Kỷ nguyên vươn mình:
Thách thức và cơ hội cho TP.HCM và Đông Nam Bộ trong giai đoạn phát triển mới
VHO - Ngày 23.12, Hội đồng Tư vấn triển khai thực hiện Nghị quyết số 98/2023/QH15 và Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM tổ chức Hội thảo khoa học “Kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam - Những vấn đề đặt ra cho TP.HCM và Đông Nam Bộ”. Hội thảo có sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp. Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi tham dự và phát biểu tại Hội nghị.
Phát biểu chào mừng, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi nhấn mạnh: Trong bối cảnh đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc nhằm phát triển kinh tế, đẩy lùi nguy cơ tụt hậu, tránh bẫy thu nhập trung bình, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có những thông điệp và yêu cầu đột phá mạnh mẽ về thể chế phát triển, khơi thông nguồn lực, ưu tiên xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, đẩy mạnh công nghệ chiến lược, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, lấy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo làm động lực chính cho phát triển.
Là đầu tàu kinh tế và nhiều lĩnh vực, TP.HCM càng phải thể hiện rõ vị thế, vai trò của mình. Đây được xem là thời cơ và cơ hội để Thành phố khơi dậy truyền thống năng động, sáng tạo; là thời cơ để Thành phố hiện thực hóa khát vọng phát triển bứt phá, tương xứng với tầm vóc, sứ mệnh, vai trò đầu tàu kinh tế của chính mình.
“Rõ ràng, Thành phố chúng ta đang phải giải quyết bài toán đa mục tiêu, phát triển kinh tế nhưng đồng thời phải đảm bảo mục tiêu bảo vệ môi trường và an sinh xã hội, hướng đến phát triển bền vững. Đây là bài toán khó khi nguồn lực còn nhiều hạn chế”, Chủ tịch Phan Văn Mãi chia sẻ và mong muốn các đại biểu tại hội thảo thảo luận về các vấn đề quan trọng.
Trong đó, xác định các trụ cột phát triển kỷ nguyên vươn mình của Thành phố, đổi mới tư duy từ những khâu then chốt nào, và giải pháp khơi thông nguồn lực xã hội cho công cuộc xây dựng Thành phố.
Bên cạnh đó, cần tìm giải pháp triển khai hiệu quả Nghị quyết 98/NQ-QH15, đặc biệt trong việc thu hút nhà đầu tư chiến lược, hợp tác công tư trong các lĩnh vực văn hóa thể thao, và triển khai các hình thức TOD, BOT để hoàn thiện cơ sở hạ tầng. Các vấn đề khác như tinh gọn bộ máy và xây dựng đô thị đặc biệt cũng cần được xem xét.
Theo TS Trương Minh Huy Vũ - Phó Chủ tịch Hội đồng Tư vấn triển khai Nghị định số 98/2023/QH15; Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, kỷ nguyên mới – kỷ nguyên vươn mình của dân tộc được Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh là kỷ nguyên phát triển thịnh vượng dưới sự lãnh đạo, cầm quyền của Đảng Cộng sản, hướng đến mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, sánh vai với các cường quốc năm châu.
Trong đó, “…ưu tiên hàng đầu là thực hiện thắng lợi các mục tiêu chiến lược đến năm 2030, Việt Nam trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước xã hội chủ nghĩa phát triển, có thu nhập cao; khơi đây mạnh mẽ hào khí dân tộc, tinh thần tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc, khát vọng phát triển đất nước; kết hợp chặt chẽ sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại”.
Thời điểm bắt đầu kỷ nguyên vươn mình được xác định là Đại hội XIV của Đảng. Trong bối cảnh thế giới đang trong thời kỳ thay đổi có tính thời đại, Việt Nam cần tranh thủ tối đa cơ hội thuận lợi, đẩy lùi nguy cơ thách thức.
Định hướng chiến lược tập trung vào 7 nội dung: Cải tiến phương thức lãnh đạo của Đảng; Tăng cường tính đảng trong xây dựng Nhà nước pháp quyền; Tinh gọn bộ máy hiệu quả; Chuyển đổi số; Chống lãng phí; Xây dựng đội ngũ cán bộ năng lực; Phát triển kinh tế, đẩy lùi nguy cơ tụt hậu.
Theo đó, kỷ nguyên vươn mình là bước phát triển tất yếu, hợp quy luật vân động của cách mạng Việt Nam và xu thế phát triển của thời đại. TP.HCM nói riêng và vùng Đông Nam Bộ nói chung không đứng ngoài vận hội của quốc gia.
TP.HCM đã khẳng định vị thế trong nền kinh tế - xã hội cả nước, với tốc độ tăng trưởng cao và ổn định, cơ cấu chuyển dịch đúng hướng, cải thiện đời sống và bảo đảm an ninh trật tự. Tuy nhiên, Thành phố đối mặt với thách thức suy giảm vị thế.
Trong bối cảnh trên, ngày 20.12.2022, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 31-NQ/TW, đề ra mục tiêu phát triển TP.HCM trở thành thành phố văn minh, hiện đại, năng động, sáng tạo, đầu tàu về kinh tế số, trung tâm kinh tế, tài chính, văn hóa, giáo dục, khoa học – công nghệ.
Để đạt mục tiêu, cần tháo gỡ các điểm nghẽn về thể chế và hạ tầng, tập trung xây dựng công vụ và triển khai các dự án trọng điểm theo các quy hoạch đã được phê duyệt.
Các cơ chế, chính sách đặc thù cho TP.HCM đã được ban hành, tạo tiền đề cởi trói thể chế, huy động nguồn lực xã hội, cải cách hành chính, duy trì tốc độ tăng trưởng và nâng cao đời sống, củng cố quốc phòng, an ninh, đối ngoại, hướng đến phát triển ngang tầm các đô thị lớn trên thế giới.
Vùng Đông Nam Bộ, với TP.HCM là hạt nhân tăng trưởng, có vị trí chiến lược quan trọng về kinh tế, chính trị, xã hội, quốc phòng. Tuy nhiên, mặc dù có tiềm năng vượt trội, liên kết vùng còn nhiều bất cập, thể hiện qua sự suy giảm tốc độ tăng trưởng gần đây. Nguyên nhân chính là do thiếu đồng bộ trong kết cấu hạ tầng, chậm tiến độ giải ngân đầu tư công, và tình trạng cạnh tranh nội vùng, dẫn đến triệt tiêu lợi thế chung.
Để giải quyết những thách thức này, Nghị quyết số 24-NQ/TW (7.10.2022) đề ra các nhiệm vụ và giải pháp đột phá, cho phép thí điểm cơ chế mới phù hợp với xu thế phát triển kinh tế xanh và kinh tế số. Mục tiêu là đưa Đông Nam Bộ trở thành vùng phát triển năng động, có tốc độ tăng trưởng cao nhất cả nước, với trung tâm khoa học công nghệ, công nghiệp công nghệ cao, logistics và tài chính quốc tế có tính cạnh tranh cao.
Dù đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận trong phát triển kinh tế - xã hội, TP.HCM và vùng Đông Nam Bộ vẫn đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức. Cần có nỗ lực lớn để khắc phục, tháo gỡ và khai thác tiềm năng, đặc biệt thông qua triển khai các chiến lược phát triển mới.
Phát triển kinh tế xanh và kinh tế số, cùng với sự đồng thuận và quyết tâm cao độ của hệ thống chính trị, sẽ là chìa khóa để TP.HCM và vùng Đông Nam Bộ tiến vào thời kỳ phát triển mới, vươn lên cùng khát vọng của dân tộc.