Nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ DTTS

UYÊN PHƯƠNG

VHO - Trà Vinh sau hơn 2 năm triển khai thực hiện Dự án 8 về “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ, trẻ em” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021-2025 (Chương trình 1719) đã có sự chuyển biến tích cực trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống, thúc đẩy bình đẳng giới, đảm bảo tiếng nói và sự tham gia thực chất của phụ nữ và trẻ em trong các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội.

 Nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ DTTS - ảnh 1

 Thành viên Tổ sinh kế do phụ nữ tham gia quản lý, được sự hỗ trợ của Hội phụ nữ đã được tiếp cận nguồn vốn, có thu nhập ổn định để phát triển kinh tế gia đình

Xã Thạnh Hòa Sơn (huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh) có tổng số hội viên phụ nữ là gần 1.300 người, trong đó phụ nữ Khmer chiếm hơn 73%. Hơn năm qua, nhiều chị em đã tích cực phát triển kinh tế, vươn lên trong cuộc sống. Bà Kiên Thị Minh Nguyệt, Chủ tịch Hội phụ nữ tỉnh Trà Vinh cho biết: Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em, năm 2024, các cấp Hội phụ nữ đã thực hiện nhiều hoạt động như: Tổ chức các lớp tập huấn nâng cao năng lực vận hành và quản lý tổ nhóm, quản lý hành chính, tổ nhóm sinh kế, tổ hợp tác, hợp tác xã; thành lập và vận hành thí điểm 50 tổ tiết kiệm vốn vay ấp, khóm; hỗ trợ 6 mô hình sinh kế do phụ nữ làm chủ hoặc đồng làm chủ và 2 mô hình hỗ trợ phát triển sinh kế, hòa nhập cộng đồng cho nạn nhân mua bán người…

“Theo đó, phấn đấu đến năm 2025 sẽ thành lập được 258 tổ truyền thông cộng đồng và duy trì hoạt động; 76 tổ tiết kiệm vay vốn thôn ấp; thành lập và duy trì 46 địa chỉ tin cậy cộng đồng; thành lập mới 115 CLB “Thủ lĩnh của sự thay đổi”; 30 tổ/nhóm sinh kế do phụ nữ tham gia quản lý được hỗ trợ ứng dụng công nghệ 4.0 trong sản xuất và kết nối thị trường; 80% phụ nữ DTTS có tỷ lệ sinh con tại nhà cao được tuyên truyền, vận động, tư vấn và tiếp cận với dịch vụ sinh đẻ an toàn; 36 cuộc đối thoại chính sách cấp xã và ấp, khóm được tổ chức tại địa bàn đặc biệt khó khăn… với tổng kinh phí thực hiện các hoạt động giai đoạn I (từ năm 2021-2025) trên 20 tỉ đồng”, bà Nguyệt nói.

Dự án 8 thuộc Chương trình MTQG 1719, nhằm đẩy mạnh, chăm lo đến đối tượng yếu thế, như phụ nữ và trẻ em DTTS, thúc đẩy quyền, trao cơ hội cho họ vươn lên, khẳng định vai trò chủ thể của mình trong tham gia xây dựng, phát triển cộng đồng, góp phần thực hiện mục tiêu bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em vùng đồng bào DTTS, góp phần xây dựng quê hương Trà Vinh phát triển bền vững.