Đắk Lắk: Tưng bừng “trẩy hội” tháng ba

NGUYÊN ĐỨC - HƯƠNG GIANG

VHO - Ông Trần Hồng Tiến, Giám đốc Sở VHTTDL Đắk Lắk cho biết, địa phương vừa hoàn tất các chương trình họp báo giới thiệu lễ hội Café Buôn Ma Thuột lần thứ 9 tại thủ đô Hà Nội, TP.HCM và TP. Buôn Ma Thuột.

Đây là hoạt động mở đầu cho mùa lễ hội tháng 3 trên vùng đất thủ phủ Tây Nguyên, với các lễ hội truyền thống đang dần mở ra.

Theo ông Tiến, không phải ngẫu nhiên để ngành Du lịch Đắk Lắk chọn tháng ba tổ chức các hoạt động cao điểm du lịch. Đặc biệt với năm 2025, lựa chọn này còn gắn với các định hướng vận động đầu tư, thay đổi chất lượng hoạt động văn hóa du lịch địa phương, thực sự đưa du lịch thành thế mạnh.

Từ mùa màng đến lễ hội…

Văn hóa Tây Nguyên truyền thống không có Tết Nguyên đán như miền xuôi, mà mùa xuân của các thôn bản từng gắn liền với mùa lễ hội Ning nơng, gọi theo cách của người Xê Đăng, tức là tháng không làm nông, tháng thu hoạch mùa lúa mới, có cơm mới, mừng tuổi mới, mừng sự no ấm…

Đắk Lắk: Tưng bừng “trẩy hội” tháng ba  - ảnh 1
Lễ hội văn hoá Tây Nguyên luôn lồng ghép các giá trị di sản

Ký ức những người cao tuổi ở Đắk Lắk ghi nhận, từng có những ngày hội “kéo dài bất tận” như vậy trong những ngôi nhà dài, “ai hát thì hát, ai ăn thì ăn”, gia đình tụ tập vui vẻ.

Đến nay, khi tục ăn Tết Nguyên đán lan tỏa với cộng đồng, những bà con dân tộc vẫn đánh dấu bước sinh hoạt của năm mới, từ sau ngày Tết, đến qua tháng 2, cao điểm tháng 3 với nhiều hoạt động phong tục riêng.

Ông Lại Đức Đại, Phó giám đốc Sở VHTTDL Đắk Lắk chia sẻ, trên tinh thần kết nối chia sẻ những giá trị văn hóa truyền thống Tây Nguyên, ngành văn hóa du lịch địa phương xác định xây dựng, cổ động duy trì, tổ chức các lễ hội đồng bào, mà tháng 3 là điểm nhấn.

Có thể kể ra những hoạt động lễ hội gắn với văn hóa bản sắc, lễ nghi bao đời trong cộng đồng bà con, như lễ cúng cầu mưa của bà con Ê đê trong tháng 3, khi mùa nắng nóng bắt đầu, cây cối thiếu nước; hay lễ cúng sức khỏe nhân dịp vụ thu hoạch vừa xong, lễ cúng nhà mới vào thời điểm hoàn thành những nhà dài sinh hoạt…

Điểm lưu ý của các lễ hội, là gắn chặt với “tính đất tình người”, với các mùa vụ canh tác Tây Nguyên. Một lãnh đạo Sở Nông nghiệp Phát triển Nông thôn Đắk Lắk đưa ra “biểu đồ” gieo trồng và nhận xét, người nông dân cứ theo lịch trình trồng trọt mà cầu sự tốt lành.

Đắk Lắk: Tưng bừng “trẩy hội” tháng ba  - ảnh 2
Các doanh nghiệp tổ chức nhiều tour khám phá, trải nghiệm văn hoá café Tây Nguyên

Cụ thể, tháng 2 là thời điểm hết mùa café năm trước, để tháng 3 hoa café nở trắng, bắt đầu vụ tưới nước và chăm sóc, cho thu hoạch vào tháng 9 – 12. Tháng 1 luôn bắt đầu mùa bơ non, đến tháng 3 trái cây chín dần, tháng 5 thu hoạch.

Cây ca cao bắt đầu xanh lá tháng 3, ra hoa tháng 4, thu hoạch tháng 10 – 11, còn vụ nở hoa tháng 10 năm trước lại thu hoạch chính từ tháng 3. Với cây điều, cây hồ tiêu, mùa thu hoạch rộ cũng vào tháng 3.

“Nghĩa là khi mùa xuân thắm đầy núi rừng Tây Nguyên, cây lá nào cũng vào mùa thu hoạch, người dân mừng mùa màng thắng lợi, lễ tục cúng tạ ơn và chia sẻ niềm vui”, ông Đại chỉ rõ.

Vì thế, tháng 3 ở Tây Nguyên rất nhiều lễ hội, từ những thôn bản nhỏ nhất đến các điểm tập trung dân cư, người người nhà nhà đều hân hoan phấn khởi.

Thúc đẩy và kết nối tốt hơn!

Nhìn vào lịch biểu tổ chức Lễ hội Café Buôn Ma Thuột lần thứ 9, diễn ra từ ngày 9 – 13.3, có thể thấy ngành Du lịch văn hóa địa phương nhấn mạnh đến hơn 34 tour sự kiện văn hóa, hầu hết gắn với các lễ hội, tập tục truyền thống.

Cạnh các tour trải nghiệm gắn với câu chuyện văn hóa café do Trung Nguyên Café đề xướng, du khách và người dân có thể tìm thấy các sự kiện độc đáo, đồng hành hoạt động văn hóa bản địa.

Đơn cử hội Voi Buôn Đôn, hội đua thuyền độc mộc trên hồ Lắk, là các sự kiện văn hóa truyền thống địa phương, được lồng ghép vào lễ hội nhưng luôn có dấu ấn tổ chức riêng.

Ngành Văn hóa và Du lịch Đắk Lắk đã đặc biệt “cải biên” các hoạt động, sự kiện văn hóa đặc thù, đề cao giá trị cây nông sản và ngành hàng café với các hội chợ triển lãm chuyên ngành, hội thi nhà nông, thi rang café đặc sản…

Đắk Lắk: Tưng bừng “trẩy hội” tháng ba  - ảnh 3
Café Tây Nguyên là sản phẩm du lịch độc đáo thu hút du khách

Vận động doanh nghiệp tổ chức các tour khám phá Làng Café Trung Nguyên, không gian Bảo tàng Thế giới Café, tham gia Lễ hội đường phố và đêm khai mạc, chinh phục thiên nhiên với siêu xe địa hình, chèo thuyền vượt thác, tận hưởng vẻ đẹp hoang sơ của cụm thác Dray Nur – Gia Long…

Tuy nhiên, quan trọng theo ông Trần Hồng Tiến, là các lễ hội văn hóa tháng 3 Tây Nguyên, cần phải là điểm nhấn để ngành văn hóa nghiên cứu, vận động phát huy.

Điểm yếu của các lễ hội này là quy mô nhỏ, chủ yếu tự phát, do cơ sở tổ chức, nên thiếu tính tổ chức chuyên nghiệp, ngày càng thu hẹp, khó có vị thế chiều sâu, nếu không được quan tâm hỗ trợ sẽ khó trở thành những sản phẩm văn hóa tiêu biểu, nhằm tôn vinh xứng đáng những giá trị văn hóa.

Do đó, ngành Văn hóa và Du lịch địa phương sẽ chú ý đến công tác truyền thông, tổ chức huy động các chương trình xã hội hóa quy mô lớn, làm sao để các lễ hội được tổ chức chuyên nghiệp và định kỳ.

Mỗi cơ sở, địa phương cần căn cứ thế mạnh của mình để chọn những lễ hội đặc sắc nhất, phấn đấu xây dựng “mỗi địa phương một sản phẩm du lịch gắn với lễ hội văn hóa truyền thống”.

Ông Tiến nhìn nhận, tháng 3 là thời điểm thuận lợi có các lễ hội và sự kiện văn hóa du lịch đặc sắc, song những giá trị đó sẽ chỉ nâng cao khi hoạt động lễ hội địa phương được đầu tư thành những quy trình bền vững.

Lợi thế văn hóa hàng trăm năm của lịch sử Tây Nguyên, là chỗ dựa vững chắc để ngành văn hóa du lịch mạnh dạn xây dựng những chương trình hành động, khai thác được những giá trị còn ẩn giấu trong từng mảnh rừng, góc bếp.

“Nếu xây dựng được những kế hoạch hoạt động, khai thác tốt các lễ hội đồng bào, gắn với các mục tiêu phát triển song hành văn hóa và du lịch, ngành văn hóa du lịch sẽ không chỉ nâng tầm vóc các giá trị nhân văn, văn hóa bản địa đúng mục tiêu, trách nhiệm, mà còn hình thành được những chuỗi sản phẩm văn hóa du lịch giá trị, gắn kết với chất liệu cuộc sống, cập nhật thêm những yếu tố hiện đại, văn minh, thành công thu hút cộng đồng xã hội quan tâm”, ông Tiến đánh giá.