Dấu ấn 40 năm phát triển của Phật giáo tỉnh Thanh Hóa
VHO - Trong hai ngày 30 và 31.11 tới đây, Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) tỉnh Thanh Hóa tổ chức Đại lễ Kỷ niệm 40 năm thành lập (1.11.1984 - 1.11.2024).
Trải qua chặng đường gần nửa thế kỷ hình thành và phát triển, GHPGVN tỉnh Thanh Hóa đã có nhiều đóng góp cho công cuộc xây dựng, phát triển của địa phương nói riêng, đất nước nói chung; xây dựng và phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết tôn giáo …
Phát triển vượt bậc về hoạt động tăng sự
Ngày 1.11.1984, chỉ 3 năm sau khi GHPGVN ra đời, Ban Đại diện Phật giáo tỉnh Thanh Hóa được thành lập. Sau 40 năm với 8 nhiệm kỳ Ban Trị sự, GHPGVN tỉnh Thanh Hóa đã có những bước phát triển mạnh mẽ, đạt nhiều thành tựu Phật sự quan trọng, đóng góp vào quá trình xây dựng và phát triển của tỉnh và nước nhà.
Từ hơn 20 tăng, ni vào năm 1984, đến nay toàn tỉnh đã có trên 230 tăng, ni, 667 chức việc và trên 160 nghìn Phật tử, tín đồ Phật giáo, 179 cơ sở tôn giáo (chùa, thiền viện, tịnh xá) có sư trụ trì hoặc kiêm trụ trì. Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Thanh Hóa cũng đã hoàn thiện cơ cấu với 13 ban chuyên môn, phân ban ni giới và Ban Trị sự Giáo hội tại 27 huyện, thị, thành phố…
Cùng với sự phát triển, hoàn thiện cơ cấu tổ chức, hành chính trong lĩnh vực tăng sự, Phật giáo xứ Thanh cũng ghi dấu những thành tựu vượt bậc trong các lĩnh vực hoằng pháp, giáo dục đào tạo Phật giáo, văn hóa Phật giáo, đối ngoại Phật giáo… Suốt 4 thập kỷ qua, GHPGVN tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức, duy trì liên tục truyền thống “an cư kiết hạ” hằng năm dưới hai hình thức tập trung và tại chỗ.
Ngoài các buổi thuyết giảng định kỳ, các khóa tu truyền thống như “Bát quan trai” được duy trì và liên tục mở rộng tại các chùa. Bên cạnh gia đình Phật tử, các đạo tràng, mô hình tu tập cũng được tổ chức, thu hút nhiều lứa tuổi, thành phần xã hội tham gia, phù hợp với nhịp sống và tâm lý thời đại. Nhằm đào tạo một thế hệ tu sĩ Phật giáo có trình độ chuyên sâu về Phật học và thế học, nhiều năm qua, Ban Trị sự đã gửi tăng, ni đào tạo tại các trường Phật học, thế học trên toàn quốc cũng như nước ngoài như Ấn Độ, Trung Quốc, Đài Loan (TQ), Thái Lan, Hoa Kỳ. Đến nay đã và đang đào tạo được 5 tiến sĩ, 24 thạc sĩ, 4 giảng sư cao cấp, 92 cử nhân…
Có thể nói, Phật giáo Thanh Hóa đang trong thời kỳ sung sức với đầy đủ phúc duyên “Thiên thời, địa lợi, nhân hòa”; phát triển mở rộng, giao lưu kết nghĩa với Phật giáo tỉnh Quảng Nam và tỉnh Hủa Phăn nước bạn Lào. Đây là cơ hội để Phật giáo xứ Thanh phát triển và vững bước tiến vào tương lai.
Đồng hành cùng sự phát triển của dân tộc
40 năm thành lập và phát triển của GHPGVN tỉnh Thanh Hóa cũng là 40 năm Phật giáo tỉnh Thanh Hóa nêu cao truyền thống “đồng hành cùng dân tộc”, dấn thân nhập thế làm tốt đời đẹp đạo, đóng góp vào những thành tựu chung trong công tác xây dựng và phát triển của tỉnh. Các tăng, ni, Phật tử với tinh thần “phụng sự đạo pháp, phục vụ dân tộc” đã luôn tuân thủ pháp luật, làm tròn nghĩa vụ công dân, tích cực xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, luôn đồng hành cùng đất nước trong những giai đoạn khó khăn nhất của lịch sử...
Qua 8 nhiệm kỳ, GHPGVN tỉnh Thanh Hóa đã triển khai nhiều hoạt động từ thiện, an sinh xã hội trên địa bàn và nhiều địa phương khác (từ 2014 đến nay ước tính đã lên tới 198 tỉ đồng). Các hoạt động đa dạng như tổ chức lớp học tình thương, trường dạy trẻ mồ côi, cơ nhỡ, nhà dưỡng lão, xây dựng nhà tình nghĩa, hỗ trợ khắc phục thiên tai, dịch bệnh, xây dựng hạ tầng giao thông nông thôn, tặng học bổng khuyến học… đã thể hiện trách nhiệm cao cả của Phật giáo xứ Thanh với cộng đồng xã hội.
Đặc biệt, mới đây, Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Thanh Hóa do Thượng tọa Thích Tâm Định, Trưởng Ban trị sự GHPGVN tỉnh Thanh Hóa làm Trưởng đoàn đã có chuyến thăm và tặng quà cho các em học sinh tại Trường nội trú tỉnh Hủa Phăn (Lào). Qua đó, góp phần gìn giữ và phát huy mối quan hệ hữu nghị tốt đẹp giữa Việt Nam - Lào, Thanh Hóa - Hủa Phăn.
Cùng với đó, Phật giáo tỉnh Thanh Hóa cũng đã có những đóng góp tích cực trong việc củng cố, phát triển khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết tôn giáo; thực hiện tốt phong trào thi đua yêu nước, nhất là công tác an sinh xã hội; tích cực tham gia hoạt động phong trào do các cấp chính quyền phát động. Điển hình như tham gia tuyên truyền về chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, trong đó có quy định về tổ chức tôn giáo; thực hiện theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; hướng dẫn, vận động đồng bào, Phật tử chung tay cùng các cấp chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và nhân dân xây dựng tỉnh Thanh Hóa có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình, góp phần xây dựng nước Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”…
Trong những lần thăm và chúc mừng tăng ni, Phật tử tỉnh Thanh Hóa nhân dịp đại lễ của Phật giáo và dân tộc, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, địa phương luôn khẳng định, biểu dương vai trò to lớn của GHPGVN Thanh Hóa trong tiến trình xây dựng và phát triển của tỉnh cũng như đất nước nói chung.
Để đạt được những kết quả quan trọng trong 40 năm qua, bên cạnh sự quan tâm của các cấp ủy, chính quyền, từ khi thành lập đến nay, GHPGVN tỉnh Thanh Hóa đã xác định rõ đường hướng hành đạo đúng đắn, phát huy truyền thống yêu nước, đoàn kết, gắn bó, đồng hành cùng nhân dân trong tỉnh và các tôn giáo khác trong công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đưa Việt Nam tiến lên “sánh vai cùng các cường quốc năm châu” như Bác Hồ hằng mong muốn!