Khơi dậy nét đẹp văn hóa của người Khơ Mú vùng biên giới Sốp Cộp

QUỲNH VY - NGUYỄN OANH

VHO - Sở VHTTDL Sơn La vừa tổ chức lớp tập huấn truyền dạy văn hóa dân gian cho 63 học viên là dân tộc Khơ Mú đang sinh sống tại các xã, bản trên địa bàn huyện Sốp Cộp nhằm bảo tồn, gìn giữ các làn điệu dân ca, dân vũ độc đáo, từng bước xây dựng mô hình CLB dân gian truyền thống gắn với phát triển du lịch.

Khơi dậy nét đẹp văn hóa của người Khơ Mú vùng biên giới Sốp Cộp - ảnh 1
Lớp tập huấn là hoạt độngthực hiện Dự án 6 về "Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch" trên địa bàn Sơn La

Ông Phạm Hồng Thu, Phó Giám đốc Sở VHTTDL Sơn La cho biết, người Khơ Mú là một trong những dân tộc sinh sống lâu đời ở Sơn La.  Sơn La, cộng đồng người Khơ Mú cư trú chủ yếu tại các huyện huyện Yên Châu, Mai Sơn, Mường La, Quỳnh Nhai, Thuận Châu, Sông Mã và Sốp Cộp. 

Tuy sinh sống xen kẽ với đồng bào các dân tộc khác và chịu nhiều ảnh hưởng của người Thái, nhưng đời sống văn hóa của người Khơ Mú vẫn phong phú, đa dạng với các phong tục, tập quán cùng nghệ thuật trình diễn dân ca, dân vũ truyền thống với các điệu múa, lối hát giàu bản sắc. Các làn điệu dân ca, dân vũ thể hiện sự hồn nhiên, yêu cuộc sống của người Khơ Mú. 

Cùng với thuật trình diễn dân ca, dân vũ độc đáo, đồng bào Khơ Mú ở Sốp Cộp còn có các lễ hội truyền thống thể hiện sự gắn kết cộng đồng, phản ánh niềm tin, sự biết ơn của người Khơ Mú với tổ tiên, thiên nhiên, trời đất, thể hiện ước mong về mùa màng bội thu, cuộc sống no đủ. 

Các giá trị di sản văn hóa này vẫn luôn được người Khơ Mú trân trọng, gìn giữ và trao truyền lại cho con cháu qua hình thức truyền miệng. Trong đó nổi bật là các làn điệu hát Tơm vẫn được lưu giữ, sử dụng và trao truyền qua các thế hệ.

Khơi dậy nét đẹp văn hóa của người Khơ Mú vùng biên giới Sốp Cộp - ảnh 2
Nghệ nhân ưu tú Mòng Thị Ơi hướng dẫn, truyền dạy trực tiếp các làn điệu dân ca dân gian truyền thống dân tộc Khơ Mú

Ông Phạm Hồng Thu cho biết, nhắc đến dân ca của người Khơ Mú là nhắc đến những điệu hát Tơm, các làn điệu Tơm gắn liền với đời sống tinh thần của người Khơ Mú. Mỗi làn điệu đều mang hơi thở, tâm hồn và phản ánh chân thực đời sống tinh thần của người Khơ Mú .

Hát Tơm xuất hiện từ khi nào, không ai biết, chỉ biết rằng từ bao đời nay người Khơ Mú vẫn truyền tai cho nhau những câu hát đó. Hát Tơm mang đậm chất sử thi, trữ tình, lúc du dương, êm ái, tình tứ, lúc thì lại rộn ràng, nhộn nhịp. Hát Tơm có thể hát một người hoặc hát đối đáp, hát tập thể.

Lời hát Tơm mộc mạc, đơn giản, gần gũi với đời sống sinh hoạt của cộng đồng người Khơ Mú tại bản, làng. Vạn vật thiên nhiên là chủ thể trong những lời hát Tơm nhưng sâu lắng trong đó là sự ý nhị, lòng cao thượng, đầy bao dung của con người. 

Hát Tơm của người Khơ Mú là loại hình dân ca tương đối khó, đòi hỏi nhiều yếu tố. Để có thể hát hay, người hát không chỉ có giọng truyền cảm, mà còn phải biểu hiện được sắc thái sao cho duyên dáng. Nội dung của các bài hát Tơm thường gắn với câu chuyện về lịch sử, về cuộc sống hạnh phúc hay khổ đau trong lịch sử của dân tộc Khơ Mú.

Hát Tơm còn để ca ngợi tình yêu với bản làng, ca ngợi tình cảm anh em, họ hàng, ca ngợi tình yêu đôi lứa. Khi chàng trai chiếm được cảm tình của một cô gái, chàng trai có thể hát ứng tác để bày tỏ nỗi lòng của mình.

Trong các dịp cưới xin, dựng nhà mới hay lễ mừng đầy tháng con trẻ thì các chàng trai cô gái Khơ Mú đều hát ứng khẩu với nhau. Cái hay của lối ứng đáp trong hát Tơm, chính là sự phong phú của ca từ. 

Hiện nay, người biết hát và thuộc các làn điệu dân ca Khơ Mú chủ yếu tập trung ở người lớn tuổi, trong khi đó thế hệ trẻ phần lớn không biết hát và không mặn mà với nghệ thuật truyền thống của dân tộc mình.

Do đó, nguy cơ thất truyền, mai một của các làn điệu hát dân ca dân tộc Khơ Mú là rất lớn, cần được bảo tồn, giữ gìn và phát huy trong cộng đồng.

Những năm gần đây, một số nghệ nhân đã có ý thức trong việc bảo tồn, giữ gìn các làn điệu dân ca của dân tộc Khơ Mú, tiêu biểu như Nghệ nhân ưu tú Mòng Thị Ơi, ngh nhân dân gian Mòng Văn Si, Lò Th Tâm ...

Các nghệ nhân luôn nhiệt tình với phong trào văn hóa văn nghệ ở cơ sở, dành nhiều tâm huyết truyền dạy, xây dựng đội múa hát dân ca, nhạc cụ dân tộc, với mong muốn lưu giữ nét văn hóa truyền thống của dân tộc Khơ Mú vùng biên giới Sốp Cộp.

Khơi dậy nét đẹp văn hóa của người Khơ Mú vùng biên giới Sốp Cộp - ảnh 3
Lớp truyền dạy có sự tham gia của 63 học viên là dân tộc Khơ Mú đang sinh sống tại các xã, bản trên địa bàn huyện Sốp Cộp

Để góp phần bảo tồn dân ca dân tộc Khơ Mú và thực hiện có hiệu quả Dự án 6 về "Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch" giai đoạn 2021-2025, Sở VHTTDL Sơn La phối hợp với UBND huyện Sốp Cộp tổ chức lớp tập huấn, truyền dạy dân ca của người Khơ Mú tại huyện Sốp Cộp.

Lớp truyền dạy có sự tham gia của 63 học viên là dân tộc Khơ Mú đang sinh sống tại các xã, bản trên địa bàn huyện Sốp Cộp. Các học viên sẽ được Nghệ nhân ưu tú Mòng Thị Ơi, nghệ nhân dân gian Mòng Văn Si, Lò Thị Tâm là những người am hiểu về dân ca dân tộc Khơ Mú hướng dẫn, truyền dạy trực tiếp các làn điệu dân ca dân gian truyền thống dân tộc Khơ Mú như hát Tơm, hát ru, hát răn dạy con cháu và các bài hát thể hiện lòng biết ơn Đảng, Bác Hồ...

Việc Sở VHTTDL Sơn La phối hợp với UBND huyện Sốp Cộp tổ chức lớp tập huấn, truyền dạy này có ý nghĩa quan trọng nhằm bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, các làn điệu dân ca của đồng bào dân tộc Khơ Mú gắn với các hoạt động văn hóa cơ sở, từng bước nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào các dân tộc trên địa bàn Sốp Cộp nói chung và dân tộc Khơ Mú nói riêng.

Đồng thời, phát huy vai trò trách nhiệm của cộng đồng trong việc gìn giữ và phát huy các làn điệu dân ca đặc sắc của dân tộc Khơ Mú, làm cho các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Khơ Mú được khơi nguồn, hòa vào không gian đậm sắc màu văn hóa của vùng biên giới Sốp Cộp.

Từ đótừng bước xây dựng và nhân rộng các mô hình CLB dân ca truyền thống của người Khơ Mú tại Sốp Cộp gắn với phát triển du lịch, ông Phạm Hồng Thu nhấn mạnh.