Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng:
TP.HCM cần tiếp tục tháo gỡ những điểm nghẽn, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi trong lĩnh vực VHTT
VHO - Ngày 15.10, tại Hội trường TP.HCM, UBND TP tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư vào các dự án thuộc ngành văn hóa và thể thao (VHTT) TP.HCM năm 2024. Đây là lần đầu tiên TP.HCM tổ chức Hội nghị có ý nghĩa quan trọng này.
Dự Hội nghị có các Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng: Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi. Tham dự Hội nghị còn có đông đảo đại biểu của cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư, các cơ quan lãnh sự, hiệp hội và doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Các thiết chế về VHTT chưa được đầu tư và phát triển tương xứng
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi nói rằng: TP.HCM là một đô thị đặc biệt, là trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội… Tiềm năng phát triển về công nghiệp văn hóa là rất lớn nhưng TP khai thác chưa đúng mức. Các thiết chế về VHTT so với yêu cầu của một đô thị trung tâm, chưa được đầu tư và phát triển tương xứng.
“Có thể nói đến giờ này, TP.HCM vẫn chưa tổ chức được những sự kiện lớn như đăng cai SEA Games hoặc các sự kiện cấp châu lục, thế giới. TP.HCM cũng chưa phải là địa điểm được chọn để tổ chức các sự kiện về văn hóa - nghệ thuật lớn, tầm vóc khu vực…
Đây là điều mà đứng góc độ chính quyền Thành phố, chúng tôi rất băn khoăn. Chúng tôi mong muốn cùng các nhà đầu tư, các bên có liên quan cùng giải bài toán này, để trong thời gian ngắn, đến năm 2030, TP.HCM sẽ có được cơ sở vật chất đủ sức trở thành trung tâm sự kiện tầm châu lục hay khu vực, có được thiết chế về VHTT hiện đại, để phát triển hơn nữa ngành công nghiệp văn hóa”, ông Phan Văn Mãi nhấn mạnh.
Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, lãnh đạo Thành phố nhận thức sâu sắc rằng, một môi trường đầu tư tốt đối với các nhà đầu tư, doanh nghiệp không chỉ dừng lại ở các chính sách ưu đãi, hấp dẫn, mà trên hết, đó là sự đồng hành và hỗ trợ kịp thời của chính quyền Thành phố.
TP.HCM được Trung ương quan tâm có những cơ chế đặc biệt hơn so với mặt bằng chung với cả nước. Gần đây, Thành phố được Quốc hội ban hành Nghị quyết 98 với những cơ chế, chính sách để thu hút đầu tư trên lĩnh vực văn hóa – xã hội, vận dụng những cơ chế chính sách này, Thành phố tiếp tục cụ thể hóa để tạo được điều kiện thuận lợi hơn cho đầu tư lĩnh vực văn hóa nói chung và công nghiệp văn hóa nói riêng.
Theo UBND TP.HCM, tính đến cuối năm 2023, trên địa bàn thành phố có 12.398 dự án đầu tư nước ngoài đến từ 122 quốc gia và vùng lãnh thổ còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư kể cả cấp mới và tăng vốn là hơn 57,6 tỷ USD (TP.HCM dẫn đầu về số dự án còn hiệu lực so với cả nước).
Có thể nói đến giờ này, TP.HCM vẫn chưa tổ chức được những sự kiện lớn như đăng cai SEA Games hoặc các sự kiện cấp châu lục, thế giới. TP.HCM cũng chưa phải là địa điểm được chọn để tổ chức các sự kiện về văn hóa - nghệ thuật lớn, tầm vóc khu vực…
Đây là điều mà đứng góc độ chính quyền Thành phố, chúng tôi rất băn khoăn. Các thiết chế về VHTT so với yêu cầu của một đô thị trung tâm, chưa được đầu tư và phát triển tương xứng.
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi
Đây là kết quả rất đáng khích lệ trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu vẫn đang tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức. Với những kết quả đạt được, TP.HCM được đánh giá là một trong những địa phương có nhiều nỗ lực trong tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, minh bạch và là điểm đến tin cậy của nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Hội nghị xúc tiến đầu tư là dịp để TP.HCM giới thiệu về định hướng phát triển công nghiệp văn hóa, về chính sách thu hút đầu tư vào lĩnh vực này và cũng mong muốn qua đây có sự trao đổi, lắng nghe ý kiến của các nhà văn hóa, các nhà đầu tư để giúp Thành phố hoàn thiện hơn cơ chế chính sách, chiến lược phát triển văn hóa nói chung, công nghiệp văn hóa nói riêng.
Đồng thời kêu gọi các nhà đầu tư tham gia trên lĩnh vực này - vốn là lĩnh vực không phải sinh nhiều lợi nhuận mà phải bằng tình cảm, bằng đam mê, trách nhiệm…
Do vậy, sự đồng hành của chính quyền sẽ tạo những điều kiện về môi trường kinh doanh, cơ chế chính sách. Không chỉ là chính sách ưu tiên trong đầu tư, mà còn là sự cam kết cùng nhau để chính quyền và nhà đầu tư đi tiếp một hành trình dài trong quãng đời của dự án.
Ưu tiên thực hiện 5 dự án VHTT có tính khả thi cao
Tại hội nghị, Giám đốc Sở VHTT TP.HCM Trần Thế Thuận cho hay, TP.HCM đang đề xuất kêu gọi đầu tư đối với 40 dự án, trong đó, có 23 dự án được HĐND TP thông qua danh mục đầu tư.
Trong số này, có 5 dự án có tính khả thi cao sẽ ưu tiên thực hiện trước, 18 dự án còn lại thành phố mời gọi nhà đầu tư quan tâm, cùng nghiên cứu, đề xuất phương án đầu tư hiệu quả, trong đó có nhiều dự án trọng điểm, quy mô lớn tại Khu Liên hợp TDTT Quốc gia Rạch Chiếc, tại Khu Trường đua Phú Thọ… Các dự án này được kỳ vọng sẽ trở thành biểu tượng mới của TP.HCM.
Theo Giám đốc Sở VHTT TP.HCM, 5 dự án có tính khả thi cao sẽ ưu tiên thực hiện trước, bao gồm:
Dự án Trung tâm Văn hóa – Nghệ thuật TP.HCM tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm; Dự án Khu phức hợp Trung tâm Văn hóa thiếu nhi Đa năng – Rạp chiếu phim; Dự án Trung tâm văn hóa – thể thao đa năng TP.HCM tại huyện Cần Giờ; Dự án xây dựng mới Nhà hát Gia Định và Dự án Trung tâm Văn hóa Thành phố.
Tại hội nghị, bên cạnh việc mời gọi đầu tư xây dựng các thiết chế VHTT nêu trên, Sở VHTT cũng đã giới thiệu về Đề án phát triển ngành công nghiệp văn hóa TP.HCM đến năm 2030.
Trên cơ sở đánh giá tiềm năng, lợi thế và tính chất đặc thù, năng lực cạnh tranh, TP.HCM đã chọn 8 lĩnh vực để ưu tiên phát triển công nghiệp văn hóa đến năm 2030 (gồm Điện ảnh, Nghệ thuật biểu diễn, Mỹ thuật, Nhiếp ảnh, Triển lãm, Quảng cáo, Du lịch văn hóa và Thời trang).
Mục tiêu của Đề án nhằm phát triển đa dạng, đồng bộ và hiện đại tất cả các ngành công nghiệp văn hóa một cách bền vững, ứng dụng công nghệ tiên tiến; các sản phẩm, dịch vụ văn hóa của Thành phố có thương hiệu uy tín trong khu vực và quốc tế.
Cùng với đó, tiệm cận tiêu chuẩn quốc tế, tham gia sâu rộng vào chuỗi giá trị sản phẩm, dịch vụ văn hóa toàn cầu; hỗ trợ xây dựng các mô hình đầu tư và kinh doanh, hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo.
Tại Hội nghị, các vấn đề liên quan đến đầu tư vào các dự án thuộc ngành VHTT được các nhà đầu tư, doanh nghiệp quan tâm trao đổi (các nội dung về thuế, thủ tục pháp lý, cơ quan hướng dẫn thủ tục, tham quan thực tế vị trí dự án…).
Lãnh đạo UBND TP đã trực tiếp trao đổi, giải đáp các vấn đề được nhà đầu tư quan tâm. Sở KH&ĐT cũng đã trình bày về quy trình thực hiện và hiệu quả đầu tư các dự án hình thức đối tác công tư (PPP).
Hình thành môi trường kinh doanh thuận lợi trong đầu tư lĩnh vực VHTT
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh, TP.HCM là nơi hội tụ tiềm năng, lợi thế để phát triển toàn diện về kinh tế, văn hóa xã hội, nhất là các ngành công nghiệp văn hóa.
TP.HCM hiện có đến 185 di tích văn hóa đã được xếp hạng và nhiều loại hình văn hóa dân gian khác. Nếu Thành phố biết khai thác, làm giàu cho tài nguyên văn hóa thì sẽ được bồi đắp, lan tỏa sức mạnh…
Thành phố cũng đã tổ chức thành công nhiều chương trình, lễ hội, sự kiện mang tầm quốc gia, quốc tế. Qua đó đã góp phần nâng cao vị thế đất nước trên trường quốc tế.
Chính vì vậy, Đảng và chính quyền, Nhân dân Thành phố đã nỗ lực, giữ vị trí đầu tàu, cần cố gắng thực hiện đẩy mạnh, tăng cường và phát huy tiềm năng, lợi thế sẵn có.
Theo Bộ trưởng, trong 12 ngành công nghiệp văn hóa được nêu tại Quyết định số 1755 của Thủ tướng Chính phủ, TP.HCM đã ưu tiên tập trung đầu tư 8 ngành để phát triển, nâng chất, tăng hàm lượng chất xám và khoa học - công nghệ cao trên từng sản phẩm.
Qua số liệu ước tính tại Đề án phát triển ngành công nghiệp văn hóa TP.HCM đến năm 2030, doanh thu đạt khoảng 7-8% GRDP, tỷ lệ giá trị gia tăng cao hơn so với chi phí sản xuất, góp phần tiết kiệm tài nguyên, kết hợp và phát huy được các yếu tố tự nhiên, văn hóa, bản sắc dân tộc, đáp ứng mục tiêu phát triển bền vững.
Và để các đề án phát triển ngành công nghiệp văn hóa tại TP.HCM đi vào thực tế có hiệu quả, các nhà đầu tư, các đơn vị liên quan cần nghiên cứu tìm kiếm thị trường cho ngành VHTT của TP.HCM.
Theo Bộ trưởng, Hội nghị là sự kiện hết sức quan trọng, có phạm vi ảnh hưởng và sức lan tỏa lớn trong thu hút đầu tư. Sự có mặt đông đảo của đại biểu trong nước và quốc tế cho thấy tiềm năng, thế mạnh và những cơ hội đầu tư vào ngành VHTT là rất lớn và hấp dẫn.
“HĐND TP.HCM đã thông qua danh mục đầu tư các dự án, công khai cho toàn xã hội, để các doanh nghiệp, nhà đầu tư tìm hiểu… Tôi cho rằng đây là một cách minh bạch. Chính quyền Thành phố đã cung cấp đầy đủ các cơ sở pháp lý, đưa ra các bài toán, vấn đề còn lại là sự bắt tay của nhà đầu tư, doanh nghiệp…
Tại Hội nghị, tôi đã lắng nghe những băn khoăn, trăn trở của các nhà đầu tư, doanh nghiệp. Chính vì vậy, tôi đề nghị trong quá trình công bố công khai các dự án đầu tư, Thành phố cần kiến nghị để tiếp tục tháo gỡ những điểm nghẽn trong thực hiện Nghị quyết 98, tiếp tục hình thành môi trường kinh doanh thuận lợi trong đầu tư cho lĩnh vực VHTT”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đề nghị.
Theo Bộ trưởng, thành công của TP.HCM trong phát triển công nghiệp văn hóa và xây dựng thiết chế VHTT hiệu quả, sẽ là tiền đề nhân rộng, hỗ trợ, thúc đẩy, khơi thông các nguồn lực để xây dựng và phát triển sự nghiệp VHTT của nước nhà.
Ông Phan Văn Mãi cho biết, tại hội nghị này, TP.HCM không chỉ mong chờ đầu tư vào các dự án lĩnh vực VHTT, mà còn mong muốn lắng nghe ý kiến của các nhà văn hóa, các nhà đầu tư để phát triển công nghiệp văn hóa.
TP.HCM mong muốn phát triển cả hệ thống sinh thái cho từng ngành để hội tụ thành trung tâm văn hóa đa dạng, giàu bản sắc.
“Thay mặt Lãnh đạo Thành phố, tôi tiếp thu ý kiến chỉ đạo của đồng chí Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng.
Chính quyền Thành phố sẽ đồng hành cùng doanh nghiệp hoàn tất các thủ tục để các dự án đề xuất đầu tư hôm nay được triển khai thuận lợi, nhanh chóng trên thực tế, giúp nâng cao chất lượng sống của Nhân dân và phát triển VHTT trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố…”, ông Mãi nhấn mạnh.