Cùng lên Tây Bắc - về Tây Nguyên
VHO- Thực hiện Dự án 6 về “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam vừa tổ chức chương trình giới thiệu, trưng bày di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh gắn với phát triển du lịch vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Đoàn nghệ nhân dân gian dân tộc Thái, thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái) trình diễn múa xòe
Lan tỏa những giá trị đặc sắc tới du khách
Ông Hoàng Quốc Hòa, Giám đốc Trung tâm Thông tin du lịch - đơn vị được Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam giao chủ trì tổ chức sự kiện cho biết: “Trung tâm đã phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chuyên môn của Bộ VHTTDL và các địa phương, đơn vị liên quan, nhất là các chuyên gia, nghệ nhân đến từ các lĩnh vực văn hóa, di sản, giáo dục, du lịch… Chúng tôi mong muốn qua sự kiện này lan tỏa những giá trị nổi bật của Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên và Nghệ thuật Xòe Thái tới người dân và du khách”.
Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Nguyễn Lê Phúc cho biết: “Du lịch di sản văn hóa được xác định là một trong những dòng sản phẩm chủ đạo của du lịch Việt Nam và là một thành tố cốt lõi tạo nên thương hiệu du lịch Việt Nam. Việt Nam đã nhiều năm được Tổ chức Giải thưởng Du lịch thế giới trao tặng danh hiệu “Điểm đến Di sản hàng đầu thế giới” cho thấy những giá trị nổi bật toàn cầu và sức hấp dẫn của di sản văn hóa Việt Nam đối với cộng đồng quốc tế”.
Qua lời kể và các màn trình diễn của các nghệ nhân đang thực hành di sản, du khách và người xem có thể nghe những câu chuyện thực tế về hai di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại được UNESCO công nhận và đang được cộng đồng thực hành ở địa phương như thế nào và mong muốn bảo tồn, phát huy các giá trị di sản ra sao.
Xòe Thái là hình thức sinh hoạt văn hóa quan trọng trong đời sống tinh thần của người Thái, phản ánh tâm tư, tình cảm, thể hiện sự hòa đồng gắn kết, tinh thần hiếu khách và mang tính nhân văn sâu sắc của đồng bào vùng Tây Bắc. Ở vùng Tây Nguyên, cồng chiêng gắn bó mật thiết với đời sống người dân, là thanh âm hào sảng của đại ngàn, chất liệu góp phần tạo nên những áng sử thi Tây Nguyên hùng tráng.
Ban tổ chức cũng mong muốn, qua các câu chuyện đó, truyền tải thông điệp tới du khách: Hãy cùng “Lên Tây Bắc - về Tây Nguyên, cùng cộng đồng đưa di sản đến với du lịch”. Để từ đó, gặp gỡ các nghệ nhân, bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số, giao lưu và nghe họ chia sẻ về những di sản quý báu và trân quý các di sản văn hóa của dân tộc, nâng cao ý thức bảo vệ và chung tay cùng cộng đồng phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam.
“Thông qua chương trình, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam mong muốn các địa phương, điểm đến, hiệp hội, doanh nghiệp du lịch, doanh nghiệp lữ hành và cộng đồng sẽ tiếp tục chung tay bảo tồn, phát huy các giá trị di sản. Tăng cường thu hút khách du lịch đến tham quan và trải nghiệm điểm đến Việt Nam, tìm hiểu các giá trị quý giá của di sản văn hóa” ông Nguyễn Lê Phúc nhấn mạnh.
Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên trải khắp 5 tỉnh ở Tây Nguyên. Năm 2005, UNESCO công nhận Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên là Kiệt tác Truyền khẩu và di sản phi vật thể của nhân loại; đến năm 2008 di sản này được chuyển sang Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Nghệ thuật Xòe Thái phổ biến ở các tỉnh Tây Bắc, chủ thể là dân tộc Thái, nhưng đã được nhiều dân tộc trong khu vực tiếp thu và thực hành. Năm 2021, UNESCO ghi danh Nghệ thuật Xòe Thái vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Đoàn nghệ nhân dân gian người Ba Na, huyện Kbang (Gia Lai) trình diễn cồng chiêng
Tự hào về di sản của dân tộc
GS.TS Bùi Quang Thanh cho biết: “Ngoài phong cảnh thiên nhiên hùng vĩ, vùng đất Tây Nguyên còn có hai di sản cực kỳ giá trị là sử thi và cồng chiêng. Chính các di sản này đã để lại ấn tượng sâu sắc với du khách khi tới vùng đất đầy nắng gió Tây Nguyên. Về Xòe Thái, điệu múa này thường xuất hiện trong các nghi lễ quan trọng của người Thái, trở thành linh hồn trong giá trị văn hóa của dân tộc Thái. Người Thái đã sáng tạo ra nhiều điệu xòe vô cùng sinh động, chứa đựng nhiều biểu tượng ý nghĩa, sâu sắc”.
Lần đầu tiên được mang văn hóa truyền thống của dân tộc đến với Thủ đô, đại diện Đoàn nghệ nhân dân gian người Thái đến từ thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái cho biết: “Chúng tôi đã được học xòe từ khi còn bé, dưới sự hướng dẫn, dìu dắt của các thế hệ đi trước, chúng tôi ngày càng múa hát nhuần nhuyễn hơn, lập ra câu lạc bộ để bảo tồn và quảng bá nét đẹp văn hóa này”. Còn Nghệ nhân biểu diễn cồng chiêng dân tộc Ba Na (Đoàn nghệ nhân dân gian người Ba Na đến từ huyện Kbang, tỉnh Gia Lai) chia sẻ: “Mỗi lần nghe tiếng cồng chiêng da diết, sôi nổi, hào hùng vang lên chúng tôi lại thấy rất tự hào về di sản của dân tộc mình. Việc biểu diễn cồng chiêng đã trở thành đam mê, nhiệt huyết trong mỗi chúng tôi. Đến với Thủ đô lần này, chúng tôi mong muốn các cấp lãnh đạo sẽ tiếp tục quan tâm hơn nữa để lan tỏa rộng rãi hơn nữa những giá trị văn hóa phi vật thể đến nhân dân, du khách và bảo vệ di sản quý giá này cho các thế hệ mai sau”.
Ở Tây Bắc có hàng nghìn đội xòe. Mỗi bản thường có các đội xòe của phụ nữ cao niên, trung niên và thanh thiếu niên. Bên cạnh việc duy trì các điệu xòe truyền thống, nhiều địa phương còn sáng tạo ra một số điệu xòe mới như: Xòe mời rượu, xòe khăn, xòe quạt... Khách du lịch đến Tây Bắc thường được tham gia giao lưu các điệu xòe vòng. Nghệ thuật Xòe Thái thực sự trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của người Thái, thể hiện bản sắc và sự kế tục. Xòe Thái còn là điểm nhấn văn hóa mang đậm bản sắc và trở thành một loại hình trình diễn trong các điểm sinh hoạt cộng đồng phục vụ du khách trong nước và quốc tế.
BẢO AN; ảnh: THẾ PHI