Gắn kết nhà trường, gia đình và cộng đồng trong xây dựng trường học xanh
VHO - Hướng đến mô hình trường học xanh, sạch, an toàn, các trường tại TP Đà Nẵng đã có nhiều chuyển biến tích cực, giúp học sinh không chỉ tiếp thu kiến thức mà còn rèn luyện thói quen bảo vệ môi trường sống ngay từ khi còn nhỏ. Những thói quen này sẽ được các em lan tỏa về đến gia đình và cộng đồng…

Năm 2024, huyện Hòa Vang là một trong năm địa phương thí điểm mô hình “Trường học xanh”, với ba trường tiểu học và hai trường THCS tham gia. Trước đó, từ năm 2019, toàn bộ 19 trường tiểu học trên địa bàn huyện đã đạt chuẩn theo Bộ Tiêu chuẩn của UBND TP Đà Nẵng.
Để hỗ trợ các trường, Phòng Tài nguyên & Môi trường huyện đã tổ chức tập huấn ủ phân vi sinh, xử lý rác hữu cơ, đồng thời hỗ trợ kinh phí xây dựng hố ủ phân tại trường.
Trên toàn TP, 20 trường TH và THCS đang triển khai mô hình này. Điển hình, Trường Tiểu học Phan Phu Tiên (quận Liên Chiểu) thành lập CLB Bảo vệ môi trường, thu hút đông đảo học sinh và giáo viên tham gia.
Qua các buổi sinh hoạt, học sinh không chỉ được trang bị kiến thức mà còn thực hành phân loại rác, tái chế vật liệu, sử dụng túi vải thay bao nilon, bình nước cá nhân thay chai nhựa…
Tại Trường Tiểu học Phạm Hồng Thái (quận Ngũ Hành Sơn), việc phân loại rác, tái chế vật liệu đã giúp học sinh hiểu rõ quy trình xử lý rác, đồng thời kích thích tư duy sáng tạo của các em.
Nhà trường đã chủ động đào hố ủ rác hữu cơ ngay trong khuôn viên, tạo nguồn phân bón tự nhiên cho vườn rau của trường, giúp giảm thiểu rác thải và nâng cao ý thức bảo vệ môi trường.
Trường THCS Lê Hồng Phong (quận Hải Châu), một trong những đơn vị tham gia thí điểm “Trường học xanh”, đã xây dựng kế hoạch cụ thể với nhiều hoạt động thiết thực.
Nhà trường đưa ra quy định giảm thải nhựa, thay thế sản phẩm dùng một lần, lắp đặt hệ thống lọc nước để khuyến khích học sinh sử dụng bình cá nhân.
Đồng thời, các lớp học đều được trang bị thùng rác phân loại, kiểm toán lượng rác phát sinh hằng tháng, giúp các em hình thành ý thức quản lý rác hiệu quả.
Thầy Đặng Ngọc Lam, Hiệu trưởng Trường THCS Lê Hồng Phong, nhấn mạnh: “Chúng tôi muốn học sinh không chỉ học giỏi mà còn phát triển kỹ năng sống, có trách nhiệm với môi trường và lan tỏa những thói quen tốt đến gia đình, cộng đồng”.
Tại Trường THCS Nguyễn Huệ (quận Hải Châu), việc phân loại rác tại nguồn được triển khai ngay từ đầu, giúp học sinh hình thành thói quen tốt. Sự phối hợp với gia đình đã nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của các em, góp phần giữ gìn cảnh quan trường học sạch đẹp, hạn chế rác thải dồn ứ.
Không chỉ dừng lại ở học sinh, nhà trường còn tích cực tuyên truyền đến phụ huynh, giúp họ nhận thức rõ tầm quan trọng của việc xây dựng trường học xanh, sạch, an toàn.
Trường THCS Lê Đình Chinh cũng triển khai nhiều hoạt động thực tiễn, hướng dẫn học sinh tiết kiệm nước, bảo vệ cây xanh, phân loại và xử lý rác đúng cách.
Nhờ đó, các em không chỉ tự giác thu gom rác hằng ngày mà còn hình thành ý thức không xả rác bừa bãi, góp phần lan tỏa lối sống xanh đến gia đình và xã hội.
Sự chủ động của học sinh còn thể hiện rõ trong chương trình đánh giá và tổng kết các giải pháp xây dựng trường học xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu do Thành đoàn Đà Nẵng phối hợp với UNICEF Việt Nam tổ chức.
Tại đây, nhiều ý tưởng sáng tạo đã ra đời như: Giấy tái chế - Đất tươi xanh, Ngôi nhà 200 đồng, Ứng dụng AI thu gom pin, Thư viện di động, Giấy làm từ bã mía và cỏ dại, Viên khử mùi từ bã cà phê, Bữa cơm xanh…
Những dự án này thể hiện tinh thần tự giác, trách nhiệm của học sinh và sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường - gia đình - cộng đồng trong hành trình bảo vệ môi trường, hướng tới một tương lai xanh bền vững.