Kết nối tiêu thụ sản phẩm vùng đồng bào DTTS&MN Quảng Ngãi
VHO - Phiên chợ giới thiệu sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tại huyện Sơn Hà (Quảng Ngãi) năm 2024 với mục tiêu thúc đẩy sản xuất, kinh doanh trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số dựa trên tiềm năng thế mạnh và nguồn tài nguyên sẵn có tại địa phương.
Tối 8.12, tại Nhà Văn hóa thiếu nhi huyện Sơn Hà, Hội Nông dân tỉnh Quảng Ngãi tổ chức phiên chợ kết nối tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa vùng đồng bào DTTS&MN.
Tham gia phiên chợ, các hội viên, nông dân người đồng bào dân tộc thiểu số ở xã Sơn Bao, huyện Sơn Hà đã có 6 sản phẩm, gồm: Cá mè xông khói, tinh bột nghệ, sim rừng sấy khô, chè dây khô, cá lăng nha, cá thác lác. Đây đều là những sản vật đặc trưng của địa phương.
“Huyện Sơn Hà tham gia 6 - 8 gian hàng, bày bán hơn 100 sản phẩm đặc trưng của địa phương. Cùng với đó, là các gian hàng ẩm thực mang đậm nét văn hóa của người Hrê, gồm: Ốc đá xào, lá mì xào đu đủ, heo ky, thịt heo gác bếp, cá chuồn muối ớt sả, rượu cần...”, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Sơn Hà Trần Đình Vũ cho biết.
Giám đốc HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Sơn Tân Trần Thanh Tuấn chia sẻ: “Thời gian qua, HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Sơn Tân, huyện Sơn Tây luôn tích cực hưởng ứng, tham gia các phiên chợ kết nối, quảng bá sản phẩm. Với mặt hàng chủ lực là dê thương phẩm, từ năm 2022 đến nay, bình quân mỗi năm, HTX bán ra thị trường 150 con dê thịt; hàng trăm ký thịt dê sấy khô. Đóng chân ở một xã miền núi, điều kiện đi lại khó khăn, để đạt được kết quả này, công tác quảng bá sản phẩm rất quan trọng”.
Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Quảng Ngãi Huỳnh Thị Thanh Nguyệt cho biết, phiên chợ kết nối tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa vùng đồng bào DTTS&MN tại huyện Sơn Hà có 14 gian hàng. Giới thiệu, quảng bá hàng trăm sản phẩm đặc trưng, sản phẩm tiêu biểu, đặc sản vùng đồng bào dân tộc thiểu số và sản phẩm OCOP của các đơn vị đóng trên địa bàn của 5 huyện miền núi.
Phiên chợ nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân, hộ gia đình, HTX, doanh nghiệp hoạt động tại vùng đồng bào DTTS&MN tỉnh giới thiệu, quảng bá sản phẩm đến với nhiều người tiêu dùng hơn. Bởi đây là vùng có vị trí địa lý xa xôi, cách trở, điều kiện đi lại khó khăn; nhiều cá nhân, gia đình, hợp tác xã dù có sản phẩm chất lượng nhưng vẫn chưa được người tiêu dùng biết đến.
“Khu vực miền núi và vùng đồng bào dân tộc thiếu số có tiềm năng lớn về sản phẩm nông nghiệp, thủ công mỹ nghệ, và các giá trị văn hóa độc đáo. Tuy nhiên, do những khó khăn về địa lý, giao thông và thông tin, nhiều sản phẩm chất lượng cao của bà con chưa được tiếp cận với thị trường rộng lớn, dẫn đến hạn chế trong việc nâng cao giá trị kinh tế và cải thiện đời sống. Phiên chợ tạo cầu nối giữa các nhà sản xuất, doanh nghiệp và người tiêu dùng. Hỗ trợ quảng bá các sản phẩm đặc trưng của địa phương đến thị trường”, bà Nguyệt cho sẻ.