Chuyển biến tích cực từ công tác phổ biến giáo dục pháp luật trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số

NGUYỄN LINH - LƯƠNG DIỄN

VHO - Trong những năm gần đây, người dân tại các xã miền núi ở huyện Như Thanh (Thanh Hóa) đã có những chuyển biến đáng kể trong ý thức tuân thủ và hiểu biết pháp luật. Điều này có được thông qua việc triển khai các hoạt động tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) của chính quyền địa phương.

Chuyển biến tích cực từ công tác phổ biến giáo dục pháp luật trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số - ảnh 1
Một hội nghị tuyên truyền pháp luật vùng đồng bào dân tộc thiểu số huyện Như Thanh (Thanh Hoá)

Nâng cao nhận thức pháp luật cho đồng bào DTTS

Như Thanh là địa phương có đông đồng bào DTTS sinh sống, tỷ lệ người DTTS chiếm 43,32%. Toàn huyện có 14 xã, thị trấn, 159 thôn, bản, khu phố. Do đặc thù của địa bàn miền núi, vùng sâu vùng xa, dân cư phân bố không đều, địa hình rộng, giao thông đi lại còn khó khăn. Đặc biệt đời sống kinh tế, văn hóa cũng như trình độ dân trí vùng đồng bào dân tộc vẫn còn nhiều hạn chế.

Vì vậy công tác tuyên truyền, PBGDPL, trợ giúp pháp lý cho đồng bào DTTS luôn được cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở quan tâm, chú trọng. Đặc biệt, thời gian qua huyện luôn phát huy vai trò của đội ngũ những người có uy tín, nhân sĩ, trí thức trong việc triển khai, tuyên truyền các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước tới đồng bào DTTS.

Thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) năm 2024 (Chương trình 1719), UBND huyện Như Thanh (Thanh Hóa) đã triển khai nhiều kế hoạch nhằm phát huy vai trò của người có uy tín trong tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật đến đồng bào dân tộc thiểu số.

Đặc biệt, các nội dung thuộc Dự án 10 như nâng cao kiến thức pháp luật, bồi dưỡng người có uy tín, tổ chức hội nghị, tập huấn đã được thực hiện ở nhiều xã vùng cao như Xuân Thái, Phú Nhuận, Cán Khê, Xuân Du.

Ông Phạm Văn Sang, Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Dân tộc huyện Như Thanh, chia sẻ: “Chúng tôi nhận thấy tầm quan trọng của việc không chỉ đưa luật pháp đến gần dân hơn mà còn giúp họ hiểu và ứng dụng vào đời sống thực tiễn. Vì vậy, những hội nghị tuyên truyền, phổ biến, tập huấn pháp luật không chỉ là sự kiện đơn lẻ mà là một phần trong kế hoạch dài hạn, góp phần thay đổi nhận thức của người dân.”

Trong năm 2024, UBND huyện Như Thanh đã tổ chức thành công 12 hội nghị tuyên truyền pháp luật, với sự tham gia của 1.550 đại biểu. Các đại biểu bao gồm bí thư chi bộ, trưởng thôn, đại diện các tổ chức đoàn thể và các hộ nghèo, hộ cận nghèo là người dân tộc thiểu số (DTTS) tại 12 xã thuộc vùng DTTS&MN.

Tại các xã như Xuân Thái và Phú Nhuận, những hội nghị này không chỉ dừng lại ở lý thuyết mà còn khuyến khích người dân đặt câu hỏi, chia sẻ những khó khăn trong việc tiếp cận và thực hiện pháp luật.

Ông Lê Trung Nguyên, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Thái, cho biết: “Xã có hơn 4.000 dân với ba dân tộc chủ yếu là Thái, Mường, Kinh. Trong thời gian qua, công tác tuyên truyền pháp luật đã giúp bà con có cái nhìn sâu sắc hơn về những quy định của pháp luật, đặc biệt là trong bảo vệ an ninh chính trị, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Chúng tôi nhận thấy rõ sự chuyển biến tích cực qua từng hội nghị. Những người dân giờ đã biết tự giác tuân thủ, không vi phạm pháp luật và còn là những người lan tỏa ý thức này trong cộng đồng.”

Để tăng cường hiệu quả phổ biến giáo dục pháp luật, Phòng Dân tộc huyện Như Thanh phối hợp với các phòng, ban, tổ chức các hội nghị tập huấn cho đội ngũ người có uy tín.

Trong đó, các buổi tập huấn tập trung vào các nội dung gồm: Chương trình 1719, các chủ trương, chính sách về công tác dân tộc của Đảng và Nhà nước, Luật Trợ giúp pháp lý, Luật An ninh biên giới quốc gia, Luật Phòng chống ma túy, Luật Bình đẳng giới, Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Lâm nghiệp, Luật Đất đai, cùng nhiều văn bản quan trọng khác.

Ông Ngô Xuân Thân, Chủ tịch UBND xã Phú Nhuận, cho biết: “Chúng tôi đã tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền trên hệ thống loa phát thanh của xã và tổ chức các hội nghị tập huấn định kỳ.

Những nội dung này giúp người dân hiểu rõ hơn về các quy định pháp luật liên quan đến đời sống thường nhật như quyền sử dụng đất, an toàn giao thông, phòng chống bạo lực gia đình. Đặc biệt, khi pháp luật trở thành một phần quen thuộc, bà con ngày càng chủ động hơn trong tuân thủ pháp luật”.

Phát huy vai trò của người có uy tín trong tuyên truyền pháp luật

Một trong những yếu tố quan trọng trong công tác phổ biến pháp luật tại Như Thanh là vai trò của đội ngũ người có uy tín, già làng và trưởng bản. Những người này là cầu nối giữa chính quyền và người dân, là những người thường xuyên trực tiếp tham gia các buổi tập huấn, tuyên truyền về pháp luật và truyền đạt lại cho cộng đồng.

Nhờ vai trò của họ, người dân  có được những thông tin chính xác và kịp thời, từ đó tuân thủ pháp luật một cách tự nguyện.

Thông qua những hội nghị và tập huấn, góp phần củng cố thêm kiến thức pháp luật, kỹ năng cho đội ngũ người có uy tín, để họ làm tốt hơn nữa trong việc “đi từng ngõ, gõ từng nhà” tuyên truyền, vận động người dân chấp hành pháp luật.

Điển hình như ông Lục Văn Thành, người có uy tín tại xã Hải Long, huyên Như Thanh đã có nhiều tâm huyết công tác vận động người dân.

Ông Thành nhấn mạnh vai trò của việc lồng ghép nội dung pháp luật với các câu chuyện thực tiễn, gần gũi, giúp bà con dễ hiểu, dễ nhớ. Ông chia sẻ: “Người dân mình vốn chân chất, thật thà, nhưng nếu mình giải thích được điều luật nào đó gắn liền với cuộc sống hàng ngày, họ sẽ dễ dàng tiếp thu. Trước đây, nhiều người dân trong thôn mình còn ngại ngần, chưa thực sự hiểu ý nghĩa của các quy định pháp luật, nhất là khi liên quan đến đất đai, hôn nhân, gia đình, hoặc những vấn đề an ninh trật tự. Nhưng khi được tuyên truyền, giải thích, nhận thức pháp luật của bà con được nâng cao. Họ không chỉ nắm rõ quyền lợi và nghĩa vụ mà còn chủ động tham gia vào các hoạt động giữ gìn an ninh trật tự, bảo vệ môi trường sống giúp xây dựng thôn xóm văn hóa”.

Sng song với PBGDPL, huyện Như Thanh cũng chú trọng tăng cường hoạt động trợ giúp pháp lý nhằm nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ pháp lý cho đồng bào DTTS.

Năm 2023, huyện đã tổ chức sáu hội nghị tập huấn tại các xã như Cán Khê, Xuân Du, Phượng Nghi, Thanh Tân, Thanh Kỳ, và Xuân Thái. Năm 2024, phòng Tư pháp huyện đã tham mưu UBND huyện tổ chức thêm năm lớp tập huấn tại các xã Mậu Lâm, Xuân Khang, Phú Nhuận, Xuân Phúc, Yên Lạc, thu hút hơn 800 người tham gia, bao gồm già làng, trưởng bản, người có uy tín, cán bộ cơ sở, và người DTTS.

Các lớp tập huấn đã giúp đồng bào DTTS nâng cao nhận thức pháp luật, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình khi gặp phải các vấn đề pháp lý, đồng thời góp phần xây dựng ý thức chấp hành pháp luật và nâng cao chất lượng công tác hòa giải ở cơ sở.

Huyện tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp, không chỉ để nâng cao năng lực hòa giải cho cán bộ, mà còn tạo điều kiện để người dân tự giải quyết mâu thuẫn tại chỗ, ngăn chặn các xung đột trở nên phức tạp.