản xuất; thu nhập; giải quyết việc làm; chợ..., trở thành những rào cản căn bản trong quá trình thực hiện.
Đặc biệt, trong phát triển kinh tế, sản xuất nông nghiệp vẫn là nguồn thu chủ yếu của xã nhưng còn manh mún và hoàn toàn phụ thuộc vào thiên nhiên nên năng suất, hiệu quả cây trồng không cao.
Bên cạnh đó, do trình độ dân trí không đồng đều, có đông đồng bào dân tộc thiểu số nên việc đổi mới tư duy trong sản xuất còn chậm, nhất là việc tiếp thu và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật chưa đồng bộ.
Mặt khác, địa bàn xã khá rộng, địa hình phức tạp, nhiều đồi núi, dân cư lại sống không tập trung nên rất khó khăn trong công tác thông tin, tuyên truyền, triển khai các chủ trương về xây dựng nông thôn mới đến với người dân.
Theo ông Hà Văn Hoài, Chủ tịch UBND xã Yên Khương, trong các tiêu chí chưa đạt (thu nhập, nghèo đa chiều, lao động qua đào tạo, môi trường...), khó nhất vẫn là tiêu chí thu nhập.
Bởi thực tế, để nâng cao mức thu nhập cho người dân, nhiều năm qua, địa phương đã tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đồng thời tích cực áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất.
Song, mức thu nhập hiện nay của người dân mới đạt 19,8 triệu đồng/người/năm, trong khi đó quy định mức thu nhập năm 2025 (tại Quyết định số 25/2024/QĐ-UBND, ngày 26.6.2024 của UBND tỉnh Thanh Hoá) đạt 48 triệu đồng/người/năm.
Cũng theo ông Hoài, một khó khăn nữa khi mới triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới, đó là những băn khoăn từ chính một số cán bộ, đảng viên về tính khả thi của chương trình bởi bấy lâu nay, trong tâm tưởng của nhiều người, Yên Khương là xã vùng cao, nhiều khó khăn, việc theo kịp được miền xuôi là mơ ước, chứ chưa nói gì đến việc xây dựng nông thôn mới.
Trong khi đó, tập quán canh tác còn lạc hậu, sản xuất chủ yếu tự cung, tự cấp nên Yên Khương có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất của huyện, một bộ phận nhân dân vẫn còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước.
Nổ lực, quyết tâm về đích nông thôn mới
Xác định rõ những khó khăn, Đảng bộ, chính quyền xã Yên Khương đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng nông thôn mới phù hợp với điều kiện địa phương.
Trong đó ưu tiên thực hiện những công việc có tính khả thi, có sức lan tỏa làm trước. Đảng ủy, chính quyền và các tổ chức đoàn thể chính trị-xã hội ở địa phương đã chú trọng làm tốt công tác tuyên truyền, đặc biệt là đề cao vai trò của già làng, trưởng bản trong tuyên truyền, vận động nhân dân, đồng bào dân tộc chung sức, đồng lòng, khắc phục khó khăn, xây dựng nông thôn mới.
Tập trung quyết liệt để thực hiện các tiêu chí mang tính thiết thực đến người dân, như nhóm tiêu chí xóa đói, giảm nghèo, giải quyết việc làm, hạ tầng đường giao thông nông thôn…, qua đó tạo khí thế phấn khởi, đem lại niềm tin trong nhân dân về một chủ trương đúng và trúng.
Các cán bộ, đảng viên là những người gương mẫu đi đầu trong mọi hoạt động, trong phong trào thi đua, các tầng lớp nhân dân đã tích cực tham gia hiến kế, hiến công, tự nguyện hiến đất chung sức cùng cấp ủy, chính quyền hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
Người dân đã tự nguyện tham gia các phong trào xây dựng chỉnh trang nhà ở, giữ gìn cổng ngõ sạch đẹp, làm đường giao thông nông thôn, tăng gia sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, giúp nhau xóa đói, giảm nghèo, xây dựng gia đình văn hóa, thôn, xóm văn hóa…
Bên cạnh đó, công cuộc xây dựng nông thôn mới ở xã biên giới Yên Khương đã tạo ra những đổi thay đáng kể trong việc cải thiện hạ tầng.
Đặc biệt, trong phong trào xây dựng đường giao thông nông thôn với phương châm nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ đã nhận được sự đồng lòng, hưởng ứng tích cực của các tầng lớp nhân dân.
Với những giải pháp và bước đi phù hợp và sự kiên trì, nỗ lực, tranh thủ các nguồn vốn hỗ trợ của cấp trên, diện mạo nông thôn Yên Khương đã có bước chuyển tích cực, đến nay xã Yên Khương đã đạt 14/19 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới.
Theo ông Hà Văn Hoài, Chủ tịch UBND xã Yên Khương, tuy địa phương không nằm trong lộ trình về đích NTM năm 2025 như kế hoạch của huyện nhưng để đạt tiêu chí thu nhập, địa phương sẽ tiếp tục vận động người dân đưa các giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng, hiệu quả cao và ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất.
Ngoài duy trì đàn gia súc gần 2.500 con và trên 31.000 con gia cầm theo hình thức gia trại và trang trại, địa phương sẽ đưa mô hình con nuôi đặc sản như dúi, lợn mán và vịt bản địa bằng cách tạo điều kiện về quỹ đất để các hộ phát triển gia trại, trang trại.
Với diện tích đất lâm nghiệp 8.066,23ha, bao gồm rừng tự nhiên và rừng sản xuất, bên cạnh công tác phòng chống cháy rừng cũng như việc chăm sóc diện tích rừng trồng, phục tráng rừng luồng, địa phương sẽ dần thay thế hơn 5.000ha keo thông thường sang giống keo cấy mô đạt năng suất, giá trị hơn hẳn so với giống keo thông thường trước đây.
Đồng thời, cuối năm nay sẽ chuyển đổi 50ha đất trồng keo kém hiệu quả sang trồng mới (cây tre mai), bởi cây này sau 3 năm trồng sẽ cho thu nhập đạt 100 triệu đồng/ha. Hiện tại, cây tre mai được người dân trong xã liên kết với đơn vị tại Hà Nội bao tiêu sản phẩm.
Được biết, để tạo điều kiện cho các xã khó khăn xây dựng nông thôn mới, thời gian qua huyện Lang Chánh đã ưu tiên, dùng phần lớn các nguồn lực để hỗ trợ các xã phát triển kinh tế, hỗ trợ sinh kế, đào tạo nghề...
Đồng thời, lồng ghép các chương trình dành cho huyện nghèo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới; đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng... từ đó tạo động lực giúp các xã phấn đấu, nỗ lực hoàn thiện các tiêu chí.
Đến thời điểm này, huyện vùng cao Lang Chánh đã có 3 xã được công nhận nông thôn mới. Trong năm 2025, huyện Lang Chánh phấn đấu có 2 xã về đích nông thôn mới.