Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: Dành gói tín dụng 20-30 nghìn tỉ cho CNVH
VHO- Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, Việt Nam được đánh giá có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển công nghiệp văn hóa (CNVH) nhưng sự phát triển chưa tương xứng với tiềm năng. Các ngành CNVH có triển vọng lớn, có thể phát triển nhanh, mang lại hiệu quả cao, là động lực mới cho sự phát triển văn hóa, phù hợp với xu thế thời đại.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Ảnh: NHẬT BẮC
Lần đầu tiên, Hội nghị toàn quốc về phát triển các ngành CNVH Việt Nam đã được tổ chức vào cuối tuần qua tại trụ sở Chính phủ, kết nối trực tuyến tới các điểm cầu các địa phương. Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì. Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng điều hành Hội nghị.
Phải chuyển biến mạnh mẽ từ nhận thức, tư duy, tạo đột phá trong cách làm
Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh, Hội nghị toàn quốc đầu tiên này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về phát triển các ngành CNVH. Thủ tướng nhận định: Với sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước và sự vào cuộc của các cấp, các ngành, các địa phương, thời gian qua các ngành CNVH dần trở thành những ngành kinh tế dịch vụ quan trọng; sự đầu tư nguồn vốn đã thúc đẩy thị trường CNVH có những bước tiến mới, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, so với một số ngành khác, các ngành CNVH nước ta vẫn chưa phát huy được hết tiềm năng, lợi thế.
Thủ tướng nêu rõ, để CNVH sớm phát triển nhanh, bền vững, khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh, cần có sự chuyển biến mạnh mẽ từ nhận thức, tư duy đến hành động, đột phá trong cách làm, xây dựng ngành CNVH Việt Nam “Sáng tạo - Bản sắc - Độc đáo - Chuyên nghiệp - Cạnh tranh”, trên nền tảng văn hóa “Dân tộc - Khoa học - Đại chúng” của Đề cương về Văn hóa Việt Nam năm 1943. Người đứng đầu Chính phủ cũng nhấn mạnh, cần nhận diện thời cơ, thách thức của CNVH Việt Nam trong thời gian tới. Đặc biệt, chúng ta có thể học tập được gì từ những quốc gia đã thành công trong phát triển CNVH? “Những sản phẩm, dịch vụ nào cần tập trung đầu tư để tạo hiệu quả và sức lan tỏa cao? Phát triển thương hiệu quốc gia trong các lĩnh vực CNVH như thế nào? Đâu là những giải pháp phát triển nguồn nhân lực cho ngành CNVH cả về số lượng và chất lượng? Đã đến lúc cần thiết xây dựng một Chiến lược phát triển CNVH cho giai đoạn mới với tầm nhìn dài hạn, giải pháp đồng bộ hơn?...”, Thủ tướng nêu ra những câu hỏi, đồng thời cũng gợi mở tầm nhìn cho việc kiến tạo động lực mới cho phát triển CNVH trong thời gian tới.
Ba nhiệm vụ trọng tâm, sáu giải pháp đột phá
Trình bày báo cáo trung tâm tại Hội nghị, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh, từ những ý kiến đóng góp và chỉ đạo tại Hội nghị này, Bộ VHTTDL cùng các Bộ, ngành, địa phương sẽ tổ chức thực hiện, phát huy tối đa vai trò, vị trí và sứ mệnh của các ngành CNVH trong phát triển đất nước.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng trình bày báo cáo trung tâm tại Hội nghị Ảnh: NHẬT BẮC
Đặc biệt, đây là Hội nghị đầu tiên về CNVH ở quy mô toàn quốc được Thủ tướng Chính phủ gợi mở, giao nhiệm vụ cho Bộ VHTTDL nghiên cứu, tham mưu, chuẩn bị kỹ lưỡng để tổ chức với yêu cầu “không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm, có mỏ vàng đừng để bị lãng quên”. “Văn kiện Đại hội lần thứXIII của Đảng đãnhấn mạnh: “Khẩn trương triển khai phát triển cótrọng tâm, trọng điểm ngành công nghiệp văn hóa vàdịch vụvăn hóa trên cơ sởxác định vàphát huy sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam, vận dụng cóhiệu quảcác giátrịvàthành tựu mới của văn hóa, khoa học, kỹthuật, công nghệcủa thếgiới”…”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nêu.
Nhìn lại chặng đường 7 năm kể từ khi Chiến lược phát triển các ngành CNVH Việt Nam ban hành kèm theo Quyết định số 1755/QĐ-TTg, các ngành CNVH Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả nổi bật. Trong giai đoạn 2018-2022, giá trị sản xuất của các ngành CNVH Việt Nam đóng góp ước đạt 1,059 triệu tỉ đồng (44 tỉ USD). So sánh số liệu thống kê sau 7 năm của chúng ta với tình hình chung trên thế giới, có thể thấy, Việt Nam đang là quốc gia tầm trung về phát triển CNVH và còn nhiều dư địa phát triển. CNVH đang mang đến sự thay đổi cơ cấu của các ngành có liên quan, tiếp đó là sự thay đổi cơ cấu ngành kinh tế. Sự xuất hiện của các trung tâm CNVH, các thành phố sáng tạo đã và đang làm thay đổi cơ cấu vùng kinh tế. Các doanh nghiệp văn hóa, bao gồm các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ngày càng xuất hiện nhiều hơn. Đặc biệt, CNVH đã có nhiều đóng góp trong công tác quảng bá hình ảnh, bản sắc và gia tăng sức hấp dẫn, thuyết phục của sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam.
Tuy nhiên, việc phát triển các ngành CNVH vẫn còn nhiều bất cập, thách thức. Hiện chưa có một văn bản pháp luật nào quy định thực hiện nội dung quản lý nhà nước về CNVH; còn thiếu các cơ chế, chính sách cụ thể, phù hợp về thu hút nguồn vốn, phát triển nguồn lực để hỗ trợ, thúc đẩy các ngành CNVH phát triển. Cùng với đó, nguồn lực đầu tư mang tính dàn trải, chưa có trọng tâm, trọng điểm, chưa tập trung phát triển một số lĩnh vực chuyên ngành có lợi thế, tiềm năng nhằm tạo ra các sản phẩm chủ lực, trọng tâm. Nguồn nhân lực còn thiếu về số lượng và chất lượng; chưa có chỉ số thống kê về ngành CNVH trong hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia…
Ba nhiệm vụ trọng tâm, sáu giải pháp đột phá đã được Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nêu rõ trong đề xuất các mục tiêu thời gian tới. Theo đó, phát triển các ngành CNVH Việt Nam trở thành ngành kinh tế quan trọng, tập trung phát triển có trọng tâm, trọng điểm một số ngành CNVH có tiềm năng, lợi thế nhằm đạt mục tiêu các ngành CNVH đóng góp 7% GDP và tiếp tục góp phần phát triển kinh tế - xã hội của cả nước. Xây dựng và phát triển các sản phẩm, dịch vụ CNVH đa dạng, chất lượng cao dựa trên yếu tố đổi mới, sáng tạo, văn hóa truyền thống và tôn trọng bản quyền; nâng cao giá trị của các sản phẩm, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ, tiêu dùng văn hóa của người dân trong nước và xuất khẩu; góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam; xác lập được các thương hiệu sản phẩm, dịch vụ văn hóa. Xác định lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm phát triển CNVH dựa trên lợi thế sẵn có của Việt Nam, có khả năng cạnh tranh trong khu vực và quốc tế. Hình thành các trung tâm CNVH trọng điểm, như tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM; định hình, mở rộng và phát triển mạng lưới các thành phố sáng tạo trên cả nước…
Các giải pháp trọng tâm được nêu rõ: Quán triệt sâu sắc quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước nhằm nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí của CNVH trong phát triển kinh tế - xã hội. Tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện khung khổ pháp lý, “khơi thông” nguồn lực thúc đẩy CNVH phát triển như chính sách ưu đãi về vốn, khuyến khích sáng tạo đối với văn nghệ sĩ, các doanh nghiệp khởi nghiệp… Tập trung xây dựng mạng lưới các doanh nghiệp sáng tạo, có thương hiệu, đủ sức cạnh tranh ở những lĩnh vực có tiềm năng, thế mạnh; tạo nhiều sản phẩm văn hóa có chất lượng cao tham gia thị trường văn hóa trong nước và quốc tế. Chú trọng công tác đào tạo nguồn nhân lực; bổ sung Chỉ số thống kê về ngành CNVH vào hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia…
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh, quá trình triển khai đòi hỏi sự phối hợp chủ động, thường xuyên, chặt chẽ, giữa các Bộ, ngành, địa phương, giữa các lĩnh vực trong công tác quy hoạch, xây dựng các chương trình, đề án, dự án phát triển các ngành CNVH.
Khí thế mới, động lực mới trong phát triển CNVH
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay, tạo tiền đề quan trọng để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phát triển nền văn hóa, văn học nghệ thuật Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, trong đó có CNVH.
Nhưng bên cạnh đó cũng còn nhiều hạn chế, trong đó, CNVH chưa tạo ra các sản phẩm và dịch vụ thật hấp dẫn, đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn của người dân. Thủ tướng chỉ ra hạn chế về thiếu những sản phẩm, tác phẩm lớn, phản ánh hơi thở cuộc sống, sự phát triển của đất nước; một số tác phẩm có biểu hiện “lệch chuẩn”... nên phim nước ngoài chiếm trên 70% phim chiếu rạp, truyền hình cũng chủ yếu là phim nước ngoài. “Nhân tài của chúng ta không thiếu, nhưng chính sách để phát huy tối đa tài năng thì còn có hạn”, Thủ tướng chia sẻ. Thủ tướng nêu quan điểm phát triển các ngành CNVH cùng 10 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm với tinh thần chung là các cấp, các ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức cần quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, hành động quyết liệt, hiệu quả hơn, có trọng tâm, trọng điểm hơn nữa; chủ động, phối hợp chặt chẽ, tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nhằm phát triển mạnh mẽ các ngành CNVH, khuyến khích mọi sự tìm tòi, sáng tạo, tôn trọng tự do sáng tạo; chú trọng những ngành có nhiều tiềm năng, lợi thế, như điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, du lịch văn hóa, thủ công mỹ nghệ, thiết kế, phần mềm và các trò chơi giải trí…, để đến năm 2030 giá trị gia tăng của các ngành CNVH đóng góp cao vào GDP.
Thủ tướng chỉ đạo, các Bộ, ngành, cơ quan, địa phương tiếp tục cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, hoàn thiện thể chế, tăng cường quản lý nhà nước, xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi, cách tiếp cận phù hợp, bình đẳng về chính sách thuế, đầu tư, đất đai, tiếp cận tín dụng và các chính sách khác. Thủ tướng giao Bộ VHTTDL chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan, địa phương liên quan tập trung hoàn thiện, trình dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy mạnh phát triển các ngành CNVH, trong đó đề cập nhiệm vụ ban hành Chiến lược phát triển các ngành CNVH trong giai đoạn mới. Bên cạnh đó, xây dựng sản phẩm, dịch vụ CNVH đặc trưng gắn với vùng miền, địa phương, đồng thời tham gia hiệu quả vào chuỗi cung ứng của hoạt động du lịch văn hóa. Nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách cụ thể hỗ trợ, khuyến khích tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tham gia phát triển CNVH, tham gia sáng tạo sản phẩm văn hóa; nhất là cho những lĩnh vực ưu tiên như điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, du lịch văn hóa; các doanh nghiệp vừa và nhỏ; nghiên cứu thành lập các quỹ hỗ trợ đầu tư phát triển sáng tạo…
Thủ tướng yêu cầu các cơ quan tính toán dành gói tín dụng ưu đãi, trước mắt khoảng 20-30 nghìn tỉ đồng cho CNVH. Bộ Tài chính, Bộ KH&ĐT, Ngân hàng Nhà nước chủ trì, phối hợp với Bộ VHTTDL và các Bộ, ngành, địa phương nghiên cứu, đề xuất xây dựng, hoàn thiện các cơ chế, chính sách liên quan, trong đó chính sách ưu đãi đầu tư, hợp tác công - tư, quản lý tài sản công, thuế, hoàn thuế giá trị gia tăng, tiếp cận tín dụng đối với doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư vào các ngành CNVH…
“Một Hội nghị không thể giải quyết được tất cả các vấn đề đặt ra, nhưng tin tưởng rằng sau Hội nghị này, chúng ta sẽ vững tin hơn, có khí thế mới, động lực mới để phát triển ngành CNVH…”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.
PHƯƠNG ANH - THU SÂM