Những chiếc xe ve chai chở theo ước mơ xanh
VHO - Từ những bước chân mưu sinh nhọc nhằn trên khắp các nẻo đường, những người phụ nữ lam lũ làm nghề thu nhặt ve chai giờ đây khoác lên mình một vai trò mới - những “chiến binh môi trường”.
Được tham gia vào các dự án bảo vệ môi trường, họ đã trở thành người ươm mầm cho lối sống xanh, góp phần thay đổi thói quen của cộng đồng, lan tỏa tinh thần bảo vệ môi trường một cách bền vững.

Theo bà Nguyễn Thị Huyền, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ TP Đà Nẵng, những người phụ nữ từng đơn độc mưu sinh bằng nghề ve chai giờ đây đã có điểm tựa vững chắc để vươn lên.
Thông qua dự án do Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tài trợ và được UBND thành phố phê duyệt triển khai tại 6 phường thuộc 2 quận Ngũ Hành Sơn và Thanh Khê, các chị em được hỗ trợ ổn định thu nhập và còn được kết nối sinh hoạt trong các CLB theo địa bàn - nơi họ có cơ hội vươn lên, cùng nhau phát triển.
Không chỉ là nơi thu gom rác tái chế, CLB chính là điểm đến sẻ chia, nơi phụ nữ học hỏi kỹ năng phân loại rác tại nguồn, xử lý rác thải nhựa một cách khoa học.
Họ được hỗ trợ vốn, phương tiện sinh kế và kiến thức cần thiết để từ đó tự tin khởi nghiệp kinh doanh nhỏ, cải thiện chất lượng sống của bản thân và gia đình. Dự án còn khơi dậy một ý nghĩa lớn hơn: Trao quyền cho phụ nữ yếu thế thông qua công việc tưởng chừng giản đơn.
Giờ đây, mỗi lần xe ve chai lăn bánh, không chỉ mang theo sắt vụn, giấy báo cũ mà còn chuyên chở khát vọng vươn lên, khát vọng sống xanh, sạch và “tử tế” hơn với môi trường.
Một hành động nhỏ - một thay đổi lớn. Từ những người phụ nữ âm thầm nhặt nhạnh rác thải trên khắp các nẻo đường, họ đã trở thành những sứ giả lan tỏa lối sống văn minh trong cộng đồng.
Không còn những bước chân lặng lẽ mưu sinh nơi hẻm phố, họ bước vào hành trình mới: Sống xanh, sống khỏe và sống có ích.

Việc thành lập các CLB “phụ nữ ve chai” chính là bước ngoặt ý nghĩa - nơi rác thải không chỉ là kế sinh nhai, mà còn là cánh cửa mở ra cơ hội đổi thay cuộc đời, khơi dậy lòng tự tin, sự gắn kết và khát vọng vươn lên của những người phụ nữ từng bị coi là “ở bên lề xã hội”.
Ngay từ đầu năm 2025, Hội Liên hiệp Phụ nữ quận Thanh Khê đã tiên phong thành lập CLB với sự tham gia của 30 chị em hành nghề thu gom ve chai.
Tại đây, ngoài việc có thu nhập ổn định từ hoạt động thu mua và phân loại rác, chị em còn được chăm sóc về mặt tinh thần và thể chất: Được hướng dẫn các bài tập rèn luyện sức khỏe, được tặng thẻ bảo hiểm y tế - những điều tưởng chừng đơn giản nhưng vô cùng ý nghĩa với họ.
Chị Huỳnh Thị Kim Thúy (phường Thanh Khê Tây) chia sẻ đầy phấn khởi: “Tham gia CLB, tôi học được nhiều điều mới mẻ và bổ ích. Không chỉ có thêm kiến thức, mà còn cảm nhận được sự quan tâm, đồng hành của các cấp hội. Nhờ vậy mà chị em làm nghề như chúng tôi thấy tự tin hơn, lao động hiệu quả hơn”.
Từ những hoạt động thiết thực như tham quan thực tế tại bãi rác Khánh Sơn đến học tập mô hình phân loại rác từ chủ vựa, các hội viên không ngừng nâng cao hiểu biết và lan tỏa hành động bảo vệ môi trường đến từng hộ dân.
Chị Lê Thị Thúy Ngà (phường An Khê) tâm sự: “Chúng tôi nhận ra rằng việc phân loại rác ngay từ mỗi gia đình là điều cốt lõi. Có tuyên truyền, có cùng làm thì mới có hiệu quả. Ít rác thải nhựa hơn, môi trường sạch hơn - điều đó nằm trong tay mỗi người”.
Không chỉ ở Thanh Khê, mô hình này cũng lan tỏa đến quận Ngũ Hành Sơn, nơi Hội Liên hiệp Phụ nữ quận đã thành lập CLB với 25 thành viên và trao tặng 14 thẻ bảo hiểm y tế cho các hội viên.
Những hành động nhỏ nhưng đầy thiết thực ấy đã khẳng định rằng: Khi người yếu thế được quan tâm, họ sẽ tỏa sáng theo cách riêng của mình, nhân văn và bền vững.
Theo bà Nguyễn Thị Dưỡng, Phó Chủ tịch Hội LHPN quận Ngũ Hành Sơn, Dự án tăng cường năng lực cho nhóm phụ nữ thu mua ve chai đã bước đầu tạo ra hiệu ứng tích cực tại 3 phường triển khai thí điểm.
Các hoạt động sinh hoạt định kỳ của CLB không chỉ phổ biến kỹ năng phân loại rác, tuyên truyền bảo vệ môi trường mà còn là không gian kết nối cộng đồng - giúp chị em xích lại gần nhau, cùng lan tỏa những thông điệp sống đẹp đầy nhân văn.