Quảng Bình:

Lôi cuốn du khách từ không gian trưng bày hiện vật của đồng bào dân tộc thiểu số

TÂN BÌNH

VHO - Không gian trưng bày các hiện vật văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số tại Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Quảng Bình đang trở thành điểm đến độc đáo, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan, tìm hiểu.

Lôi cuốn du khách từ không gian trưng bày hiện vật của đồng bào dân tộc thiểu số - ảnh 1
Không gian trưng bày các hiện vật của đồng bào các dân tộc thiểu số tại Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Quảng Bình Ảnh: T.L

Tỉnh Quảng Bình hiện có hơn 27.000 người dân tộc thiểu số (chiếm khoảng 2,96% dân số toàn tỉnh), sinh sống tập trung tại 15 xã và 3 bản thuộc các huyện miền núi như Minh Hóa, Tuyên Hóa, Bố Trạch, Quảng Ninh và Lệ Thủy.

Trong đó, dân tộc Bru - Vân Kiều có 19.209 người, gồm các nhóm Vân Kiều, Khùa, Ma Coong, Trì; dân tộc Chứt có 7.064 người, gồm các nhóm Sách, Rục, A Rem, Mày, Mã Liềng. Ngoài ra còn có một số ít đồng bào dân tộc Mường, Thổ, Tày, Nùng, Thái…

Để gìn giữ, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch, Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Quảng Bình đã trưng bày, giới thiệu hàng trăm hiện vật, hình ảnh, tài liệu liên quan đến đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc thiểu số.

Các hiện vật được phân chia theo từng nhóm chủ đề như: nhạc cụ truyền thống, trang phục, đồ trang sức, nông cụ sản xuất, vật dụng sinh hoạt… mang đậm nét văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số.

Lôi cuốn du khách từ không gian trưng bày hiện vật của đồng bào dân tộc thiểu số - ảnh 2
Hướng dẫn viên của Bảo tàng giới thiệu các bản làng sinh sống của đồng bào các dân tộc thiểu số ở Quảng Bình

Một trong những điểm nhấn đặc sắc và gây ấn tượng mạnh với khách tham quan chính là khu trưng bày hiện vật về các lễ hội dân gian độc đáo, như: Lễ hội Đập trống của người Ma Coong (xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch); hay như lễ hội mừng cơm mới của người Bru – Vân Kiều (xã Ngân Thủy, huyện Lệ Thủy) gắn với tín ngưỡng nông nghiệp...

Để lôi cuốn đông đảo khách du lịch, các hướng dẫn viên tại Bảo tàng đã truyền tải thông tin, giới thiệu các hiện vật của đồng bào DTTS một cách hấp dẫn, giúp người xem không chỉ hiểu mà còn cảm nhận được giá trị văn hóa của mỗi tộc người, thông qua từng hiện vật được trưng bày.

Năm 2025, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021–2025, Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Quảng Bình đã phối hợp tổ chức các lớp tập huấn xây dựng mô hình “di sản kết nối” nhằm gắn các hiện vật với hành trình du lịch trải nghiệm, góp phần tạo sinh kế cho cộng đồng dân tộc thiểu số sở hữu di sản văn hóa tương đồng.

Lôi cuốn du khách từ không gian trưng bày hiện vật của đồng bào dân tộc thiểu số - ảnh 3
Góc trưng bày hiện vật của đồng bào dân tộc Chứt tại Bảo tàng

Trong thời gian tới, Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Quảng Bình tiếp tục đẩy mạnh triển khai các kế hoạch đã đề ra của Dự án 6, đồng thời chú trọng nâng cao chất lượng nội dung và hình thức trưng bày; từng bước hiện đại hóa hoạt động giới thiệu di sản văn hóa dân tộc thiểu số.

Có thể nói, không gian văn hóa các dân tộc thiểu số tại Bảo tàng không chỉ là nơi lưu giữ ký ức của cộng đồng, mà còn là cầu nối để quảng bá nét đẹp văn hóa bản địa đến với du khách, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch văn hóa của địa phương.