“Ký ức Lào Cai” vẽ cuộc sống vùng cao

LÊ THANH CƯỜNG, MINH NGỌC

VHO - Vùng đất biên cương “nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt” với 25 thành phần dân tộc thiểu số cùng sinh sống, luôn là cánh đồng đề tài sáng tác “màu mỡ” của các nhiếp ảnh gia, các họa sĩ tại địa phương cũng như trong cả nước, thậm chí cũng là nơi tạo nguồn cảm hứng dồi dào với nhiều người đam mê nhiếp ảnh, nghệ thuật hội họa gửi gắm cảm xúc vào những tác phẩm của họ….

“Ký ức Lào Cai” vẽ cuộc sống vùng cao  - ảnh 1
Triển lãm mỹ thuật "Ký ức Lào Cai" mang đến nhiều cảm xúc cho công chúng

Mới đây, tỉnh Lào Cai đã tổ chức thành công triển lãm mỹ thuật “Ký ức Lào Cai”. 50 bức tranh trên các chất liệu: sơn dầu, sơn acrylic, sơn mài, bột màu, màu nước… đã chuyển tải đến công chúng yêu mỹ thuật thông điệp đậm màu sắc về vùng đất, con người Lào Cai.

Dấu ấn đậm nét trong những bức tranh là sự phản ánh sinh động về đời sống văn hóa, tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số, cảnh sắc, thiên nhiên tươi đẹp của những bản làng vùng cao.

Rất nhiều sáng tác phản ánh hiện thực cuộc sống của đồng bào các dân tộc thiểu số đang sinh sống trên địa bàn tỉnh Lào Cai, từ chân dung, đến phong cảnh, đến nét đẹp đời thường cũng như phong tục, sắc màu văn hóa…

“Ký ức Lào Cai” vẽ cuộc sống vùng cao  - ảnh 2
Tác giả Nguyễn Văn Trãi (Trung tâm Văn hóa Điện ảnh tỉnh Lào Cai) giới thiệu bức tranh vẽ về nghề chạm khắc bạc của dân tộc Nùng.

Người yêu hội họa đến xem triển lãm có được hình dung một cách sống động về cuộc sống của bà con dân tộc thiểu số ở các địa bàn vùng cao, vùng sâu vùng xa của những địa danh nơi vùng cao Tây Bắc này.

Tác giả Nguyễn Văn Trãi (Trung tâm Văn hóa Điện ảnh tỉnh Lào Cai), có tranh tham gia triển lãm lần này chia sẻ: "Với những người làm nghệ thuật ở Lào Cai thì có một vùng chất liệu sáng tác rất phong phú bởi địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số cùng sinh sống, với bản sắc văn hóa rất độc đáo".

Tham gia triển lãm lần này, tác giả Nguyễn Văn Trãi có một số tác phẩm  xoay quanh chủ đề về đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số, trong đó có bức “Nghề gia truyền” - vẽ về nghề chạm khắc bạc độc đáo của người Nùng Dín ở Mường Khương.

“Ký ức Lào Cai” vẽ cuộc sống vùng cao  - ảnh 3
Tác phẩm acrylic "Nghề gia truyền", tác giả Nguyễn Văn Trãi

“Bức vẽ này tôi phải hoàn thiện trong một khoảng thời gian khá dài, mỗi ngày tích liệu một chút màu sắc và hoàn thiện dần dần theo trạng thái cảm xúc của chính mình”, tác giả Nguyễn Văn Trãi chia sẻ.

Trong số 50 bức tranh triển lãm, có đến hơn chục bức tranh về đề tài dân tộc thiểu số. Nổi bật là các tác phẩm tranh chất liệu acrylic như: “Hoa của núi rừng” của tác giả Nguyễn Đức Thuận vẽ hình ảnh cô gái Dao với chiếc gùi truyền thống đựng hoa chuối sau lưng.

Tác phẩm “Trước giờ bái đường” của tác giả Phạm Hùng Cường với hình ảnh nét mặt tươi vui của cô gái dân tộc Dao trong chiếc mũ đội đầu  của cô dâu, một trong những nét văn háo đặc sắc của dân tộc Dao đỏ trong ngày cưới.

Tác giả Nguyễn Cao Cường lại chọn “Chợ phiên Y Tý” đưa vào tranh với nhiều màu sắc và gam màu xanh chàm nổi bật.

Hay tác phẩm “Chợ phiên Sa Pa” của tác giả Nguyễn Thị Lượng diễn tả hình ảnh phụ nữ dân tộc Mông đen, một trong 5 dân tộc thiểu số đặc trưng ở Sa Pa, với những tấm thổ cẩm, hình ảnh những phụ nữ dân tộc Mông trong trang phục truyền thống tới chợ phiên…

Trong dòng tranh sơn dầu, tác giả Nguyễn Thị Lượng có bức tranh ấn tượng về nghề thêu thổ cẩm của dân tộc Dao đỏ ở điểm du lịch nổi triếng của Sa Pa với tác phẩm “Nắng sớm Tả Phìn”…

“Ký ức Lào Cai” vẽ cuộc sống vùng cao  - ảnh 4
Tranh sơn dầu "Nắng sớm Tả Phìn", tác giả Nguyễn Thị Lượng

Tác phẩm “Cõng cả bầu trời” của tác giả Phạm Tuấn Dương vẽ về một phụ nữ Hà Nhì với cách gùi đồ sau lưng, vốn là hình ảnh quen thuộc của tập quán đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng cao Y Tý (huyện Bát Xát).

Đặc biệt có tác phẩm “Ngóng” của tác giả Nguyễn Xuân Chiến mang đến nhiều cảm xúc cho người xem, đó là hình ảnh người dân ngồi ngóng người thân chưa trở về sau trận lũ dữ…

Mặc dù đề tài về đời sống đồng bào dân tộc thiểu số của mỹ thuật Lào Cai rất phong phú, tuy nhiên, để đưa được vào tranh vẽ và kể câu chuyện cho người yêu tranh thì không đơn giản, đòi hỏi người vẽ tranh và công tác trong ngành mỹ thuật phải có sự am hiểu tường minh và vốn sống phong phú về cuộc sống của đồng bào thiểu số.

“Ký ức Lào Cai” vẽ cuộc sống vùng cao  - ảnh 5
Tác phẩm "Hoa của núi rừng", tác giả Nguyễn Đức Thuận

Hầu hết những tác giả vẽ tranh về đề tài dân tộc thiểu số đều chọn các chi tiết đặc trưng thể hiện bản sắc văn hóa của từng dân tộc, thể hiện phong tục tập quán khác nhau, nghi lễ, nghề truyền thống, nhạc cụ… để đưa vào sáng tác của mình, đủ để công chúng cảm nhận được những giá trị của đời sống văn hóa, tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số qua góc nhìn và con mắt của mỹ thuật, hội họa…

Ngoài các trại sáng tác, các triển lãm mỹ thuật tổ chức tại Lào Cai, thì sắc màu dân tộc thiểu số vẫn là để tài chiếm phần lớn những tác phẩm hội họa.

Bên cạnh các tác giả vẽ tranh chuyên nghiệp thì không ít “tay cọ” tốt nghiệp các chuyên ngành mỹ thuật, đang công tác trong lĩnh vực giảng dạy bộ môn mỹ thuật tại các trường học trên địa bàn cũng tích cực tham gia triển lãm với sự đam mê, thể hiện tình yêu hội họa… 

Những bức vẽ không chỉ mang đến nhiều cảm xúc cho người yêu hội họa, mê đắm cảnh sắc vùng cao mà còn là lời mời gọi du khách trong và ngoài nước đến để thưởng lãm, khám phá nét đẹp văn hóa ở những vùng đất này.

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc