Tấm lòng dũng cảm của “rái cá” bản Lìm

PHẠM NGÂN

VHO - "Rái cá" bản Lìm luôn sẵn sàng mạo hiểm tính mạng, kịp thời cứu giúp những sinh mạng đang chìm trong nguy hiểm khi dòng nước lũ cuồn cuộn cuốn trôi. Với ông, cứu người là trách nhiệm cần phải làm khi gặp những người bị nạn.

 Tại bản Lìm, xã Châu Phong, huyện Quỳ Châu, Nghệ An, ông Hà Văn Thanh, người đàn ông vạm vỡ với làn da ngăm đen, bơi lội giỏi được bà con bản trên làng dưới biết đến và kính trọng gọi với cái tên thân thương là "rái cá". Ông là "người hùng thầm lặng" của vùng đất này, luôn sẵn sàng mạo hiểm tính mạng, xuất hiện kịp thời để cứu giúp người đang chìm trong nguy hiểm khi bị dòng nước lũ cuốn.

Ngôi nhà nhỏ của ông Thanh nằm trên một sườn đồi, nhìn ra khe Lìm, một con suối nhỏ mà vào mùa khô vẫn trong vắt, êm đềm, nhưng vào mùa mưa, lại trở thành một dòng lũ dữ dội, đầy nguy hiểm.

Tấm lòng dũng cảm của “rái cá” bản Lìm - ảnh 1
Ông Hà Văn Thanh được UBND xã Châu Phong tuyên dương, khen thưởng trong công tác cứu hộ, cứu nạn

Từ khi còn nhỏ, ông Thanh đã theo bố mẹ đi quăng lưới, bắt cá trên dòng khe Lìm. Những kỹ năng bơi lội và lặn sâu đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống. Với tinh thần dũng cảm và khả năng bơi lặn xuất sắc, ông Thanh không bao giờ ngần ngại khi có ai cần cứu giúp. "Chuyện bình thường thôi mà. Thấy người gặp nguy hiểm, tôi chỉ hành động theo bản năng, chẳng nghĩ gì nhiều," ông chia sẻ.

Trước kia, người dân ở bản Lìm, bản Lầu và một số bản lân cận phải lội qua khe Lìm khi ra trung tâm xã. Mùa mưa, nước dâng cao, và họ phải dùng bè nứa để qua lại. Mãi đến năm 2000, chiếc cầu tràn bắc qua khe Lìm mới giúp người dân thuận tiện hơn trong việc đi lại. Tuy nhiên, dù là một cầu nối quan trọng, vào mùa mưa lũ, cầu tràn lại trở thành một điểm đen, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm.

Ông nhớ mãi một lần cứu người trong cơn mưa lớn. Khi dòng nước khe Lìm dâng cao, cuồn cuộn chảy, ông nghe thấy tiếng kêu cứu thất thanh từ phía cầu. Chỉ trong chốc lát, ông lao ra ngoài, và thấy một thanh niên đang bám vào ngọn cây, thân thể chới với giữa dòng nước. 

Tấm lòng dũng cảm của “rái cá” bản Lìm - ảnh 2
Ông Thanh cùng cán bộ xã và bản Lìm tại cầu tràn, nơi xảy ra nhiều tình huống nguy hiểm trong mùa mưa lũ

Mọi người đứng nhìn từ xa, nhưng không ai dám nhảy xuống cứu vì dòng nước quá mạnh. Không chút do dự, ông ôm cái can nhựa 20 lít và lao xuống nước. Sau nhiều phút vật lộn trong dòng lũ, ông đã kéo được người thanh niên vào bờ, trong khi thân cây mà anh ta bám vào trước đó đã bị dòng nước cuốn đi. "Dù vợ và con của tôi đứng nhìn từ bờ, lo lắng, nhưng họ hiểu rằng, trong tình huống ấy, cứu người là điều quan trọng nhất," ông Thanh nói.

Một lần khác vào năm 2005, sau một cơn mưa lớn, nước khe Lìm dâng cao, vượt qua mặt cầu. Một đôi vợ chồng đang dắt chiếc xe máy qua cầu thì dòng nước đột ngột cuốn đi. Họ bám chặt lấy chiếc xe máy, đứng giữa cầu, không biết phải làm sao.

Khi ông Thanh nhìn thấy cảnh tượng đó, không một chút chần chừ, ông lao xuống dòng nước để cứu. Sau khi đưa họ lên bờ an toàn, người chồng cố gắng đưa cho ông 20 nghìn đồng như một lời cảm ơn. Nhưng ông Thanh từ chối, không nhận bất cứ thứ gì.

Câu chuyện về ông Hà Văn Thanh vẫn luôn được người dân bản Lìm nhắc và kể như một biểu tượng của lòng dũng cảm. Dù được ca ngợi, ông luôn khiêm tốn, cho rằng cứu người là trách nhiệm của mình, và sẽ tiếp tục tham gia cứu nạn miễn là còn sức khỏe.

Ông Lữ Văn Tương, Trưởng bản Lìm, cho biết: "Dòng khe Lìm nhìn hiền hòa thế nhưng vào mùa mưa lũ, nó trở nên rất nguy hiểm. Chỉ cần vài tiếng mưa lớn, nước đã dâng cao, nhấn chìm cả con đường. Mưa tạnh thì phải mất 3-4 giờ nước mới rút hết. Mặc dù nhiều người trong bản biết bơi, nhưng không ai có thể bơi giỏi, lặn giỏi và can đảm như ông Thanh. Ông đã cứu sống và là ân nhân của rất nhiều người."

Hiện nay bản Lìm đã thành lập Tổ cứu hộ, cứu nạn. Ông Thanh là thành viên nhiệt tình. Dù cả 6 thành viên trong tổ đều có kỹ năng bơi lội và sơ cứu, nhưng ông Thanh là người lặn giỏi nhất. Nhiều năm qua, ông đã cứu giúp nhiều người qua cầu tràn trong những ngày mưa lũ, luôn thể hiện tinh thần dũng cảm và sẵn sàng xả thân cứu người, dù điều kiện trang bị còn hạn chế.

Ông Hà Văn Thanh đã cứu nhiều người thoát khỏi dòng lũ, tham gia tìm kiếm cứu nạn và luôn kịp thời hỗ trợ các gia đình nạn nhân. Năm nào, ông cũng được cấp uỷ, chính quyền xã nêu gương trong công tác phòng, chống lụt bão. Năm 2024, ông vinh dự nhận Giấy khen của UBND xã vì những đóng góp trong công tác cứu hộ, cứu nạn, ông Lữ Văn Tương, Trưởng bản Lìm cho biết thêm.

Ông Thanh và người dân bản Lìm vẫn luôn hy vọng có một cây cầu bền vững thay thế chiếc cầu tràn hiện tại. Cầu tràn mỗi mùa lũ khiến cuộc sống của họ trở nên khó khăn, thậm chí có thể bị cô lập. Bà con mong muốn có một cây cầu vượt lũ, không chỉ giúp đảm bảo an toàn cho tính mạng người dân mà còn thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội của vùng đất này.