Đà Nẵng:
Tích cực xây dựng trường học an toàn, xanh sạch
VHO - Nỗ lực thực hiện các phong trào về xây dựng trường học xanh - sạch - an toàn, học sinh các trường học trên địa bàn TP. Đà Nẵng đã được nâng cao kiến thức về bảo vệ cảnh quan, tạo hành vi thân thiện với môi trường, làm sạch không gian học tập.
Năm 2024, Hòa Vang là một trong 5 quận, huyện trên địa bàn Đà Nẵng triển khai thí điểm Trường học xanh ở 3 trường TH và 2 trường THCS.
Từ năm 2019, địa phương này đã có 19/19 trường TH được công nhận Trường học xanh theo Bộ Tiêu chuẩn do UBND TP. Đà Nẵng ban hành.
Để hỗ trợ các trường học, Phòng TN&MT huyện Hòa Vang đã hỗ trợ tập huấn về ủ phân vi sinh cho các đơn vị, mục tiêu là xử lý rác hữu cơ (chủ yếu là lá cây), hỗ trợ kinh phí xây dựng hố ủ phân tại các trường học.
Trên địa bàn thành phố Đà Nẵng có 20 trường TH, THCS lựa chọn triển khai mô hình Trường học xanh.
Tại trường TH Phan Phu Tiên (quận Liên Chiểu), Câu lạc bộ Bảo vệ môi trường (CLB) được triển khai rộng rãi tại trường đã thu hút sự tham gia, quan tâm của các thầy cô giáo và các em học sinh.
Từ các buổi sinh hoạt CLB Bảo vệ môi trường, học sinh và thầy cô giáo đã có nhiều kiến thức, chuyển biến trong hành động bảo vệ môi trường sống, xây dựng mảng xanh phủ bóng trường học.
Tham gia CLB Môi trường, em Trần Nguyễn Hiếu Hạnh (học sinh lớp 5/8 trường TH Phan Phu Tiên) đã biết sáng tạo, tự tay làm chiếc lồng đèn trung thu từ que kem, ly nhựa, giấy báo đã qua sử dụng.

Hạnh cùng các thành viên còn được các thầy cô và các anh chị trong Chi đoàn dạy những kiến thức mới mẻ về phân loại, tái chế rác, tác hại của rác thải nhựa đối với môi trường.
Từ kiến thức mởi mẻ học được, các em trở thành nhân tố để lan tỏa về lối sống xanh, giảm nhựa trong trường học, nhắc nhở các bạn cùng thực hành thói quen phân loại rác, bỏ rác đúng nơi quy định.
Hạnh tự hào chia sẻ: “Qua những hoạt động mà chúng em đã được tham gia tại trường và vận dụng thực hành tại nhà, lượng rác thải ra ngày càng ít đi.
Em và các bạn đã bắt đầu hình thành các thói quen tốt như sử dụng rác thải hữu cơ để bón cho cây xanh, sử dụng giỏ đi chợ để hạn chế bao nilong, sử dụng bình nước cá nhân để hạn chế chai nhựa.
Khi về nhà em cũng hay cùng cha mẹ trao đổi về những hành động tốt hoặc không tốt trong việc giữ gìn vệ sinh đúng cách, từ đó hiểu ra từ việc làm nhỏ bé cũng có tác dụng lớn vào việc giảm thải rác”.
Tại trường Tiểu học Phạm Hồng Thái (quận Ngũ Hành Sơn), việc phân loại rác đúng cách, tái chế vật liệu… không chỉ giúp học sinh hiểu sâu quy trình, giảm thiểu rác thải mà còn kích thích khả năng sáng tạo cho các em.
Để giảm rác thải ra môi trường, nhà trường đã chủ động phân loại rác và dành một khoảng đất trống trong trường để đào hố, ủ rác hữu cơ, những sản phẩm này sẽ là phân hữu cơ cho vườn rau của trường.

Cũng được chọn tham gia thí điểm chương trình Trường học xanh năm 2024, Trường THCS Lê Hồng Phong (quận Hải Châu) đã xây dựng kế hoạch cụ thể, lập ban chỉ đạo và có các quy định giảm thải nhựa để phổ biến đến các học sinh, phụ huynh.
Song song đó, nhà trường củng cố hệ thống cơ sở vật chất để phục vụ cho mô hình Trường học xanh, như thay thế các sản phẩm dùng một lần, trang bị hệ thống lọc nước để lấy nước vào bình cá nhân, dán nhãn phân loại cho các thùng rác lớp học phù hợp với cách phân loại và xử lý của nhà trường.
Kiểm toán rác, theo dõi lượng rác phát sinh trong trường hàng tháng, tổ chức giải bóng đá không sử dụng đồ nhựa dùng 1 lần, tổ chức lễ hội ẩm thực hạn chế rác.
Chú trọng thực hành hình thành thói quen cho các em trong việc quản lý rác thải, khuyến khích cách ứng xử phù hợp với rác thải góp phần xây dựng môi trường học tập xanh - sạch - đẹp - an toàn…
Qua mỗi lần kiểm kê rác định kỳ, lượng rác thải và đặc biệt là rác thải nhựa trong trường giảm đi đáng kể.
Thầy Đặng Ngọc Lam, Hiệu trưởng THCS Lê Hồng Phong (quận Hải Châu) chia sẻ về các hoạt động bảo vệ môi trường của học sinh:
“Nhà trường mong muốn các em hiểu được rằng học giỏi thôi chưa đủ mà cần phải có các kỹ năng.
Đáng mừng là càng ngày các em càng xây dựng được thói quen, hình thành trách nhiệm bảo vệ môi trường, biết cách tự bảo vệ sức khỏe của chính mình và người thân, người xung quanh”.
Thực hiện mục tiêu xây dựng môi trường xanh trong nhà trường, trường THCS Nguyễn Huệ (quận Hải Châu) đã khuyến khích, đề ra quy định về phân loại rác ngay từ đầu nhằm tiết kiệm thời gian, tránh việc dồn ứ mất vệ sinh, đồng thời đảm bảo cảnh quan của trường.
Trường cũng tổ chức tuyên truyền để cha mẹ học sinh nhận thức đúng về việc xây dựng trường học xanh, sạch, đẹp, an toàn và tích cực.
Theo cô Huỳnh Thị Thu Nguyệt, Hiệu trưởng Trường THCS Lê Đình Chinh, hàng tuần, nhà trường tổ chức cho học sinh vừa chăm sóc cây xanh, vừa nhặt và phân loại rác thải, dạy các em cách tưới cây làm sao cho đủ mà vẫn tiết kiệm nước.
Dạy các em không bẻ cành, hái hoa mà phải cùng nhà trường bảo vệ cây cối. Khuyến khích, tạo thói quen cho các em nhặt rác quanh khuôn viên trường học, tạo ý thức cho các em không xả rác bừa bãi.
Tại chương trình đánh giá và tổng kết triển khai các giải pháp tiềm năng xây dựng trường học an toàn, sạch, xanh, diễn ra tại thành phố Đà Nẵng, nhiều dự án đã được các em học sinh tự lên ý tưởng, triển khai như:
Giấy tái chế - đất tươi xanh, ngôi nhà 200 đồng, ứng dụng AI xây dựng hệ thống thu gom pin, thư viện di động, giấy làm từ bã mía, cỏ dại, viên khử mùi bằng bã cà-phê; bữa cơm xanh…
Những hoạt động đó đã chứng minh sự quyết tâm, tự giác của học sinh và các trường học trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đối với trách nhiệm bảo vệ môi trường tương lai.