Phát huy di sản về Chủ tịch Hồ Chí Minh trên quê hương Thừa Thiên Huế:

Bài 2: Lan tỏa những giá trị di sản về Chủ tịch Hồ Chí Minh

Bài, ảnh: SƠN THÙY
Chia sẻ

VHO - Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh rằng: “Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của Nhân dân”. Thực hiện Di chúc của Người, thời gian qua, tỉnh Thừa Thiên Huế đã có nhiều chương trình, giải pháp phát triển kinh tế và văn hóa; đặc biệt tiếp tục lan tỏa những giá trị di sản về Chủ tịch Hồ Chí Minh trên quê hương Thừa Thiên Huế đến cộng đồng và du khách.

Bài 2: Lan tỏa những giá trị di sản về Chủ tịch Hồ Chí Minh - ảnh 1

Kết nối những “địa chỉ đỏ”

Còn nhớ tại buổi đón nhận Di tích quốc gia đặc biệt Hệ thống di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Thừa Thiên Huế, ông Lê Trường Lưu - Bí thư Tỉnh ủy khẳng định: Đây là niềm vinh dự và tự hào của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế. Đây cũng là cơ sở để các cấp, các ngành nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản về Người.

Ngay sau đó, tỉnh Thừa Thiên Huế cũng tổ chức triển khai Đề án “Phát huy giá trị di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Thừa Thiên Huế phục vụ phát triển du lịch”. Và suốt gần 4 năm qua (từ 2021 - 2024), nhiều hoạt động về tôn tạo, bảo tồn và phát huy giá trị di tích về Bác Hồ cũng được các Sở, ngành, địa phương quan tâm.

Bài 2: Lan tỏa những giá trị di sản về Chủ tịch Hồ Chí Minh - ảnh 2
Du khách tham quan tại Nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở làng Dương Nổ

Bà Lê Thùy Chi, Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh tỉnh Thừa Thiên Huế thông tin: Trung bình mỗi năm, Bảo tàng và các di tích lưu niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh trên địa bàn tỉnh đón hơn 120.000 lượt khách đến tham quan.

Những năm gần đây, chúng tôi cũng phối hợp với các đơn vị tổ chức nhiều hoạt động thu hút du khách đến với các di tích thông qua sự kiện, hoạt động văn hóa cộng đồng; trong đó phải kể đến là Ngày hội làng Dương Nổ, du khách tham quan các Di tích cấp quốc gia đặc biệt về Bác Hồ tại làng Dương Nổ kết hợp trải nghiệm các hoạt động văn hóa, du lịch gắn với làng nghề truyền thống...

“Cùng với việc đẩy mạnh thu hút khách tham quan thì chúng tôi cũng triển khai công tác bảo tồn, tôn tạo di tích, mở rộng không gian trưng bày tại các di tích cũng như tại Bảo tàng Hồ Chí Minh tỉnh Thừa Thiên Huế để tạo sức hút cho du khách”, bà Lê Thùy Chi nói. 

Bài 2: Lan tỏa những giá trị di sản về Chủ tịch Hồ Chí Minh - ảnh 3
Không gian trưng bày và giới thiệu về người học trò Nguyễn Sinh Cung - Nguyễn Tất Thành tại Trường Quốc Học

Để du khách thuận lợi trong việc tiếp cận, tham quan và tìm hiểu các di tích về Chủ tịch Hồ Chí Minh trên địa bàn tỉnh, Bảo tàng Hồ Chí Minh cũng thông báo và hướng dẫn lịch trình cho du khách.

Trong hành  trình đó là kết nối những “địa chỉ đỏ”- nơi từng lưu dấu chân Người. Chương trình 1 với hành trình từ Bảo tàng Hồ Chí Minh - Trường THPT chuyên Quốc Học - Nhà lưu niệm 112 Mai Thúc Loan - cụm di tích ở làng Dương Nổ - và kết thúc tại điểm di tích mai táng bà Hoàng Thị Loan, thân mẫu Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Tour 2 với các điểm đến theo thứ tự: Di tích Nhà lưu niệm 112 Mai Thúc Loan - cụm di tích tại làng Dương Nổ - Địa điểm di tích Tòa Khâm sứ Trung kỳ (trước Trường Đại học Sư phạm Huế) - Trường THPT chuyên Quốc Học và kết thúc ở Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Từ năm 2023, một số đơn vị lữ hành cũng khai thác tour “Theo chân Bác Hồ thời niên thiếu ở Huế” bằng xe đạp, lan tỏa và thu hút các du khách, đặc biệt là bạn trẻ trải nghiệm. 

Bài 2: Lan tỏa những giá trị di sản về Chủ tịch Hồ Chí Minh - ảnh 4
Vợ chồng du khách Vũ Thị Ngân tham quan và chăm chú lắng nghe chia sẻ về cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đặc biệt là giai đoạn Người sống và học tập ở Huế

Hơn 15 năm làm việc thuyết minh hướng dẫn tại các di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, chị Nguyễn Thị Loan Giang cho biết: Tôi rất vinh dự và tự hào mỗi lần được giới thiệu về thân thế, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Càng tự hào hơn nữa khi được nói trước đông đảo bạn bè, du khách trong nước và quốc tế đến tham quan các di tích lưu niệm về Bác tại Huế.

Đặc biệt , 4 di tích được xếp hạng là Di tích quốc gia đặc biệt đã trở thành “địa chỉ đỏ”, giới thiệu về chân thực, sâu sắc về Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Học tập Người, những cán bộ, nhân viên của bảo tàng không ngừng rèn luyện, trau dồi kiến thức, lan tỏa những giá trị di sản văn hóa về Bác Hồ đến bạn bè khắp nơi...

Trong chuyến du lịch ở Huế vào cuối tháng 8 vừa qua, bà Vũ Thị Ngân (64 tuổi, quê Hải Phòng) đã cùng người thân đến tham quan, tìm hiểu những địa chỉ di tích về Bác Hồ.

Bà Ngân cho biết: trước đây, tôi cũng đã đến viếng và tham quan các di tích về Bác Hồ nhiều nơi như Hà Nội, Nghệ An, TP. Hồ Chí Minh và bây giờ là ở Huế.

Đến các di tích về Bác và Bảo tàng Hồ Chí Minh tại Huế, tôi có thêm nhiều thông tin quý giá về lịch sử những tháng ngày tuổi thơ của Bác, những nơi Người sống và học tập, những tình cảm sâu sắc của Bác Hồ với Nhân dân khi còn trên ghế nhà trường...

Những thông tin quý báu ấy cần được lan tỏa nhiều hơn đến các thế hệ trẻ để không ngừng phấn đấu, học tập và rèn luyện, góp phần xây dựng quê hương, đất nước. 

Bài 2: Lan tỏa những giá trị di sản về Chủ tịch Hồ Chí Minh - ảnh 5
Tiết mục nghệ thuật tưởng nhớ về Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu

Phát huy giá trị di sản về Người

Hiện nay, Bảo tàng Hồ Chí Minh tỉnh Thừa Thiên Huế đang lưu giữ trên 18.000 tư liệu, hiện vật liên quan đến Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Thời gian qua, bảo tàng đã đẩy mạnh triển khai công tác số hóa tư liệu lưu trữ; đồng thời, tổ chức hệ thống mã QR cập nhật thông tin di sản, tư liệu hiện vật tại nhà trưng bày và các di tích. 

Tại không gian chính của bảo tàng, toàn bộ tiểu sử, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được trưng bày, giới thiệu một cách hệ thống với hơn 1.000 hình ảnh, tư liệu, hiện vật về Người.

Nội dung trưng bày gồm 8 chủ đề, được phân biệt với nhau bằng các giải pháp mỹ thuật, tập trung phản ánh 2 nội dung chính: Những năm tháng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và gia đình Người sống, lao động, học tập ở Thừa Thiên Huế; Chủ tịch Hồ Chí Minh với Thừa Thiên Huế - Thừa Thiên Huế với Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Bài 2: Lan tỏa những giá trị di sản về Chủ tịch Hồ Chí Minh - ảnh 6
Du khách có thể tham quan trực tuyến các di tích lưu niệm Bác Hồ tại Thừa Thiên Huế với công nghệ 3D

Đẩy mạnh lan tỏa và phát huy giá trị di sản về Chủ tịch Hồ Chí Minh, bảo tàng cũng kết nối với các địa phương và ngành giáo dục tổ chức nhiều hoạt động tham quan, tìm hiểu, giáo dục cho sinh viên, học sinh các cấp.

Để phong phú hơn các chương trình tham quan di tích về Bác, bảo tàng cũng phối hợp với các đơn vị tổ chức các hoạt động văn hóa cộng đồng; tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về thân thế, sự nghiệp của Bác, những năm tháng của Người gắn với quê hương Thừa Thiên Huế...

Đặc  biệt, những năm qua, với việc hình thành bảo tàng số tại http://baotanghcmtthue.hochiminh.vn , du khách có thể tham quan trực tuyến tại Bảo tàng Hồ Chí Minh tỉnh Thừa Thiên Huế và các di tích lưu niệm Bác Hồ trên địa bàn tỉnh một cách thuận tiện, nhanh chóng.

Công nghệ 3D cùng kết hợp với thuyết minh tự động sẽ giới thiệu cho người xem từng điểm di tích, hiện vật trưng bày tại các di tích và bảo tàng.

Bài 2: Lan tỏa những giá trị di sản về Chủ tịch Hồ Chí Minh - ảnh 7
Nghi lễ đặt tên theo họ Hồ của đồng bào các dân tộc ở miền núi tỉnh Thừa Thiên Huế

Di sản về Chủ tịch Hồ Chí Minh trên quê hương Thừa Thiên Huế không chỉ là các địa chỉ di tích lưu niệm, hiện vật, tư liệu... mà còn có hệ thống di sản văn hóa phi vật thể đa dạng, phong phú thể hiện tình cảm sâu sắc của Nhân dân với vị lãnh tụ kính yêu. 

Bà Lê Thùy Chi chia sẻ, chúng tôi đã tiếp cận hàng trăm nhân chứng trên địa bàn toàn tỉnh và sưu tầm các loại hình di sản văn hóa phi vật thể về Người ở Thừa Thiên Huế.

Trong đó, xác định được 5 di sản nổi bật, gồm: Thơ ca dân gian ca ngợi về Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Thừa Thiên Huế; Truyện kể về Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Thừa Thiên Huế; Thực hành tín ngưỡng thờ cúng Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Thừa Thiên Huế; Nghi lễ và truyền thống mang họ Hồ của đồng bào miền Tây Thừa Thiên Huế; Kỹ thuật chế tác và sáng tạo hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh của các nghệ nhân nghề truyền thống Huế. 

Bài 2: Lan tỏa những giá trị di sản về Chủ tịch Hồ Chí Minh - ảnh 8
Tham quan không gian triển lãm chuyên đề "Hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh trên báo chí cách mạng Việt Nam" vừa khai mạc ngày 30.8.2024

Các di sản văn hóa phi vật thể về Chủ tịch Hồ Chí Minh được sưu tầm góp phần làm phong phú thêm kho tàng di sản quý giá về Người ở Thừa Thiên Huế.

Đặc biệt, nghi lễ đặt tên mang họ Hồ của đồng bào vùng cao huyện A Lưới đã được bảo tồn và tổ chức trang trọng trong các dịp lễ ý nghĩa như kỉ niệm Ngày sinh của Bác Hồ; Ngày lễ Quốc khánh 2.9 và các dịp lễ lớn của đất nước để giới thiệu đến cộng đồng và du khách. 

Theo bà Lê Thùy Chi, dự kiến trong năm 2025, tỉnh sẽ có tổng kết 5 năm thực hiện Đề án “Phát huy giá trị di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Thừa Thiên Huế phục vụ phát triển du lịch”. Qua đó, có những đánh giá để đưa ra những giải pháp thực chất, hiệu quả hơn cho giai đoạn tiếp theo.