Nâng cao quyền năng chính trị cho phụ nữ miền núi Quảng Ngãi

NHƯ ĐỒNG

VHO - Đảng và Nhà nước luôn dành sự quan tâm sâu sắc đến công tác phụ nữ và bình đẳng giới, tạo điều kiện cho phụ nữ vùng đồng bào dân tộc thiểu số Quảng Ngãi tham gia các hoạt động chính trị, góp phần nâng cao vị thế của phụ nữ trong đời sống xã hội tháo gỡ những định kiến về giới.

Nâng cao quyền năng chính trị cho phụ nữ miền núi Quảng Ngãi - ảnh 1
Phụ nữ miền núi tham gia trong hoạt động chính trị

Trải qua nhiều vị trí công tác ở xã Ba Thành, huyện Ba Tơ (Quảng Ngãi), được cấp ủy, chính quyền và người dân tín nhiệm, bà Phạm Thị Minh Đôi được bầu làm Chủ tịch UBND xã Ba Thành. Hoạt động trực tiếp tại cơ sở và sâu sát với các vấn đề của địa phương nên bà nắm rõ những rào cản làm hạn chế sự sự phát triển của phụ nữ vùng cao.

Từ đó, bà luôn tìm ra các giải pháp để nâng cao năng lực cho phụ nữ địa phương, trong đó, chú trọng triển khai có hiệu quả dự án 8 - Chương trình mục tiêu quốc gia vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi, từng bước tháo gỡ định kiến về giới trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

“Đối với người đồng bào miền núi nói chung và ở xã Ba Thành nói riêng, trước kia họ rất ngại tiếp xúc với mọi người và tự ti. Nhiều chị họ làm tốt nhưng họ ngại không làm được. Trong thời gian tới để chị em phụ nữ đồng bào Hrê địa phương tiến bộ mình tạo điều kiện cho chị em phụ nữ tham gia các hoạt động. Đây là cơ hội để họ có suy nghĩ, nhìn nhận tiến bộ hơn”, bà Đôi chia sẻ.

Nâng cao quyền năng chính trị cho phụ nữ miền núi Quảng Ngãi - ảnh 2
Chị Phạm Thị Sung, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Làng Teng phát triển kinh tế bằng nghề dệt thổ cẩm

Những nỗ lực của bà Đôi trong quá trình công tác, phấn đấu và trưởng thành, là tấm gương sáng để phụ nữ Hrê ở địa phương học hỏi và noi theo. Ở Ba Thành hôm nay, nhiều phụ nữ Hrê đã tích cực tham gia vào các hoạt động kinh tế - xã hội ở địa phương để khẳng định bản thân trong gia đình và cộng đồng. 

Chị Phạm Thị Sung, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Làng Teng, xã Ba Thành, huyện Ba Tơ cho biết: “Với chức trách là một chi hội trưởng, bản thân vinh dự. Từ đó, có thể thấy rằng chị em phụ nữ có thể tự chủ trong suy nghĩ của mình, tham gia chính trị, tham gia phát triển kinh tế tế xã hội, tự chủ trong gia đình...”.

Ở các huyện miền núi Quảng Ngãi, phụ nữ ngày càng được tạo điều kiện tham gia vào hệ thống chính trị. Đặc biệt, nhiều phụ nữ giữ các vị trí chủ chốt trong các cơ quan nhà nước, đã phát huy được vai trò của người đứng đầu, kịp thời triển khai, thực hiện có hiệu quả các chương trình, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Nâng cao quyền năng chính trị cho phụ nữ miền núi Quảng Ngãi - ảnh 3
Triển khai có hiệu quả dự án 8 - Chương trình mục tiêu quốc gia vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi, từng bước tháo gỡ định kiến về giới trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Những năm gần đây tác tạo nguồn cho cán bộ nữ ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số có những chuyển biến tích cực, tăng cả về số lượng và chất lượng. Tiêu biểu như ở huyện Sơn Hà, Ban chấp hành đảng bộ huyện có 37 cán bộ thì có đến 10 cán bộ là nữ, chiếm tỷ lệ hơn 22%; Ủy viên Ban Thường vụ huyện ủy có 10 cán bộ thì có 2 cán bộ là nữ.

Ngoài ra, còn có 11 cán bộ là nữ giới giữ các chức danh trưởng, phó phòng ở các cơ quan, đơn vị, tham gia ngày càng sâu rộng hơn vào những nhiệm vụ quan trọng ở địa phương. Đóng góp của phụ nữ đã được khẳng định với những kết quả nổi bật.

Bà Đinh Thị Trà, Chủ tịch UBND huyện Sơn Hà bày tỏ: “Với vai trò là người đứng đầu trong thực hiện nhiệm vụ của cấp trên trong triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia, chúng tôi cố gắng làm sao đảm bảo cho người dân về chính sách nhà ở; giúp người dân thoát nghèo bền vững bằng cách hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, nâng cao sản xuất theo chuỗi giá trị”.

Nâng cao quyền năng chính trị cho phụ nữ miền núi Quảng Ngãi - ảnh 4
Quảng Ngãi chú trọng đào tạo, bồi dưỡng năng lực, kỹ năng truyền thông cho phụ nữ vùng đồng bào DTTS

Tỉnh Quảng Ngãi đã chú trọng đào tạo, bồi dưỡng năng lực, kỹ năng truyền thông, giải quyết vấn đề cho đội ngũ cán bộ, dẫn trình viên, tuyên truyền viên nòng cốt địa phương. Hội LHPN tỉnh tiếp tục triển khai có hiệu quả Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” nhằm tăng tỉ lệ cán bộ nữ là người có uy tín tại cộng đồng, tăng số lượng nữ giới trong hệ thống chính trị tại địa phương, từng bước thay đổi nếp nghĩ, cách làm của phụ nữ đồng bào DTTS.