Lễ hội Văn hoá dân gian Việt Bắc ở Tây Nguyên
VHO - Cứ vào dịp Rằm tháng Giêng, xã Ea Tam (huyện Krông Năng, Đắk Lắk) lại tổ chức Lễ hội Văn hóa dân gian Việt Bắc. Sau 14 lần tổ chức, Lễ hội đã tạo sức hút mạnh mẽ với người dân và du khách.
Lễ hội Văn hóa dân gian Việt Bắc – Ea Tam là lễ hội được tổ chức nhằm bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống của các đồng bào dân tộc thiểu số phía Bắc Tây Nguyên.
Sức hút đặc biệt của lễ hội là tổ chức ở Tây Nguyên nhưng vẫn giữ trọn nét văn hóa, bản sắc của đồng bào phía Bắc. Trong đó, nghi lễ truyền thống với lễ cúng thổ công, nghi lễ cầu mùa được tái hiện một cách chân thực, sinh động và dựa trên mong muốn của chính người dân.

Hầu hết du khách khi đến đây đều cảm nhận niềm vui, không gian bình yên và sự đón tiếp nhiệt tình của người dân. Du khách được hòa nhập với ẩm thực đặc trưng địa phương, hiểu rõ hơn về các tín ngưỡng, phong tục tập quán và tình yêu quê hương, đất nước, văn hóa của mỗi dân tộc.
Phần hội với nhiều hoạt động sôi nổi, mang đậm bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc phía Bắc, nhất là ở các trò chơi truyền thống như đi cà kheo, ném còn, kéo co, đẩy gậy... thu hút rất nhiều người chơi và cổ vũ.

Một điểm nhấn không thể không nhắc khi đến với Lễ hội, du khách được thưởng thức thanh âm mùa lễ hội. Giữa những rộn rã là tiếng sáo vi vu, tiếng đàn tính, hát then của các nghệ nhân cất lên, vang vọng giữa không gian bao la núi rừng Tây Nguyên… khiến du khách vừa tò mò vừa thích thú.
Thêm vào đó, những món ăn ẩm thực của đồng bào được thể hiện khéo léo qua việc chế biến những món dân dã như: nấu rượu men lá, làm bánh chưng, giã bánh giầy, bánh khảo, quay heo mắc mật… đã làm du khách đắm say trong một lễ hội văn hoá truyền thống
Bà La Bế Thủy Trang, Phó Chủ tịch UBND xã Ea Tam cho biết, Lễ hội năm nay tạo ấn tượng tốt đẹp với du khách một phần vì thời tiết khá dễ chịu. Bên cạnh dó, công tác tổ chức có nhiều đổi mới và sự chuẩn bị chu đáo.
Ngay từ những tháng cuối năm 2024, Ban tổ chức lễ hội đã họp và đưa ra những giải pháp, lựa chọn các hoạt động sao cho phù hợp với người dân và có nhiều đổi mới phù hợp với du khách mà không làm mất đi giá trị văn hóa truyền thống của lễ hội.

Văn hóa truyền thống không chỉ được giữ gìn mà còn được phát huy thông qua các hội thi như thi quay heo lá mắc mật hay nấu rượu men lá đã duy trì được 14 năm. Năm nay, lần đầu tiên quá trình làm món bánh khảo truyền thống được đưa lên trình diễn trên sân khấu càng khiến người dân thêm phấn khởi, thu hút đông đảo người dân ở nhiều lứa tuổi tham gia.
Đoàn viên, thanh niên của xã cũng có một “sân chơi” hấp dẫn tại lễ hội, khi mỗi thôn, buôn trang trí trại của mình thành một điểm “check in”. Vì thế, các trại trong Chợ tình Tây Nguyên rất đẹp, nhiều tiểu cảnh để du khách chụp ảnh kỷ niệm.
Bên cạnh đó, còn có nhiều hoạt động trải nghiệm thú vị dành cho du khách như: đi cầu kiều, ném còn và nhận những phần quà may mắn đầu năm mới; thưởng thức ẩm thực “nóng hổi” mới ra lò do chính những nghệ nhân tại thôn, buôn chế biến…
Sau 14 năm được tổ chức, Lễ hội văn hóa dân gian Việt Bắc của xã Ea Tam đã trở thành hoạt động văn hóa mang đậm dấu ấn của địa phương; góp phần gìn giữ, duy trì và phát huy bản sắc văn hóa của các dân tộc Việt Bắc. Những trang phục dân tộc, ẩm thực hay âm nhạc từ lễ hội đã lan tỏa ra đời sống, được nhiều người biết đến, yêu thích và trở thành “thương hiệu” của nơi đây.