Công bố bảo vật quốc gia Linga vàng tại Lễ hội Katê 2024

VŨ THANH

VHO - Lễ hội Katê năm 2024 được tổ chức, kết hợp công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc công nhận bảo vật quốc gia - đợt 12, năm 2023 đối với Linga vàng phát hiện tại tháp Pô Dam (xã Phú Lạc, huyện Tuy Phong) năm 2013.

Công bố bảo vật quốc gia Linga vàng tại Lễ hội Katê 2024  - ảnh 1

Lễ hội Katê 2024 sẽ được tổ chức tại di tích tháp Pô Sah Inư

Sở VHTTDL tỉnh Bình Thuận cho biết, Lễ hội Katê tại di tích tháp Pô Sah Inư năm 2024 sẽ diễn ra từ ngày 1-2.10.2024, được tổ chức theo đúng phong tục tập quán, với sự tham gia đông đảo của đồng bào người Chăm đến từ 6 huyện gồm: Bắc Bình, Tuy Phong, Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam, Hàm Tân và Tánh Linh.

Lễ hội được thực hiện với đầy đủ các nghi thức và cách thức hành lễ theo tập tục truyền thống của cộng đồng; đồng thời tiếp tục duy trì tổ chức các hội thi, hội diễn, trò chơi dân gian gồm: hội thi thổi kèn Saranai và đội nước vượt chướng ngại vật; hội thi trang trí lễ vật trên Thônla và Cổ bồng để dâng tế Nữ thần Pô Sah Inư...

Theo đó, ngày 1.10 là nghi lễ cúng Cầu an và nghi thức múa mừng, thỉnh Thần linh tại tháp chính (tháp A). Về phần hội, sẽ liên tục diễn ra trò chơi dân gian thi Giã gạo, Đội nước vượt chướng ngại vật tại sân khấu chính. Cũng tại sân khấu chính vào chiều cùng ngày sẽ diễn ra hội thi thổi kèn Saranai, trang trí lễ vật trên Thônla và Cổ bồng để dâng tế Nữ thần Pô Sah Inư.

Tối cùng ngày, diễn ra chương trình giao lưu nghệ thuật dân gian Chăm do Đội văn nghệ dân gian Chăm các huyện Tuy Phong, Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam, Hàm Tân, Tánh Linh và Nhà hát Ca múa nhạc Biển Xanh biểu diễn phục vụ Nhân dân và du khách đang tham quan tại thành phố Phan Thiết.

Công bố bảo vật quốc gia Linga vàng tại Lễ hội Katê 2024  - ảnh 2

Ngày 2.10 sẽ diễn ra Lễ khai mạc Lễ hội Katê năm 2024 và công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc công nhận bảo vật quốc gia - đợt 12, năm 2023 đối với Linga vàng phát hiện tại tháp Pô Dam (xã Phú Lạc, huyện Tuy Phong) tại sân khấu chính.

Ngay sau nghi thức khai mạc, các chức sắc tôn giáo người Chăm sẽ thực hiện nghi lễ Nghinh rước y trang Nữ thần Pô Sah Inư lên tháp chính. Tiếp theo, các chức sắc tôn giáo người Chăm sẽ thực hiện các nghi lễ chính của lễ hội Katê như; Mở cửa tháp, Tắm bệ thờ Linga - Yoni, Mặc trang phục và Đại lễ cúng tạ ơn Nữ thần Pô Sah Inư và các vị Thần linh tại tháp chính. Phần hội sẽ liên tục diễn ra các trò chơi dân gian, trình diễn các nghề thủ công truyền thống của dân tộc Chăm. Cuối buổi sáng cùng ngày, các chức sắc tôn giáo, già làng và bà con người Chăm đón tiếp khách đến chúc mừng Lễ hội Katê năm 2024 và giao lưu tại các trại lễ.

Việc tổ chức lễ hội góp phần quảng bá rộng rãi đến với nhân dân, du khách trong nước và quốc tế về giá trị, ý nghĩa và nét đặc sắc Lễ hội Katê của người Chăm. Lễ công bố được tổ chức kết hợp với trưng bày hiện vật Linga vàng và hình ảnh khai quật khảo cổ tháp Pô Dam, các sưu tập hiện vật văn hóa Chăm có giá trị tiêu biểu.

Qua đó, tuyên truyền, quảng bá rộng rãi đến với nhân dân, du khách trong nước và quốc tế về giá trị bảo vật quốc gia Linga vàng; nâng cao nhận thức và hành động của nhân dân trong việc gìn giữ, bảo tồn di sản văn văn hóa nói chung, bảo vật quốc gia nói riêng, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân, phục vụ du lịch, thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển.

Công bố bảo vật quốc gia Linga vàng tại Lễ hội Katê 2024  - ảnh 3

Lễ hội Katê năm 2024 được tổ chức kết hợp công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc công nhận bảo vật quốc gia đối với Linga vàng

Đối với bảo vật quốc gia Linga vàng đang lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Bình Thuận, trước đó, UBND tỉnh Bình Thuận đã ban hành kế hoạch quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị bảo vật quốc gia này.

Theo đó, UBND tỉnh xác định các nhiệm vụ trọng tâm để quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị bảo vật đó là tổ chức lễ công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc công nhận bảo vật quốc gia (đợt 12) gắn với khai mạc Lễ hội Katê năm 2024 diễn ra tại di tích tháp Pô Sah Inư. Đồng thời, triển khai chế tác phiên bản bảo vật quốc gia Linga vàng tỷ lệ 1/1 để phục vụ trưng bày chuyên đề, trưng bày lưu động nhằm giới thiệu, quảng bá đến công chúng trong và ngoài tỉnh. Xây dựng nội dung thuyết minh, giới thiệu bảo vật quốc gia Linga vàng phục vụ nhân dân và du khách.

Phối hợp với chính quyền địa phương, các cơ quan liên quan tăng cường quảng bá, giới thiệu di sản văn hóa của tỉnh (trong đó có bảo vật quốc gia Linga vàng) thông qua lồng ghép vào công tác trưng bày tại chỗ, tổ chức triển lãm lưu động tại các địa phương, trường học trong tỉnh; tăng cường quảng bá tại trang thông tin điện tử của cơ quan, đơn vị liên quan và phối hợp các cơ quan truyền thông để đưa tin, quảng bá, tuyên truyền, giới thiệu đến công chúng.

Cùng với đó, UBND tỉnh xác định phải đẩy mạnh công tác tuyên tuyền, nâng cao nhận thức trong cán bộ, đảng viên và nhân dân về giá trị, tầm quan trọng của bảo vật quốc gia; tăng cường kiểm tra, giám sát và có báo cáo, đề xuất kịp thời xử lý tình huống đột xuất xảy ra trong công tác quản lý, bảo vệ bảo vật quốc gia. Xây dựng phương án bảo vệ, tuần tra, giám sát, đảm bảo an toàn các hiện vật, bảo vật quốc gia được lưu giữ, trưng bày tại Bảo tàng tỉnh. Cũng như trang bị hệ thống báo động chống trộm và hệ thống camera an ninh, hệ thống phòng chống cháy nổ nhằm đảm bảo an toàn hiện vật trong nhà trưng bày và kho bảo quản của Bảo tàng tỉnh. Trang bị tủ chuyên dụng đặc biệt để bảo vệ, bảo quản, thường xuyên kiểm tra nhiệt độ, độ ẩm của bảo vật quốc gia. Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng kiến thức nghiệp vụ bảo quản đối với cán bộ làm công tác bảo quản hiện vật.

Kế hoạch cũng nêu rõ: Bảo vật quốc gia cần được kiểm tra, bảo quản đặc biệt theo định kỳ, đảm bảo quy trình của Bộ VHTTDL quy định về tiêu chuẩn, trách nhiệm của cán bộ và người thực hành bảo quản hiện vật bảo tàng. Rà soát, đề xuất ưu tiên việc mua sắm trang thiết bị và sửa chữa, nâng cấp hệ thống kho bảo quản, nhà trưng bày Bảo tàng tỉnh đảm bảo các điều kiện về lưu giữ, bảo quản hiện vật, bảo vật quốc gia theo quy định.

UBND tỉnh giao Sở VHTTDL quản lý, hướng dẫn về chuyên môn nghiệp vụ liên quan đến công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị bảo vật quốc gia Linga vàng; xây dựng lễ công bố; chỉ đạo Bảo tàng tỉnh phối hợp phòng chức năng Công an tỉnh và Công an TP. Phan Thiết xây dựng phương án bảo vệ, tuần tra, đảm bảo an toàn hiện vật. Ngoài ra đề xuất mua sắm các trang thiết bị cần thiết và sửa chữa, nâng cấp hệ thống kho bảo quản để phát huy giá trị di sản văn hóa và bảo vật quốc gia…

Công bố bảo vật quốc gia Linga vàng tại Lễ hội Katê 2024  - ảnh 4

Bảo vật quốc gia Linga vàng đang lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Bình Thuận

Bảo vật Linga vàng được phát hiện trong đợt khai quật khảo cổ tại tháp Pô Dam (xã Phú Lạc, huyện Tuy Phong) vào năm 2013. Thông qua việc giám định, các nhà khoa học khẳng định đây là chiếc Linga bằng vàng ròng có niên đại vào khoảng thế kỷ thứ VIII, cùng niên đại xây dựng nhóm tháp Pô Dam. Kích thước, số đo Linga: Chiều cao 6,4cm; rộng giữa 5,7cm; đường kính ngoài 5,7cm; chu vi 17cm; khối lượng 78,3630g (kết quả giám định của Trung tâm Kỹ thuật đo lường chất lượng 3 Bộ KHCN).

So với những Linga bằng vàng phát hiện trong di tích Chămpa hay văn hóa Óc Eo thì Linga bằng vàng ở Pô Dam có kích thước, khối lượng và hàm lượng vàng lớn hơn nhiều lần. Tuy nhiên, giá trị chính của Linga ở Pô Dam không nằm ở chỗ 78,3630g vàng ròng mà nằm ở cấu trúc chiếc Linga, xuất xứ, niên đại, tính hiếm và nghệ thuật chế tác thủ công