Khám phá, kết nối du lịch vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
VHO - Du lịch khu vực đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi ngày càng được quan tâm đầu tư, chất lượng dịch vụ cải thiện, nâng cao. Du lịch phát triển góp phần tạo nhiều việc làm, sinh kế cho đồng bào dân tộc.
Thực hiện Dự án số 6 về “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, từ ngày 1 – 6.12, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam tổ chức đoàn Famtrip khảo sát tiềm năng du lịch vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An.
Đoàn Famtrip gồm hơn 50 doanh nghiệp lữ hành và cơ quan báo chí. Trong quá trình khảo sát, đoàn đã đi thực địa tại các điểm có tiềm năng du lịch, tìm hiểu những phong tục tập quán gắn liền với bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số, khám phá văn hóa ẩm thực tại địa phương.
Tại tỉnh Thanh Hóa, các đơn vị lữ hành đã đã đến Khu Di tích lịch sử Lam Kinh (Thọ Xuân) và Di sản Văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ (Vĩnh Lộc). Tại các điểm đến này, các thành viên đoàn Famtrip đã dành nhiều thời gian để tìm hiểu về những giá trị lịch sử, văn hóa và kiến trúc các công trình. Cùng với đó, tìm hiểu về dịch vụ, hoạt động du lịch và hành trình kết nối tour, tuyến với một số điểm đến trong nước và quốc tế.
Tiếp đến, đoàn tham gia khảo sát, trải nghiệm các sản phẩm và dịch vụ tại Khu Du lịch sinh thái cộng đồng Pù Luông (Bá Thước). Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông được mệnh danh là Tây Bắc thu nhỏ của xứ Thanh, với vẻ đẹp hoang sơ, mê mẩn lòng người cùng với cuộc sống yên bình của đồng bào dân tộc miền núi, đoàn Famtrip đã đến khảo sát Bản Đôn và bản Hiếu để khám phá cuộc sống bản địa của người dân bản xứ nơi đây.
Bản Đôn nằm sát dưới chân núi Pù Luông, được bao bọc bởi những khu ruộng bậc thang mênh mông, từ khu nhà sàn du khách có thể ngắm cảnh núi non, rừng nguyên sinh, ruộng bậc thang. Bản Hiêu, một bản làng nhỏ xinh nằm sâu trong vùng lõi của Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông cùng với Thác Hiêu, nơi được mệnh danh là một trong những thác đẹp nhất xứ Thanh.
Thông qua chương trình khảo sát, các doanh nghiệp lữ hành đã tìm hiểu cụ thể về khả năng đáp ứng hạ tầng, cơ sở vật chất, dịch vụ du lịch... Qua đó, trao đổi cơ chế, chính sách hợp tác với doanh nghiệp dịch vụ tại Pù Luông. Đây cũng là cơ sở để các doanh nghiệp lữ hành đánh giá đúng thực trạng điểm đến, triển khai xây dựng chương trình tour phù hợp với du khách, đặc biệt là thúc đẩy khai thác dòng khách quốc tế đến với Khu Du lịch sinh thái cộng đồng Pù Luông trong thời gian tới.
Khảo sát tại Khu Du lịch cộng đồng Bản Mạ, đoàn Famtrip tìm hiểu, khám phá nét văn hóa truyền thống, đắm say trong cảnh sắc thiên nhiên, những ngôi nhà sàn của người Thái ẩn nấp trong núi và những thửa ruộng bậc thang yên bình.
Đánh giá các điểm du lịch khảo sát, các đơn vị lữ hành nhận định: Các điểm du lịch của tỉnh Thanh Hóa hiện vẫn còn giữ được vẻ đẹp tự nhiên, nguyên sơ. Điều đó rất cần thiết và quan trọng để phát triển du lịch bền vững trong tương lai. Tỉnh cần phát triển du lịch gắn với bảo tồn thiên nhiên, giữ gìn cảnh quan tự nhiên và các giá trị văn hóa truyền thống bản địa. Cần tăng cường thu hút đầu tư về cơ sở hạ tầng, thu hút doanh nghiệp phát triển các sản phẩm du lịch chất lượng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực địa phương làm công tác du lịch.
Nối chương trình khảo sát, đoàn Famtrip đã đến Nghệ An dâng hoa dâng hương tại Khu Di tích lịch sử quốc gia Truông Bồn. Sau hoạt động về nguồn tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ, đoàn tìm hiểu Khu Du lịch sinh thái Hòn Mát thuộc xã Nghĩa Lộc, huyện Nghĩa Đàn; điểm du lịch dịch vụ Do Luong Legend Camping & Resort. Đoàn đến trải nghiệm cuộc sống đồng bào dân tộc Thái tại Bản Du lịch cộng đồng Hoa Tiến xã Châu Tiến, huyện Quỳ Châu.
Những năm gần đây, du lịch cộng đồng tại các huyện miền núi ở Nghệ An được chú trọng và phát triển. Hoạt động du lịch sinh thái tại các khu bảo tồn thiên nhiên cũng được quan tâm, đẩy mạnh; từ đó tạo sự đa dạng trong sản phẩm du lịch của các địa phương.
Bản Hoa Tiến của xã Châu Tiến, huyện Qùy Châu, tỉnh Nghệ An là một trong những điểm du lịch cộng đồng đặc sắc. Đây là nơi sinh sống của đồng bào dân tộc Thái. Ghé thăm nơi đây, đoàn Famtrip được tham quan làng nghề dệt thổ cẩm, trải nghiệm nghề trồng dâu, nuôi tằm, dệt thổ cẩm của đồng bào Thái, thưởng thức ẩm thực và ngủ tại các Homestay là các nhà sàn cao rộng với lối kiến thức truyền thống độc đáo.
Bản Hoa Tiến có di tích danh thắng Hang Bua với vẻ đẹp kỳ vỹ được công nhận là di tích cấp Quốc gia, có Đền thờ Mường Chiêng Ngam được công nhận di tích cấp tỉnh.
Nằm cạnh con sông Hiếu với cánh đồng Tạ Chum bằng phẳng, xanh mướt, mỗi mùa thu hoạch đều cho những bông lúa trĩu hạt, bản có 360 hộ, là một trong những nơi còn bảo tồn được nhiều giá trị văn hóa truyền thống giá trị cao. Đó là bản Thái cổ thuần nhất, với nhiều nét văn hóa độc đáo như kiến trúc nhà sàn, nghề dệt thổ cẩm, văn hóa rượu cần, tục cầm vía (buộc chì cổ tay), các làn điệu dân ca, dân vũ (nhuôn, xuối, lăm, khắp, khắc luống…). Đồng bào bản Hoa Tiến được thừa hưởng không gian văn hóa Thái từ Hội Thăm Búa từ xa xưa đến Lễ hội Hang Bua ngày nay.
Trong bản hiện có Hợp tác xã du lịch cộng đồng gồm 8 hộ làm Homestay, các hộ Homestay đủ điều kiện phục vụ khách ăn, nghỉ tại nhà, phổ biến nhất là nhà nghỉ cộng đồng.Tại các nhà nghỉ cộng đồng homestay được bố trí các gian hàng bán sản phẩm truyền thống, các sản phẩm OCOP đặc sản của huyện Quỳ Châu như: Thổ cẩm, mật ong rừng, rượu cần, hàng mây tre đan, hương trầm…và những dịch vụ kèm theo khác.
Chị Trần Thị Nguyệt, Giám đốc điều hành Công ty Du lịch làn sóng xanh Travel cho biết: “Tham gia trải nghiệm du lịch cộng đồng ở bản Hoa Tiến, tôi thực sự ấn tượng với vẻ đẹp hoang sơ, tự nhiên, trong lành ở Hoa Tiến; ấn tượng với những câu chuyện về làng nghề thổ cẩm có bề dày lịch sử và tính nhân văn sâu sắc, tôi rất cảm phục các nghệ nhân lành nghề với đôi bàn tay khéo léo và sự kiên định, gắng sức giữ gìn truyền thống văn hoá của dân tộc mình. Từ chuyến đi này tôi sẽ kết nối tour, tuyến du khách đến khám phá”.
Rời Quốc lộ 48 Miền Tây xứ Nghệ, đoàn đến khảo sát vùng miền núi tuyến Quốc lộ 7 ở huyện Con Cuông với Vườn Quốc gia Pù Mát, Khu chế biến tại Công ty Dược liệu Pù Mát, Thác Khe Kèm và Rừng Săng lẻ huyện Tương Dương.
Ở huyện Con Cuông, các bản làng của đồng bào các dân tộc thiểu số, đặc biệt là các bản làng người Thái, vẫn lưu giữ được vẹn nguyên những bản sắc văn hóa truyền thống như nghề dệt thổ cẩm, đan lát mây tre đan, sản xuất rượu men lá, rượu nếp cẩm, lưu giữ những ngôi nhà sàn cổ…
Huyện Con Cuông cũng quan tâm việc tiếp tục duy trì và thành lập các CLB dân ca, dân vũ của đồng bào Thái tại nhiều thôn, bản. Đến nay, trên địa bàn huyện có 33 CLB dân ca Thái hoạt động hiệu quả, góp phần phát huy và bảo tồn các làn điệu dân ca, dân vũ thông qua các hoạt động như sáng tác các bài dân ca Thái, khắp, lăm, nhuôn, hát múa lăm vông, đánh cồng chiêng… Một số CLB còn phát huy hiệu quả gắn với việc biểu diễn phục vụ du khách tại các điểm du lịch cộng đồng...
Đây là cơ sở để huyện Con Cuông đẩy mạnh thực hiện các giải pháp phát triển du lịch bền vững gắn với việc gìn giữ phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, thực hiện Dự án 6 "Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số (DTTS) gắn với phát triển du lịch" thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn.
Từ trải nghiệm thực tế, các đơn vị lữ hành đã có nhiều trăn trở cho sự phát triển du lịch địa phương: "Trải qua hành trình được Hành trình từ Pù Luông – Lam Kinh – Bản Mạ – Quỳ Châu – Đô Lương – Con Cuông là hành trình khảo sát thú vị, giúp khám phá sự đa dạng của thiên nhiên và văn hóa các vùng miền. Đó là sự kết hợp tuyệt vời giữa cảnh đẹp hoang sơ, sự giao thoa giữa các nền văn hóa dân tộc thiểu số và các di tích lịch sử quan trọng.
Mỗi địa phương trên hành trình đều mang một vẻ đẹp và đặc trưng riêng, tạo nên một hành trình đầy ấn tượng và đáng nhớ. Chúng tôi hy vọng mỗi điểm sẽ tô đậm sự đặc trưng, hoàn thiện về cơ sở hạ tầng chuẩn hoá tiêu chí dịch vụ. Đó là những điều tiên quyết giúp cho sự phát triển du lịch bền vững, anh Ali Linh Nguyễn, Giám đốc công ty Viettadi Travel chia sẻ.
Trao đổi về tiềm năng phát triển du lịch vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, bà Phạm Lê Thảo, phó Trưởng Phòng truyền thông Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam cho biết: "Đây là đoàn Famtrip tham gia khảo sát đầu tiên trong sáu đoàn của Dự án 6 xây dựng sản phẩm du lịch gắn với phát triển văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Qua khảo sát thực tế, các đơn vị lữ hành thấu hiểu những khó khăn của đồng bào vùng sâu vùng xa trong phát triển du lịch, từ đó sẽ có những "hiến kế" giúp cho địa phương phát triển. Chúng tôi cam kết sẽ đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp lữ hành trong việc xây dựng sản phẩm, kết nối du lịch với tuyến điểm du lịch khu vực đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi".