Gia Lai:
Phát triển du lịch cộng đồng vùng dân tộc thiểu số
VHO - Thực hiện Dự án 6 "Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch" thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, ngành VHTTDL Gia Lai đã nỗ lực triển khai nhiều hoạt động và đạt được những kết quả đáng khích lệ.
Cũng như các tỉnh trong khu vực Tây Nguyên, Gia Lai có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch, nhất là cộng đồng, du lịch văn hóa, du lịch sinh thái. Với 44 dân tộc cùng sinh sống, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 46,23% (dân tộc Jrai chiếm 30,37%, dân tộc Bahnar chiếm 12,51%, các dân tộc khác chiếm 3,35%).
Gia Lai cũng là địa phương có nhiều di tích văn hóa - lịch sử, nhiều danh lam thắng cảnh, với hệ sinh thái đa dạng, như: Khu dự trữ sinh quyển thế giới cao nguyên Kon Hà Nừng, với 2 vùng lõi là Vườn quốc gia Kon Ka Kinh và Khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng, thác K50, Biển Hồ, thủy điện Ia Ly, Núi lửa Chư Đang Ya; không gian văn hóa cồng chiêng được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; Rộc Tưng - Gò Đá - Di tích quốc gia đặc biệt và Bảo vật quốc gia Sưu tập công cụ sơ kỳ đá cũ An Khê…
Đặc biệt, Quảng trường Đại Đoàn Kết, Tượng đài Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên được bố trí hài hòa trong quy hoạch tổng thể gồm các công trình mang ý nghĩa như: Bảo tàng tỉnh Gia Lai, Bảo tàng Cổ vật,... tạo nên một quần thể lịch sử, văn hóa, mỹ thuật hoàn chỉnh là điểm đến thu hút đông đảo du khách.
Ngoài ra, Gia Lai còn là điểm đến của du lịch văn hóa tâm linh, với những ngôi chùa nổi tiếng, có nét kiến trúc độc đáo, như: Chùa Minh Thành, chùa Bửu Minh...
Cùng với đó, không gian văn hóa lễ hội, như: Lễ đâm trâu, Lễ bỏ mả, Lễ khánh thành nhà Rông, Lễ mừng lúa mới, truyền thuyết Vua Lửa - Vua Nước. Với các thôn, làng truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số Jrai, Bahnar mang đậm bản sắc văn hóa cồng chiêng, với các sản phẩm thủ công truyền thống, như: Dệt thổ cẩm, đan lát, điêu khắc… và văn hóa ẩm thực phong phú. Về du lịch công đồng, bước đầu đã dần hình thành mô hình du lịch cộng đồng tại làng Ốp (thành phố Pleiku), làng Stơr, làng Mơ Hra (huyện Kbang), làng Ia Gri (huyện Chư Păh)…
Theo Sở VHTTDL Gia Lai, trong thời gian vừa qua, một số địa phương bước đầu khai thác loại hình du lịch gắn với bảo tồn văn hóa, định hình được sản phẩm du lịch với những hoạt động trải nghiệm hấp dẫn du khách như làng Kép (xã Ia Mơ Nông, huyện Chư Păh); làng Mơ Hra (xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang), làng Stơr (xã Tơ Tung, huyện Kbang).
Ngoài ra, nhiều làng được quy hoạch phát triển du lịch cộng đồng như Làng Ơp (phường Hoa Lư, TP. Pleiku), làng Ia Nueng (xã Biển Hồ, TP. Pleiku); làng Kon Sơ Lăl (xã Hà Tây, huyện Chư Păh), làng Ia Gri (xã Chư Đang Ya, huyện Chư Păh); làng Ngơm Thung (xã Ia Pết), thôn Dôr 2 (xã Glar, huyện Đak Đoa); làng Hway (xã Hà Tam, huyện Đak Pơ); làng Tnùng 2 (xã Ya Ma, huyện Kông Chro); làng Pờ Nang (xã Tú An, thị xã An Khê;) làng Plei Ơi (xã Ayun Hạ, huyện Phú Thiện); làng Ku Tong (xã Ia Pếch, huyện Ia Grai).
Tiềm năng, thế mạnh về văn hóa truyền thống vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh được xem là kho báu để khai thác du lịch cộng đồng. Do đó, việc thực hiện Dự án 6 "Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch" thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030 sẽ tạo nên sự phát triển hài hòa giữa văn hóa và du lịch, tạo thêm nhiều sản phẩm du lịch mới cho địa phương.
Đồng thời, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, khuyến khích cộng đồng bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa, bảo vệ môi trường sinh thái. Tuy nhiên, để phát triển loại hình du lịch nhân văn, mang lại lợi ích cho cộng đồng cần có sự vào cuộc mạnh mẽ từ chính quyền, thay đổi tư duy, nhận thức của người dân lẫn sự hỗ trợ, kết nối khách du lịch của các đơn vị lữ hành.
Theo ông Nguyễn Đức Hoàng, Phó Giám đốc Sở VHTTDL, muốn du lịch tỉnh nhà phát triển bền vững, Gia Lai cần khai thác những lợi thế sẵn có một cách có trọng tâm, trọng điểm; đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá tiềm năng, thế mạnh, các danh lam thắng cảnh, nét độc đáo về con người, lịch sử, văn hóa của tỉnh đến với du khách trong và ngoài nước.
Bên cạnh đó, cần nâng cao nhận thức cho người dân về giá trị của các tài nguyên du lịch và lợi ích của hoạt động du lịch; tích cực tuyên truyền, vận động người dân tự giác bảo vệ, quảng bá du lịch địa phương bằng nhiều kênh thông tin.
Ngoài ra, cần quan tâm hơn nữa trong việc đầu tư hạ tầng du lịch và nâng tầm giá trị các di tích, các thiết chế văn hóa được xếp hạng trên địa bàn tỉnh; có cơ chế nhằm bảo tồn, phát triển văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số; gắn hoạt động lễ hội với các di tích, tạo điểm đến du lịch hấp dẫn du khách; hướng dẫn và tạo sinh kế cho người dân từ hoạt động của các di tích và giá trị của các di sản.
Gia Lai cần xây dựng các tour, tuyến độc đáo để thu hút du khách đến với các di tích và di sản của tỉnh; thu hút các doanh nghiệp lữ hành của các tỉnh, thành trong cả nước xây dựng tour cuối tuần, trong đó có Gia Lai là điểm đến an toàn, thân thiện. Đồng thời, huy động sự tham gia của cộng đồng xã hội, các chủ thể văn hóa, các doanh nghiệp vào việc bảo tồn và phát huy các giá trị di tích lịch sử-văn hóa trên nguyên tắc nhà nước quản lý.