Phát huy hiệu quả các mô hình giảm nhựa ở Huế

SƠN THUỲ

VHO - Sau hơn 3 năm triển khai dự án “Huế - Đô thị giảm nhựa ở miền Trung Việt Nam”, đã có 570 tấn rác thải nhựa được thu gom và quản lý thông qua các hoạt động.

Ngày 15.11, WWF-Việt Nam phối hợp với UBND TP.Huế tổ chức đánh giá, kết thúc dự án “Huế - Đô thị giảm nhựa ở miền Trung Việt Nam”.

Phát huy hiệu quả các mô hình giảm nhựa ở Huế - ảnh 1
Đại diện ngành du lịch Thừa Thiên Huế chia sẻ các mô hình giảm nhựa trong hoạt động du lịch ở địa phương

Theo khảo sát của WWF-Việt Nam năm 2021, tại TP. Huế mỗi ngày có khoảng 400 tấn rác thải sinh hoạt; trong đó có khoảng 11 tấn rác thải chưa được quản lý. Quá trình đô thị hóa và sự phát triển kinh tế - xã hội đã làm gia tăng khối lượng rác thải, đặc biệt là rác thải nhựa.

Dự án “Huế - Đô thị giảm nhựa ở miền Trung Việt Nam” được WWF-Na Uy tài trợ thông qua WWF-Việt Nam được triển khai nhằm hướng đến giảm 30% lượng rác thải nhựa thất thoát ra môi trường vào năm 2024.

Thông qua nhiều hoạt động của dự án với các bên liên quan, nhiều mô hình và giải pháp, sáng kiến đã được triển khai hiệu quả. Đặc biệt, sự chung tay hành động của các cấp, các ngành và cộng đồng đã giảm thiểu rác thải nhựa rất lớn.

Ông Văn Ngọc Thịnh, Giám đốc WWF-Việt Nam cho biết: Chương trình Đô thị giảm nhựa là một sáng kiến của WWF nhằm kết nối các thành phố và các điểm đến du lịch, cùng hành động chống lại ô nhiễm nhựa. Thông qua chương trình, WWF hỗ trợ các địa phương nhằm đạt được mục tiêu không rác nhựa trong thiên nhiên vào năm 2030.

Phát huy hiệu quả các mô hình giảm nhựa ở Huế - ảnh 2
Bà Hilde Solbakken - Đại sứ Na Uy tại Việt Nam bày tỏ ấn tượng với kết quả của dự án "Huế - Đô thị giảm nhựa ở miền Trung Việt Nam"

Tại Việt Nam, Huế là thành phố thứ 7 ký cam kết trở thành Đô thị giảm nhựa và đã được WWF đồng hành, hỗ trợ kỹ thuật để triển khai các giải pháp đồng bộ. Dự án “Huế - Đô thị giảm nhựa ở miền Trung Việt Nam” đã đạt được nhiều kết quả ấn tượng.

“WWF sẽ tiếp tục đồng hành cùng TP. Huế mới và các bên liên quan triển khai các hoạt động mở rộng trong năm 2025 nhằm phát huy hiệu quả mô hình đô thị giảm nhựa, lan tỏa rộng hơn kết quả của dự án đến các khu vực khác của tỉnh”- ông Văn Ngọc Thịnh cho biết.

Các chương trình phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn; giảm thải nhựa trong trường học, trong hoạt động du lịch; thu gom rác thải nhựa trong hoạt động nông nghiệp, thủy sản; các hoạt động tuyên truyền về giảm nhựa và giáo dục bằng phương pháp hành động… đã mang lại những hiệu quả tích cực. Ước tính đã có khoảng 570 tấn rác thải nhựa được thu gom và quản lý, đạt 265% so với mục tiêu ban đầu.

Ngoài lực lượng tuyên truyền viên ở cấp cơ sở, dự án đã đẩy mạnh tuyên truyền qua phần mềm Hue-S. Cùng với đó, áp dụng công nghệ và giải pháp thông minh trong quản lý chất thải rắn; phát triển phần mềm sử dụng trí tuệ nhân tạo AI để phân tích hình ảnh từ camera giám sát trên đường phố nhằm nhận diện rác thải đổ không đúng quy định; ứng dụng phần mềm Hue-S cung cấp thông tin tìm kiếm điểm lưu chứa rác sinh hoạt đã phân loại và hướng dẫn du lịch giảm nhựa cho người dùng, du khách…

Thông qua các hoạt động, dự án đã tiếp cận được 1,1 triệu lượt người tham gia và ghi nhận sự đồng hành của 127 doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh thay đổi hành vi sử dụng nhựa và phân loại rác tại nguồn.

Phát huy hiệu quả các mô hình giảm nhựa ở Huế - ảnh 3
Đại sứ Na Uy tại Việt Nam và lãnh đạo UBND tỉnh Thừa Thiên Huế trao chứng nhận cho các đối tác thực hiện dự án

Riêng trong lĩnh vực du lịch, đã có 41 đơn vị, bao gồm khách sạn, công ty lữ hành và nhà hàng ký cam kết triển khai giảm nhựa; 12 khách sạn đã xây dựng và thực hiện kế hoạch hành động giảm nhựa tại đơn vị; 4 đơn vị lữ hành cam kết và đang thực hiện các tour du lịch giảm rác thải nhựa.

Đồng thời, dự án phối hợp với Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế, Hiệp hội Du lịch tỉnh xây dựng thành công Điểm đến du lịch giảm nhựa cộng đồng tại Thủy Biều với 16 cơ sở cộng đồng tham gia. Tại các điểm đến du lịch và di sản Huế, đã có 9 trạm nhà chờ và máy cấp nước miễn phíđược đưa vào khai thác sử dụng nhằm khuyến khích người dân và du khách giảm sử dụng nhựa dùng một lần…

Bà Hilde Solbakken, Đại sứ Na Uy tại Việt Nam bày tỏ rất ấn tượng với những kết quả của dự án “Huế - Đô thị giảm nhựa ở miền Trung Việt Nam”, đồng thời kỳ vọng thời gian tới sẽ tiếp tục hợp tác với Huế.

Đại sứ Na Uy cho biết, việc bảo vệ môi trường đại dương khỏi ô nhiễm, đặc biệt là ô nhiễm rác thải nhựa đang là vấn đề ngày càng quan trọng trong các chiến lược về bảo tồn đại dương. Đây cũng là một trong những ưu tiên hàng đầu trong các chính sách của Đại sứ quán Na Uy tại Việt Nam.

Phát huy hiệu quả các mô hình giảm nhựa ở Huế - ảnh 4
Quản lý dự án "Huế - Đô thị giảm nhựa ở miền Trung Việt Nam" chia sẻ các mô hình, hoạt động giảm nhựa hiệu quả.

Những năm qua chúng tôi cũng đang phối hợp chặt chẽ với các địa phương để triển khai các chương trình, trong đó có phối hợp với WWF-Việt Nam trong chương trình giảm thiểu rác thải nhựa.

Nguồn kinh phí hỗ trợ cho dự án “Huế - Đô thị giảm nhựa ở miền Trung Việt Nam” xuất phát từ chương trình TVA - chương trình truyền hình ở Na Uy. Các khán giả ở đây đã quyên góp để có kinh phí hỗ trợ dự án.

“Chìa khóa thành công của dự án này là có sự tham gia chặt chẽ và hiệu quả của các bên liên quan; từ các cấp chính quyền, trường học, cơ sở du lịch, viện nghiên cứu và quan trọng là cộng đồng. Tôi nhận thấy rằng, chính quyền địa phương đã có quyết tâm rất lớn trong vấn đề giải quyết rác thải và bảo vệ môi trường”- Đại sứ Na Uy tại Việt Nam nhận định.