Câu lạc bộ văn nghệ mường, bản xứ Thanh hút du khách

NGUYỄN LINH

VHO - Trong những năm gần đây, phong trào văn nghệ quần chúng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa ngày càng lan tỏa sâu rộng, thu hút đông đảo người dân tham gia. Không chỉ tạo nên sợi dây gắn kết cộng đồng, hoạt động này còn góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số, đồng thời thúc đẩy du lịch cộng đồng ở nhiều địa phương phát triển mạnh mẽ.

Gìn giữ văn hóa qua từng lời ca, điệu múa

Đã thành thói quen, vào mỗi chiều cuối tuần, phụ nữ dân tộc Mường ở thôn Lập Thắng, xã Thạch Lập (huyện Ngọc Lặc) lại tụ họp tại nhà văn hóa thôn để luyện tập những bài ca, điệu múa truyền thống.

Chị Phạm Thị Oanh, Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) văn hóa dân gian thôn Lập Thắng chia sẻ: "Nhờ du lịch cộng đồng phát triển, chị em chúng tôi, những người quanh năm gắn bó với nương rẫy, giờ đây có thêm cơ hội được tham gia luyện tập, biểu diễn văn nghệ, phục vụ du khách".

Hiện CLB đã thu hút được 60 thành viên tham gia, tất cả đều có niềm đam mê và am hiểu sâu sắc về văn hóa dân tộc Mường.

Câu lạc bộ văn nghệ mường, bản xứ Thanh hút du khách - ảnh 1
Đội văn nghệ làng Lúng, xã Xuân Thái (Như Thanh) thường xuyên biểu diễn phục vụ khách du lịch.

Các thành viên không chỉ tích cực sưu tầm, tập luyện mà còn biểu diễn đa dạng các loại hình nghệ thuật dân gian như đánh cồng chiêng, nhảy sạp, hát xường Mường… qua đó, góp phần làm sống lại những giá trị văn hóa đang dần bị mai một.

Không riêng thôn Lập Thắng, ở xã Thạch Lập, nơi đa phần là đồng bào dân tộc Mường sinh sống, phong trào văn nghệ quần chúng cũng phát triển mạnh mẽ.

Xã đã vận động thành lập nhiều CLB, đội văn nghệ tại các thôn, xây dựng kế hoạch bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường.

Những nghệ nhân, người có uy tín tại các thôn bản được khuyến khích tham gia giảng dạy, truyền dạy các làn điệu dân ca, điệu múa truyền thống.

Hội thi, hội diễn văn nghệ thường xuyên được tổ chức, tạo điều kiện cho các đội nhóm giao lưu, học hỏi, nâng cao chất lượng biểu diễn, phục vụ hiệu quả cho phát triển du lịch cộng đồng.

Xã Xuân Thái (huyện Như Thanh) cũng là điểm sáng trong việc gắn kết hoạt động văn hóa, văn nghệ với phát triển du lịch cộng đồng.

Đến Xuân Thái, du khách không chỉ được hòa mình vào không gian thiên nhiên tươi mát, mà còn được thưởng thức những đêm liên hoan văn nghệ sôi động cùng bà con dân tộc Thái.

Bà Trịnh Thị Tự, thành viên đội văn nghệ thôn Đồng Lườn cho biết: "Vào buổi tối, chúng tôi thường tập luyện những tiết mục dân ca, dân vũ truyền thống để sẵn sàng biểu diễn trong các ngày hội làng, lễ hội và phục vụ du khách tham quan.

Qua những hoạt động này, phong tục, tập quán truyền thống của dân tộc Thái trên địa bàn được bảo tồn và phát huy hiệu quả".

Sự gắn kết giữa văn hóa và du lịch đã tạo thêm sức hút đặc biệt đối với du khách, đồng thời mang lại thu nhập cho người dân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương miền núi.

Câu lạc bộ văn nghệ mường, bản xứ Thanh hút du khách - ảnh 2
Các tiết mục mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc như Mường, Thái, Dao, H'Mông... tại Liên hoan nghệ thuật quần chúng tỉnh Thanh Hóa năm 2025

Đẩy mạnh thực hiện Dự án 6 – Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống

Phong trào văn nghệ quần chúng sôi động tại các địa phương trong tỉnh là kết quả từ sự quan tâm chỉ đạo sát sao của các cấp, các ngành, đặc biệt là sự triển khai hiệu quả Dự án 6 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Dự án 6 nhằm “Bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch”, tạo điều kiện cho cộng đồng dân tộc thiểu số phát huy bản sắc văn hóa riêng, đồng thời tham gia tích cực vào hoạt động du lịch, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần.

Hàng năm, Sở VHTTDL Thanh Hóa xây dựng kế hoạch cụ thể, khuyến khích các địa phương thành lập thêm CLB, đội văn nghệ; mở các lớp tập huấn kỹ năng biểu diễn, dàn dựng chương trình; hướng dẫn sáng tác, phục dựng các loại hình nghệ thuật dân gian.

Các nghệ nhân, người am hiểu văn hóa truyền thống cũng được hỗ trợ để truyền dạy lại cho thế hệ trẻ, đảm bảo dòng chảy văn hóa không bị đứt gãy.

Đặc biệt, các hội thi, hội diễn văn nghệ quần chúng được tổ chức thường xuyên, tạo sân chơi lành mạnh, nâng cao đời sống tinh thần cho người dân.

Mới đây, Liên hoan nghệ thuật quần chúng tỉnh Thanh Hóa năm 2025 đã được tổ chức quy mô lớn, quy tụ gần 1.000 diễn viên, nghệ nhân, nhạc công đến từ 22 đoàn nghệ thuật quần chúng trên toàn tỉnh.

Các tiết mục mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc như Mường, Thái, Dao, H'Mông... đã để lại ấn tượng sâu sắc với khán giả và du khách, góp phần quảng bá tiềm năng văn hóa, du lịch xứ Thanh.

Sự lan tỏa mạnh mẽ của phong trào văn nghệ quần chúng không chỉ giúp bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc thiểu số, mà còn là động lực thúc đẩy phát triển du lịch cộng đồng theo hướng bền vững.

Tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, trong thời gian tới, tỉnh Thanh Hóa sẽ đẩy mạnh thực hiện các mục tiêu của Dự án 6, gắn chặt việc bảo tồn di sản văn hóa với phát triển du lịch, tạo sinh kế cho người dân, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc