Lễ cúng rừng của người Mông Nà Hẩu đón nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

ĐÀO ANH; ảnh: NGUYỄN NAM

VHO - Lễ cúng rừng của người Mông (xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, Yên Bái) chính thức nhận quyết định chứng nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia tối 26.2. Tại sự kiện, các đại biểu, người dân và du khách được hòa mình vào chương trình nghệ thuật đặc sắc, mang đậm văn hóa địa phương với chủ đề Văn Yên - Âm vang Tết rừng, sáng bừng Nà Hẩu do nhà biên kịch Lê Thế Song tổng đạo diễn.

Lễ cúng rừng của người Mông Nà Hẩu đón nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia - ảnh 1
Tại buổi lễ, ông Nông Quốc Thành - Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa đã trao quyết định và bằng chứng nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia với Lễ cúng rừng của người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái cho đại diện lãnh đạo địa phương, các nghệ nhân

Tại Lễ công bố Quyết định và trao chứng nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ cúng rừng của người H’Mông, xã Nà Hẩu và Tết rừng tổ chức tối 26.2, Chủ tịch UBND huyện Văn Yên Hoàng Việt Hóa nhấn mạnh, đây không chỉ là niềm vinh dự lớn lao đối với cộng đồng người H’Mông mà còn là trách nhiệm to lớn đối với cấp ủy, chính quyền và nhân dân huyện Văn Yên trong việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản quý báu này.

Huyện ủy, HĐND, UBND huyện Văn Yên cam kết bảo tồn nguyên vẹn giá trị truyền thống của Lễ cúng rừng; tăng cường các chương trình nghiên cứu, sưu tầm, tư liệu hóa về Lễ cúng rừng để bảo tồn đầy đủ các nghi thức, lời khấn, lễ vật và không gian thiêng liêng của nghi lễ; hỗ trợ các nghệ nhân, già làng, trưởng bản trong việc truyền dạy các giá trị văn hóa, ngôn ngữ và tập quán gắn với nghi lễ cho thế hệ trẻ.

Sau Lễ trao chứng nhận, đại biểu, nhân dân và du khách được thưởng thức chương trình nghệ thuật với chủ đề Văn Yên - Âm vang Tết rừng, sáng bừng Nà Hẩu.

Lễ cúng rừng của người Mông Nà Hẩu đón nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia - ảnh 2
Chương trình có sự tham gia của 150 học sinh tiểu học xã Nà Hẩu và 60 nghệ nhân múa khèn và gậy Xênh Tiền kết hợp với diễn viên chuyên nghiệp và quần chúng

Nhà biên kịch kiêm Tổng đạo diễn Lê Thế Song khi được giao trọng trách thực hiện chương trình nghệ thuật đặc biệt về Lễ Cúng Rừng của người Mông xã Nà Hẩu đã tìm ra chìa khóa riêng để cùng ê kíp nghệ thuật dàn dựng một chương trình nghệ thuật với chủ đề : Văn Yên- Âm vang tết rừng, sáng bừng Nà Hẩu.

Tổng đạo diễn Lê Thế Song đã sử dụng những thủ pháp nghệ thuật và xây dựng kịch bản chi tiết, sáng tạo, độc đáo cho chương trình. Đạo diễn khéo léo phục dựng và nghệ thuật hóa, sân khấu hóa màn cúng rừng với tính ước lệ và nghệ thuật cao, giúp khán giả thưởng lãm một lễ cúng rừng vừa trang nghiêm, huyền bí, vừa in đậm bản sắc văn hóa người Mông, nâng tầm lễ cúng rừng thành một tác phẩm nghệ thuật rực rỡ,  đẹp về thẩm mỹ, hay về âm nhạc, độc đáo về trình thức biểu diễn và đậm đà bản sắc dân tộc Mông.

Tổng đạo diễn Lê Thế Song kết hợp nhạc sĩ Bùi Tân đã viết riêng hai ca khúc cho chương trình và soạn lời mới cho một làn điệu hát văn truyền thống. Từ chất liệu này, anh đã cùng ê kíp sản xuất chương trình dàn dựng thành những tiết mục đặc biệt với tính ước lệ cao. Với kỹ thuật biểu diễn hình thể của diễn viên chuyên nghiệp kết hợp với diễn viên quần chúng và nghệ nhân dân gian người dân tộc Mông, các tiết mục được biểu diễn liền mạch qua dẫn nối bằng lời bình nghệ thuật tạo nên sức hút cho tổng thể chương trình.

Lễ cúng rừng của người Mông Nà Hẩu đón nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia - ảnh 3

Có thể kể đến màn Khai Từ với sự kết hợp của ca sĩ diễn viên chuyên nghiệp và các nghệ nhân người Mông với màn múa Khèn và múa gậy Xênh Tiền độc đáo.

Màn dựng kịch múa hình thể và tương tác với màn hình Visual Art về vùng đất đại ngàn Nà Hẩu với bản làng, thác, suối, hang động và đặc biệt là những cánh rừng nguyên sinh

Màn kịch múa trên nền ca khúc, nghệ thuật hóa và sân khấu hóa phiên chợ vùng cao với sắc màu văn hóa đặc trưng của người Mông như nồi thắng cố, giã cốm, dệt thổ cẩm, ném pao, đẩy gậy, đánh cù …tạo nên một phiên chợ vùng cao đầy quyến rũ và bản sắc.

Màn phục dựng nghệ thuật hát ống và hát giao duyên của người Mông cũng được sân khấu hóa một cách uyển chuyển, giữ được nét nguyên gốc của di sản hát ống và tôn được vẻ đẹp của trình thức diễn xướng này trên sân khấu.

Chương trình có sự tham gia của các ca sĩ nổi tiếng như ca sĩ Trọng Tấn, NSƯT Ploong Thiết, ca sĩ Ngọc Anh, ca sĩ Hà Myo, ca sĩ Quách Mai Thy, ca sĩ Lưu Tuấn, Ca sĩ Thi Thương, ca sĩ Tô Minh Đức đã cùng góp phần tạo nên thành công của chương trình.

Lễ cúng rừng của người Mông Nà Hẩu đón nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia - ảnh 4

Chương trình tổ chức rất thành công ngoài phần dàn dựng bài bản tính nghệ thuật cao của tổng đạo diễn Lê Thế Song và ê kíp không thể không kể đến sự chỉ đạo sát sao của Tỉnh Yên Bái. Đặc biệt sự vào cuộc của lãnh đạo Huyện Ủy – UBND Huyện Văn Yên, các ban ngành của huyện Văn Yên và đặc biệt có sự đồng hành và tài trợ của Công Ty Cổ Phần Tổ chức sự kiện SHB Việt Nam.

Ý  tưởng mạch lạc, mạch diễn logic và trình thức biểu diễn linh hoạt, chương trình thành công bởi đã giải thích bằng nghệ thuật cho khán giả hiểu rõ tại sao có Tết rừng, bản sắc văn hóa người Mông như thế nào và tại sao người Mông xã Nà Hẩu đã gìn giữ và bảo vệ được những cánh rừng nguyên sinh đến ngày hôm nay. Từ đó giá trị của du lịch sinh thái đang được mở ra cho môt vùng đất thơ mộng, kì vĩ và quyến rũ với thác, suối, hang động, bản trong rừng, rừng trong bản, những cánh rừng nguyên sinh và lễ cúng rừng đã trở thành di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.