Dấu ấn 1719 trên những nẻo cao:

Bài 2 - Cất lên thanh âm đại ngàn

NAM HƯNG - NGUYỄN LINH

VHO - Từ những nếp nhà sàn ẩn hiện dưới tán rừng Mường Phăng đến điệu xòe bập bùng bên bếp lửa Mường Lay, hành trình hơn 4 năm thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (gọi tắt là Chương trình 1719) đã khơi dậy mạch nguồn văn hóa, thúc đẩy sinh kế bền vững và làm bừng sáng bản sắc nơi non cao Điện Biên.

Trong hành trình ấy, Dự án 6 như “trái tim mềm” của Chương trình, góp phần đánh thức tiềm năng du lịch cộng đồng, khơi mở niềm tự hào văn hóa dân tộc, thứ tài sản quý giá mà người Điện Biên gìn giữ suốt bao đời.

Hành trình 5 năm gieo mầm thay đổi

Tháng 7 giữa mùa mưa Tây Bắc, con đường từ trung tâm xã Nà Hỳ (tỉnh Điện Biên) đến bản Nà Sự, Nà Cấu, Nà Hỳ… không còn lầy lội như trước. Tuyến bê tông mới, băng qua triền đồi và khe suối, dẫn chúng tôi đến một mái nhà sàn khang trang, nơi bà con vừa tổ chức xong lễ mừng cơm mới. “Cái thời chưa có nước sạch, phải gùi từng can từ suối về, đêm mưa lạnh mà con nhỏ khát nước, chẳng biết làm sao…”, một già làng rưng rưng kể lại.

Bài 2 - Cất lên thanh âm đại ngàn  - ảnh 1
Lễ cúng truyền thống của người dân tộc thiểu số trong khuôn khổ phục dựng lễ hội văn hóa – hoạt động tiêu biểu trong công tác bảo tồn, phát huy bản sắc gắn với phát triển du lịch cộng đồng. Ảnh: bảo tàng tỉnh Điện Biên

Giấc mơ an cư ấy đã thành hiện thực với hơn 500 hộ dân từ Dự án 1, trong tổng thể 10 dự án thành phần của Chương trình 1719. Được phân bổ hơn 4.000 tỉ đồng, trong đó 3.275 tỉ đồng đã giải ngân, đạt gần 70%, Chương trình không chỉ “đưa nước sạch về bản” mà còn thổi bừng sức sống mới cho vùng đất nơi cực Tây Tổ quốc.

Dự án , với mục tiêu đảm bảo nhu cầu căn bản như nhà ở, nước sinh hoạt, chuyển đổi nghề, đã hỗ trợ hơn 27.000 hộ tiếp cận nước sạch, xây dựng 66 công trình nước tập trung, cùng hàng loạt bể chứa nước mưa, giếng khoan, hệ thống lọc nước hộ gia đình. Hơn 900 hộ nghèo được đào tạo nghề, hướng dẫn sinh kế bền vững, giúp người dân có thể sống được bằng chính mảnh đất của mình.

Dự án 2 đã sắp xếp, bố trí lại dân cư tại 10 điểm, giúp 430 hộ chuyển về nơi ở ổn định, từng bước hình thành các cụm dân cư kiểu mẫu vùng cao. Dù gặp khó trong chuyển đổi đất rừng và giải phóng mặt bằng, nhưng nhờ sự đồng thuận từ cơ sở, các khu tái định cư giờ đây đã có điện, đường, trường, trạm tạo ra thế an cư lạc nghiệp bền vững.

Dự án 3 về phát triển sản xuất và kinh tế vùng đồng bào được đánh giá là cú hích lớn về tư duy sản xuất. 448 mô hình sản xuất đã được hình thành, từ mắc ca, cà phê, lúa nương đến chăn nuôi trâu, bò sinh sản.

Ở nhiều bản, HTX đã liên kết nông dân tạo chuỗi giá trị người trồng, người sơ chế, người tiêu thụ. 277ha rừng sản xuất được trồng mới, hàng chục nghìn ha rừng phòng hộ được khoán bảo vệ, vừa tạo thu nhập vừa giữ rừng xanh.

Dự án 4 đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng thiết yếu với 525 công trình đầu tư mới (gồm đường, trường, thủy lợi, nhà văn hóa, cầu dân sinh…), 409 công trình được duy tu sửa chữa.

Những cung đường ngày mưa không còn là nỗi ám ảnh, trẻ con không còn phải nghỉ học vì không thể lội suối đến trường, và các thầy thuốc trẻ cũng không còn chùn bước khi đi tiêm chủng lưu động giữa vùng sâu vùng xa.

Dự án 5 về đào tạo nghề, nâng cao năng lực lao động đã tổ chức hơn 600 lớp học, tạo việc làm cho 42.000 lao động, trong đó gần 80% là người dân tộc thiểu số. Những lớp học may thổ cẩm, sửa máy nông cụ, trồng dược liệu quý… đã truyền cảm hứng lập nghiệp, đặc biệt với lớp trẻ dân tộc.

Dự án 6 – Bản hòa tấu văn hóa nơi rẻo cao

Trên nền gỗ nhà sàn bản Nà Sự, điệu xòe Thái lan tỏa trong ánh lửa bập bùng và tiếng vỗ tay của du khách. Mỗi bước nhảy không chỉ là biểu diễn, mà là cách đồng bào lưu giữ hồn cốt dân tộc. Dự án 6, với hơn 104 tỉ đồng, chính là “đòn bẩy mềm” đánh thức những bản làng tưởng chừng ngủ quên giữa núi rừng.

Bài 2 - Cất lên thanh âm đại ngàn  - ảnh 2
Phụ nữ dân tộc thiểu số giới thiệu kỹ thuật thêu dệt, chế tác trang phục truyền thống tại Lễ hội Hoa Ban – minh chứng cho hiệu quả từ các lớp truyền dạy văn hóa và phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng. Ảnh: Mai Hoa

Trong 5 năm, Điện Biên đã đầu tư 11 công trình văn hóa – du lịch: từ 2 điểm đến tiêu biểu vùng DTTS, 1 điểm du lịch cộng đồng, 1 di tích quốc gia được tu bổ, đến 7 nhà văn hóa tại các xã đặc biệt khó khăn.

Hạ tầng ấy không chỉ để “xây dựng”, mà là nền tảng để cộng đồng sống với văn hóa, không bảo tồn kiểu “trưng bày”, mà sống động, hòa nhịp vào sinh kế.

Điện Biên cũng tiến hành kiểm kê toàn diện di sản phi vật thể, rà soát 9 di sản tiêu biểu, phục dựng 6 lễ hội truyền thống như lễ mừng cơm mới, tết Hoa Mào Gà, nghi lễ cấp sắc...

Tỉnh còn tổ chức 5 lớp truyền dạy văn hóa như hát then, khèn Mông, dân ca Thái; 4 lớp hướng dẫn đội văn nghệ truyền thống; bảo tồn 2 môn thể thao dân tộc như đẩy gậy, bắn nỏ…

Tại bản bản Nà Sự, tỉnh Điện Biên, một thành viên đội văn nghệ chia sẻ: “Ngày trước tụi em múa chỉ để vui. Giờ có ánh đèn, âm thanh, sân khấu, bản mình thành điểm du lịch, mỗi tuần vài đoàn khách, vừa vui vừa có thêm thu nhập giữ nghề tổ tiên”.

Không chỉ “giữ hồn”, Dự án 6 còn kết nối với du lịch cộng đồng: sản xuất 23 sản phẩm du lịch đặc trưng, tổ chức các hội thi thể thao dân tộc, giao lưu văn hóa, chiến dịch quảng bá, đưa văn hóa Điện Biên lên các nền tảng số. 14 ấn phẩm sách, đĩa phim tư liệu về văn hóa dân tộc cũng được xuất bản để văn hóa không chỉ sống trong cộng đồng, mà còn lan tỏa ra cộng đồng lớn hơn.

Ngoài ra, tỉnh hỗ trợ 126 tủ sách cộng đồng, trang bị thiết bị cho 258 thiết chế văn hóa từ loa đài, máy chiếu, trang phục biểu diễn đến nhạc cụ truyền thống. Những đêm thứ Bảy ở bản giờ đây sáng đèn, nhộn nhịp tiếng cười, tiếng hát, khách du lịch tìm về ngày một đông, người dân thêm yêu văn hóa mình, thêm gắn bó với bản làng.

Bước đệm vững chắc cho giai đoạn mới

Không chỉ dừng lại ở các trục “cứng” và “mềm”, Chương trình 1719 tại Điện Biên còn triển khai đồng bộ các dự án hỗ trợ toàn diện: Dự án 7 chăm sóc sức khỏe người DTTS, nâng cao dinh dưỡng mẹ và bé, tổ chức hàng chục lớp bồi dưỡng y tế thôn bản, tiêm chủng ngoại trạm ở vùng sâu vùng xa.

Dự án 8 thúc đẩy bình đẳng giới, bảo vệ trẻ em với hơn 540 tổ truyền thông cộng đồng, 144 hội nghị đối thoại chính sách, cùng các chiến dịch chống tảo hôn, bạo lực học đường, kỹ năng sống cho thanh thiếu niên DTTS.

Bài 2 - Cất lên thanh âm đại ngàn  - ảnh 3
Các nghệ nhân dân tộc biểu diễn nhạc cụ và điệu múa truyền thống trong không gian văn hóa cộng đồng – một phần của nỗ lực bảo tồn di sản phi vật thể dưới Dự án 6, Chương trình 1719 tại Điện Biên. Ảnh: Lê Anh Tuấn

Dự án 9 đầu tư trực tiếp cho các dân tộc rất ít người như Mảng, Si La, Cống, Hà Nhì, Khơ Mú… bằng các công trình điện lưới, thiết chế văn hóa, nhà lớp học, phục dựng lễ hội đặc trưng, giữ nguyên vẹn nét văn hóa quý giá, đồng thời nâng chất lượng sống.

Dự án 10 phát huy vai trò người có uy tín, tổ chức hàng trăm lớp tập huấn, cuộc thi, hội chợ, phóng sự truyền hình; hàng trăm nghìn tài liệu truyền thông được phát hành, đưa chính sách đến gần dân, giải thích dễ hiểu, dễ nhớ.

Dù vẫn còn những điểm nghẽn từ chậm ban hành hướng dẫn, thủ tục đầu tư phức tạp đến phân bổ chưa đồng bộ, nhưng không thể phủ nhận, Chương trình 1719 đã đặt những viên gạch đầu tiên cho hành trình phát triển bền vững ở vùng đất cực Tây.

Từ đại ngàn Mường Nhé đến thung lũng Mường Thanh, những thanh âm mới đang ngân vang. Đó không chỉ là tiếng Khèn Mông, điệu múa Xòe Thái, mà còn là tiếng máy cày nổ giữa nương, tiếng đọc sách trong tủ cộng đồng, tiếng rộn ràng mỗi khi du khách tới bản. Tất cả hòa lại thành bản nhạc phát triển đa thanh, mà Dự án 6 là nhịp trống nhịp chiêng ngân dài từ bản làng ra thế giới.

(Còn tiếp)

Ý kiến bạn đọc