Lâm Đồng: Ra mắt mô hình văn hóa cồng chiêng gắn với phát triển du lịch
VHO - Chiều 18.5, tại Làng K’Ho Cil, xã Tà Nung (TP Đà Lạt, Lâm Đồng) đã diễn ra Lễ ra mắt mô hình sinh hoạt văn hóa cồng chiêng gắn với phát triển du lịch của đồng bào dân tộc K’Ho Cil. Hoạt động do Sở VHTTDL phối hợp với UBND TP Đà Lạt tổ chức.
Các thành viên trình diễn những điệu múa xoang, đánh cồng chiêng tại buổi ra mắt mô hình
Theo đó, mô hình được thực hiện nhằm mục đích bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc trên địa bàn tỉnh trước nguy cơ bị mai một, hỗ trợ giải quyết những vấn đề khó khăn, vướng mắc trong công tác bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch.
Đồng thời, xây dựng và nhân rộng mô hình hiệu quả về bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc nói chung, đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng nói riêng.
Bên cạnh đó, mô hình còn góp phần bảo tồn văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc gắn với các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, hướng tới tạo nguồn thu nhập cho người dân tại địa phương.
Phát biểu khai mạc tại buổi ra mắt mô hình, ông Trần Thanh Hoài - Phó Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Lâm Đồng hy vọng, sau buổi ra mắt này, mô hình sẽ dần lan tỏa và trong thời gian tới sẽ xuất hiện thêm nhiều mô hình khác, góp phần tạo nên bản sắc của một Lang Biang, một Đà Lạt, một Lâm Viên huyền thoại với nhiều điều mới mẻ và sáng tạo, tạo sức hấp dẫn cho du khách trong và ngoài nước.
Mô hình sẽ hoạt động dựa trên nòng cốt là thanh niên nam nữ, học sinh, sinh viên con em người K’Ho Cil sống trên trên địa bàn xã Tà Nung.
Bà Liêng Hót Thái Hòa, Chủ nhiệm mô hình bày tỏ: “Đây là niềm vinh dự của toàn thể cộng đồng người dân tộc K’Ho trên địa bàn xã Tà Nung. Thay mặt cho các thành viên, tôi xin hứa trong thời gian tới sẽ tiếp tục duy trì, bảo tồn và phát huy hơn nữa, cũng như đưa các giá trị văn hóa cồng chiêng lan tỏa đến du khách khắp nơi khi có dịp đến đây”.
Cũng tại buổi ra mắt, ngành chức năng địa phương đã tiến hành trao tặng trang phục và cồng chiêng truyền thống cho các thành viên của mô hình.
Nhằm chào mừng sự kiện ý nghĩa này, các thành viên của mô hình đã trình diễn những điệu múa xoang, những bài cồng chiêng truyền thống đầy duyên dáng của người cộng đồng K’Ho Cil.
Bên cạnh đó, còn có các hoạt động trình diễn thời trang thổ cẩm, giao lưu văn hóa ẩm thực, rượu cần, tạo được sự thích thú không chỉ cho người dân địa phương mà còn cả du khách có mặt tại đây.
Được biết, mô hình được thực hiện bằng nguồn vốn Dự án 6 - “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyên thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào các dân tộc và miền núi năm 2024.