Đồng bào Chăm bảo tồn văn hoá truyền thống gắn với phát triển du lịch

VHO - Đồng bào Chăm có nhiều lễ hội truyền thống còn lưu giữ như lễ cưới hỏi, lễ hội Katê, lễ hội cầu mưa… Trong thời gian vừa qua, những nét văn hoá đặc sắc này tiếp tục được bảo tồn gắn với phát triển du lịch, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Người Chăm Nam Bộ sinh sống tại TP.HCM còn lưu giữ khá đậm nét đẹp lễ cưới truyền thống của mình. Theo tục lệ truyền thống, chuyện cưới hỏi của trai gái người Chăm là do cha mẹ quyết định. Khi người con trai muốn lập gia đình, cha mẹ sẽ tìm hiểu và nhờ ông Cả của làng ngỏ lời với bên gái. Qua mai mối, nếu được chấp nhận, nhà trai sẽ tiến hành lễ dứt lời (lễ hỏi). Đúng ngày hẹn, bên nhà trai mang lễ vật đến nhà gái gồm một mâm trái cây và các vật dụng cho cô dâu như: áo dài cưới, xà rông, khăn đội đầu... Vài ngày sau, nhà gái “trả lễ” nhà trai một mâm bánh và nhà trai trao một phong bì tiền cho nhà gái.

Đồng bào Chăm bảo tồn văn hoá truyền thống gắn với phát triển du lịch - Anh 1

Âm điệu chiêng năm được ngân vang trong Lễ hội cúng mừng sức khỏe của đồng bào Chăm H’roi của tỉnh Phú Yên

Nghệ sĩ ưu tú Đặng Quang Dũng, đồng bào Chăm tại TP.HCM cho biết: Trong quá trình phát triển và hội nhập, lễ cưới của Chăm Nam Bộ đã nhiều thay đổi. Việc trình diễn lễ cưới cổ của người Chăm Nam bộ với mong muốn phục hồi tính cổ truyền dân tộc.

Đồng bào Chăm tại Ninh Thuận còn nhiều làng nghề hoạt động rất nổi tiếng, đó là dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp, làm gốm Bàu Trúc, nghệ thuật truyền thống… Cùng với đó là các sản phẩm đặc thù, thế mạnh của địa phương như nho, táo, thịt cừu. Nghệ nhân Đổng Thị Sữa, ở thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận thổ lộ: Thời gian qua, cộng đồng Chăm nơi đây cố gắng gìn giữ sự tinh túy của cha ông để lại với nghề làm gốm. Bà con tin rằng, với đôi bàn tay khéo léo của mình sẽ tạo nên sản phẩm gốm độc đáo, giúp cộng đồng hiểu thêm về làng nghề truyền thống của quê hương mình.

Đồng bào Chăm bảo tồn văn hoá truyền thống gắn với phát triển du lịch - Anh 2

Bánh gừng, ẩm thực độc đáo của đồng bào Chăm Bình Thuận

Còn nghệ nhân Long Thị Nhan, xã Bình Tiến, huyện Bắc Bình (Bình Thuận) cho biết: "Đồng bào Chăm nơi đây còn lưu giữ nghề dệt thổ cẩm và dệt thổ cẩm cũng là nghề truyền thống của gia đình, tôi đã theo nghề từ khi mới 15 tuổi. Từ nhiều năm nay, các sản phẩm dệt của gia đình là phụ liệu không thể thiếu đối với trang phục truyền thống của cộng đồng người Chăm. Hiện nay, sản phẩm của dệt thổ cẩm của bà con còn phục vụ khách du lịch trong và ngoài nước".

Hiệ nay, đồng bào Chăm tại tỉnh Tây Ninh tập trung ống chủ yếu tại xã Thanh Điền (huyện Châu Thành), xã Trà Vong (huyện Tân Biên) và phường 1 (TP Tây Ninh), với trên 800 hộ, với hơn 3.700 nhân khẩu. Trong những năm qua, thực hiện chính sách của Đảng và Nhà nước về vận động quần chúng xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, UBND tỉnh Tây Ninh đã chỉ đạo các ngành, các cấp quan tâm thiết thực đến việc chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Các chương trình hỗ trợ đất sản xuất, nhà ở, nước sinh hoạt… cũng như các chương trình phát triển kinh tế-xã hội ở các xã đồng bào khó khăn luôn được tỉnh Tây Ninh triển khai kịp thời, qua đó đã tạo nhiều chuyển biến tích cực, nâng cao đời sống, kinh tế, văn hóa tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số.

Cộng đồng Chăm ở tỉnh An Giang hiện có hơn 17.000 người, sinh sống tại thị xã Tân Châu và 4 huyện An Phú, Châu Phú, Châu Thành, Phú Tân. Những năm qua, bà con Chăm tỉnh An Giang sinh sống bằng các công việc chủ yếu là mua bán đường dài, chăn nuôi bò, dê; một số ít hộ sản xuất nông nghiệp. Những năm qua, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chính sách dành cho đồng bào dân tộc ít người, như chương trình 135, chương trình 134, chương trình cho vay vốn, hỗ trợ giáo dục, phát triển điện, đường, trường, trạm… Từ đó, đời sống của bà con dân tộc thiểu số nói chung và dân tộc Chăm nói riêng ngày càng phát triển.

Đồng bào Chăm bảo tồn văn hoá truyền thống gắn với phát triển du lịch - Anh 3

Cộng đồng người Chăm ở tỉnh Tây Ninh hút khách du lịch bằng những hiện vật truyền thống

Tại tỉnh Phú Yên hiện có hơn 23.000 đồng bào dân tộc Chăm sinh sống cùng các dân tộc anh em. Trải qua quá trình lịch sử, đồng bào dân tộc Chăm ở Phú Yên đã sáng tạo và lưu giữ được nhiều giá trị văn hóa đặc sắc, thể hiện trong: kiến trúc, trang phục, nghệ thuật, lễ hội, phong tục tập quán và tri thức dân gian… Thời gian qua, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, đồng bào Chăm ở tỉnh Phú Yên không ngừng được đầu tư để phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh. Chưa kể, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào không ngừng được nâng cao. Bên cạnh đó, bà con luôn phát huy tinh thần đoàn kết, yêu nước, thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; ra sức phát triển kinh tế, giữ gìn bản sắc văn hóa; xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, cùng nhân dân các dân tộc trong tỉnh xây dựng, phát triển quê hương Phú Yên ngày càng giàu đẹp.

PHAN HIẾU

Ý kiến bạn đọc