Sơn La:

Bế mạc lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ cơ sở về văn hóa các dân tộc thiểu số

Q.VY-N.OANH

VHO - Chiều 7.6, Sở VHTTDL Sơn La đã bế mạc lớp tập huấn, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi cho đội ngũ cán bộ làm công tác văn hoá ở cơ sở.

Bế mạc lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ cơ sở về văn hóa các dân tộc thiểu số - ảnh 1

 Ban tổ chức trao Giấy chng nhận hoàn thành lớp tập huấn cho các học viên

Diễn ra từ ngày 5- 7.6, lớp tập huấn do Sở VHTTDL Sơn La tổ chức tại thành phố Sơn La với 127 học viên là cán bộ văn hóa tại các xã, phường, thị trấn, chuyên viên Phòng Văn hóa và Thông tin, Trung tâm Truyền thông - Văn hóa các huyện Vân Hồ, Mai Sơn, Yên Châu, Thuận Châu, Mường La, Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh và Bảo tàng tỉnh Sơn La. 

 Trong quá trình tập huấn, bồi dưỡng các học viên đã được trang bị những kiến thức, kỹ năng và phương pháp cơ bản nhất cũng như những kinh nghiệm quý báu cho việc tham mưu triển khai thực hiện công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn  Sơn La.

Các học viên đã được các chuyên gia đến từ Trường Đại học Văn hoá Hà Nội và Cục Di sản văn hoá (Bộ VHTTDL) trao đổi về các kỹ năng trong công tác bảo tồn, phát huy di sản, đặc biệt là cách thức xây dựng và áp dụng kỹ thuật số trong công tác bảo tồn, quảng bá và liên kết phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể trong phát triển du lịchvới các chuyên đề bổ ích, sát thực của các giảng viên.

Tại lớp tập huấn các học viên đã tích cực trao đổi những kinh nghiệm thực tiễn ở địa phương và những khó khăn vướng mắc để các đơn vị học tập lẫn nhau trong công tác tham mưu, đề xuất nhằm triển khai hiệu quả, phù hợp với địa phương về công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống vùng đồng bào dân tộc thiểu số. 

Tại lễ bế mạc, ông Phạm Hồng Thu, Phó Giám đốc Sở VHTTDL Sơn La nhấn mạnh, sau khi trở về địa phương, đơn vị công tác, các học viên sẽ vận dụng và làm tốt hơn vai trò của mình trong việc tham mưu với cấp uỷ, chính quyền cơ sở phát huy thực hiện tốt công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Tiếp tục chủ động tham mưu với cấp uỷ, chính quyền tập trung xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi . Tăng cường quản lý Nhà nước về các bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch.

Triển khai thực hiện hiệu quả các nội dung Dự án 6 về “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch"; Đề án “Bảo tồn, phát huy giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc của các dân tộc thiểu số tỉnh Sơn La gắn với phát triển du lịch” giai đoạn 2022  - 2030 đạt hiệu quả, phù hợp với từng địa phương. 

Thường xuyên tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức của cấp uỷ, chính quyền và người dân địa phương về công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống. Phát huy vai trò nòng cốt của các già làng, trưởng bản, người có uy tín ở cộng đồng, các hạt nhân văn nghệ, nghệ nhân văn hóa dân gian, phát huy hiệu quả hoạt động của các thiết chế văn hóa ở cơ sở. Tăng cường bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hoá, đặc biệt là bảo tồn tiếng nói chữ viết, lễ hội, nghi lễ, phong tục, tập quán tốt đẹp của các dân tộc.

Chủ động phối hợp, học hỏi kinh nghiệm giữa các xã, phường, thị trấn, vận dụng sáng tạo công tác bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa trên các nền tảng số trên địa bàn. Từ đó, xây dựng đội văn nghệ, duy trì phong trào văn hoá văn nghệ, tổ chức các hoạt động văn nghệ nhân dịp lễ Tết, ngày kỷ niệm, ngày truyền thống của đất nước, của tỉnh và địa phương.