Khơi dậy mạch nguồn văn hóa dân tộc

THU HOÀI

VHO - Triển khai thực hiện Dự án 6 về “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, thời gian qua huyện Hiệp Đức đã tập trung triển khai nhiều hoạt động nhằm khôi phục, bảo tồn và phát huy một số loại hình văn hóa truyền thống, nhất là tại 3 xã vùng cao Phước Gia, Phước Trà, Sông Trà.

Khơi dậy mạch nguồn văn hóa dân tộc - ảnh 1
Sở VHTTDL Quảng Nam hỗ trợ phục dựng lễ hội mừng lúa mới của đồng bào Ca Dong ở Hiệp Đức

 Từ bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp…

Huyện trung du miền núi Hiệp Đức có 11 xã, thị trấn, trong đó 3 xã vùng cao Phước Gia, Phước Trà, Sông Trà là nơi sinh sống của đông đồng bào Ca Dong, M’Nông. Mỗi dân tộc đều có bản sắc văn hóa riêng, cùng với quá trình cộng cư đã giao thoa, tiếp biến tạo nên nhiều giá trị văn hóa mới làm phong phú đời sống văn hóa tinh thần trên địa bàn huyện.

Thời gian qua, ngành VHTTDL Quảng Nam phối hợp cùng địa phương triển khai nhiều hoạt động của Dự án 6, mang lại những hiệu quả thiết thực cho các địa phương, đồng bào ở những vùng được thụ hưởng dự án. Để văn hóa truyền thông đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Hiệp Đức có sự lan tỏa sâu rộng, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong đời sống xã hội, khơi dậy tiềm năng vùng cao nói riêng và của huyện nhà nói chung, huyện Hiệp Đức đã tiến hành rà soát, tìm hiểu để phục dựng những phong tục, tập quán, chú trọng thành lập các đội cồng chiêng. Đến nay, mỗi xã đều đã có đội cồng chiêng cho riêng mình để biểu diễn mỗi dịp lễ, Tết.

Đại diện Câu lạc bộ (CLB) cồng chiêng xã Sông Trà cho biết, năm 2022, CLB được thành lập với 22 thành viên tham gia gồm nhiều lứa tuổi, sinh hoạt trên tinh thần tự nguyện, có quy chế hoạt động để tập luyện, trình diễn nhằm bảo tồn, phát huy giá trị nghệ thuật cồng chiêng của đồng bào Ca Dong trên địa bàn xã. Đồng thời trao truyền cho thế hệ trẻ tiếp nối các giá trị văn hóa đặc sắc phục vụ các lễ hội, sinh hoạt văn hóa, xây dựng cồng chiêng thành sản phẩm du lịch cộng đồng, góp phần phát triển du lịch địa phương.

Ngành Văn hóa - Thông tin huyện Hiệp Đức cũng phối hợp với trường Dân tộc nội trú huyện đưa nội dung học tập các điệu hát, múa, đánh cồng chiêng của đồng bào dân tộc thiểu số vào những buổi học ngoại khóa. Hiện trường có đội cồng chiêng “nhí” thông thạo khá nhiều tiết mục. Địa phương cũng tranh thủ sự ủng hộ của các già làng, trưởng bản, những người vừa có uy tín vừa có trình độ nhằm sưu tầm, phục dựng những nhạc cụ, điệu hát, điệu múa, phong tục truyền thống phù hợp với hiện nay để phổ biến cho đồng bào vùng cao, nhất là lớp trẻ.

Già làng Hồ Văn Minh, nghệ nhân ở CLB cồng chiêng xã Sông Trà cho biết: “Khi đời sống người dân ngày càng phát triển thì nhiều tập tục, văn hóa truyền thống của đồng bào dễ có nguy cơ bị lai tạp và mai một dần. Do đó, bản thân tôi luôn cố gắng truyền dạy cách đánh cồng chiêng, đồng hành cùng thế hệ trẻ để tiếp tục gìn giữ vốn quý truyền thống, phát huy trong cuộc sống”.

… đến khơi thông dòng chảy văn hóa truyền thống

Đầu tháng 10, Sở VHTTDL tỉnh Quảng Nam đã tổ chức phục dựng lễ hội mừng lúa mới theo các nghi thức truyền thống của đồng bào Ca Dong trên địa bàn xã Phước Gia. Trong khuôn khổ phục dựng lễ hội, các trò chơi dân gian mang đậm bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc, như giã gạo, gói bánh ốc, nấu cơm ống, chế biến món ăn… cũng đã thu hút đông đảo bà con và thanh niên tham gia.

Ông Nguyễn Thanh Hồng, Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Quảng Nam cho biết: “Việc phục dựng Lễ hội mừng lúa mới nhằm bảo tồn và phát huy những bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc thiểu số ở Quảng Nam nói chung và cộng đồng người Ca Dong nói riêng. Qua đó góp phần tuyên truyền, quảng bá, bảo tồn các giá trị văn hóa phi vật thể. Đồng thời, nâng cao ý thức, trách nhiệm và niềm tự hào của cộng đồng về các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp; động viên, khuyến khích người dân chung tay bảo vệ, phát huy và lan toả các giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc trong giai đoạn hiện nay”.

Hằng năm, các xã vùng cao của huyện Hiệp Đức tổ chức ngày hội văn hóa thể thao với các hoạt động truyền thống phong phú và giàu bản sắc văn hóa đặc trưng như múa cồng chiêng, ẩm thực, văn nghệ, trình diễn trang phục truyền thống. Bên cạnh đó các môn thể thao dân gian truyền thống cũng được đưa vào thi đấu như bắn ná, bắn nỏ, kéo co, đẩy gậy… Các địa phương tham gia thi, chế biến, trưng bày ẩm thực truyền thống với các sản vật bản địa như ốc đá, rau ranh, đọt mây, bánh ốc, cơm lam, thịt gác bếp. Đặc biệt ở phần thi văn nghệ, múa cồng chiêng và trang phục truyền thống, các đơn vị khai thác thế mạnh từng địa phương để tạo dựng nên những tiết mục có chất lượng nghệ thuật, để lại ấn tượng sâu sắc cho người xem.

Ngày hội văn hóa thể thao đã trở thành một ngày hội lớn thường niên nhằm tạo sân chơi bổ ích, lành mạnh, thắt chặt tinh thần đoàn kết, tích cực tham gia các cuộc vận động, phong trào yêu nước tại địa phương. Đồng thời đẩy mạnh quảng bá tiềm năng du lịch từ những giá trị văn hóa bản địa độc đáo, thúc đẩy phong trào văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, góp phần giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số 3 xã vùng cao trên địa bàn huyện Hiệp Đức.