Lan tỏa hoạt động giảm nhựa ở các điểm di tích Huế
VHO - Ngày 15.8, Ban Quản lý dự án “Huế- Đô thị giảm nhựa ở miền Trung Việt Nam” phối hợp với Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã khánh thành và đưa vào vận hành các trạm cấp nước phục vụ du khách ở những điểm tham quan thuộc di sản Huế. Đây là một trong những hoạt động nhằm giảm rác thải nhựa ở các di tích và điểm đến du lịch tại Huế.
Trạm cấp nước sử dụng công nghệ hiện đại, phục vụ nước uống trực tiếp cho du khách tại các điểm tham quan
Theo đó, dự án đã triển khai xây dựng 4 khu nhà chờ và trạm cấp nước tại các di tích: lăng Gia Long, lăng Minh Mạng (xã Hương Thọ) và lăng Đồng Khánh (phường Thủy Xuân, TP.Huế), với kinh phí gần 500 triệu đồng. Đây là một trong những hoạt động nhằm tuyên truyền và lan tỏa giảm thải nhựa trong cộng đồng và du khách khi đến các điểm tham quan ở Huế. Du khách có thể sử dụng nước uống trực tiếp tại vòi, hoặc mang theo bình nước để lấy nước ở vòi thay vì mua các chai nước có sử dụng nhựa dùng một lần.
Khánh thành nhà chờ và trạm cấp nước tại khuôn viên di tích lăng Gia Long, xã Hương Thọ, TP Huế
Tại lăng Gia Long, 2 công trình nhà chờ và trạm tiếp nước được bố trí tại khu vực bãi đỗ xe và cạnh khu kiểm soát vé. Chị Lê Thị Tuyết Vân, 40 tuổi, du khách đến từ TP.Hồ Chí Minh đến tham quan lăng Gia Long đã dừng chân tại trạm cấp nước để tìm hiểu và sử dụng nước uống. Theo chị Tuyết Vân, mô hình này không chỉ phục vụ du khách, góp phần giảm thải nhựa mà còn là điểm nhấn cảnh quan cho không gian di tích. Những hữu ích của việc xây dựng các trạm cấp nước này cần được nhân rộng ra nhiều điểm di tích khác để lan tỏa hiệu quả hành động bảo vệ môi trường.
Chị Lê Thị Tuyết Vân (40 tuổi, đến từ TP.Hồ Chí Minh) bày tỏ rất hài lòng khi sử dụng nước uống ở trạm cấp nước
Bà Hoàng Ngọc Tường Vân, Giám đốc Ban Quản lý dự án “Huế- Đô thị giảm nhựa miền Trung Việt Nam” cho biết: Với mục tiêu là giảm 30% lượng thất thoát rác thải nhựa vào cuối năm 2024, dự án đã triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền trong cộng đồng dân cư, hướng dẫn phân loại rác thải, xây dựng bộ quy tắc ứng xử giảm nhựa… Đặc biệt, chúng tôi cũng tổ chức nhiều hoạt động trong các hoạt động du lịch nhằm góp phần lan tỏa đến cộng đồng và du khách về việc ứng xử văn minh với môi trường, góp phần giảm rác thải nhựa.
Trạm cấp nước ngay cạnh cổng vào di tích lăng Minh Mạng
“Ngoài việc triển khai những trạm cấp nước ở các điểm di tích Huế lần này, chúng tôi cũng tổ chức các hoạt động ở các điểm du lịch khác như bãi biển Thuận An, phố đi bộ Hai Bà Trưng... nhằm tạo điểm check-in thú vị cho du khách và vừa tuyên truyền, lan tỏa hành động giảm rác thải nhựa ở các điểm du lịch. Ngoài ra, chúng tôi cũng đã có một bộ quy tắc giảm nhựa trên phần mềm tương tác của Hue-S (Trung tâm Giám sát điều hành đô thị thông minh tỉnh Thừa Thiên Huế)”- bà Tường Vân cho biết.
Hai vợ chồng bà Anna và ông David (quốc tịch Pháp) đánh giá cao việc xây dựng trạm cấp nước, hạn chế rác thải nhựa trong hoạt động du lịch
Sau khi tham đến tham quan lăng Minh Mạng (tại xã Hương Thọ, TP.Huế), bà Anna và chồng là David, những du khách đến từ Pháp, đã dừng chân trải nghiệm sử dụng nước uống tại trạm cấp nước cạnh cổng di tích. Ông David bày tỏ khá ấn tượng với mô hình trạm tiếp nước này và cho rằng nó rất phù hợp trong điều kiện thời tiết nắng nóng tại Huế, cũng như sẽ góp phần cho việc hạn chế sử dụng loại nước uống chai nhựa sử dụng một lần. Đây cũng là vấn đề mà nhiều quốc gia ở Châu Âu rất quan tâm, đặc biệt là trong các hoạt động về du lịch. Du khách người Pháp này cũng đề xuất rằng, các trạm cấp nước cần có hướng dẫn, cung cấp các thông tin chi tiết về chất lượng nước để khách du lịch dễ dàng tiếp cận và sử dụng hơn.
Một du khách trẻ sử dụng theo bình đựng cá nhân để lấy nước uống khi tham quan lăng Minh Mạng
Trong thời gian tới, dự án “Huế- Đô thị giảm nhựa miền Trung Việt Nam” (do WWF Na Uy tài trợ thông qua WWF Việt Nam) tiếp tục phối hợp với Sở Du lịch, Hiệp hội Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế và UBND TP.Huế để đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, phổ biến và lan tỏa bộ quy tắc ứng xử giảm nhựa ở các điểm di tích, điểm đến du lịch tại Huế. Qua đó, xây dựng Huế trở thành điểm đến di sản không rác thải nhựa.
Huế được “mệnh danh” là thành phố xanh- sạch- sáng, cùng với sự nỗ lực của chính quyền các cấp, các ban ngành và cộng đồng nhân dân trong việc giữ gìn, phát huy hình ảnh thân thiện, xanh sạch. Đặc biệt, ngay trung tâm TP.Huế có dòng sông Hương thơ mộng, được bảo vệ và gìn giữ cảnh quan rất tốt, hạn chế tối đa việc rò rỉ, thất thoát rác thải nhựa ra môi trường nước, một thực trạng đang báo động ở nhiều địa phương trong nước và các quốc gia trên thế giới.
Bài, ảnh: SƠN THÙY