Phát huy di sản về Chủ tịch Hồ Chí Minh trên quê hương Thừa Thiên Huế:

Bài 1: Về nơi lưu dấu chân Người

Bài, ảnh: SƠN THÙY
Chia sẻ

VHO - Trong khoảng thời gian 10 năm sinh sống và học tập tại Huế, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại nhiều di sản quý giá gắn liền với cuộc đời của Người. Đó không chỉ là những di sản vật thể, những di tích lưu niệm, hiện vật quý… mà còn là những truyền thống tốt đẹp của nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế để tưởng nhớ, khắc ghi công lao của vị lãnh tụ kính yêu.

Hệ thống di tích, di sản về Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Thừa Thiên Huế đã và đang được phát huy hiệu quả, dưới sự quan tâm của Tỉnh ủy, chính quyền địa phươngcác cấp, các ngành; đặc biệt là có sự “góp sức” của cộng đồng Nhân dân trên địa bàn…

Bài 1: Về nơi lưu dấu chân Người - ảnh 1

Nếu Nghệ An là quê hương, nơi chôn nhau cắt rốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh thì xứ Huế là mảnh đất đã lưu dấu những tháng ngày thơ ấu không thể quên trong cuộc đời của Bác. Nơi đây, Người cũng trải qua bao gian truân, khó nhọc và tiếp cận với những nhà tri thức tiến bộ để có quyết định vào Nam, ra đi tìm đường cứu nước.

Những năm tháng tuổi thơ của Bác ở Huế

Gần 10 năm trong cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh sinh sống và học tập ở Huế (giai đoạn 1895 - 1901; và 1906 - 1909) là những năm tháng ý nghĩa của thời thơ ấu và niên thiếu của Người. Và Huế trở thành quê hương thứ hai của Bác, như trong lời bài hát “Lời Bác dặn trước lúc đi xa” đầy xúc động của cố nhạc sĩ Trần Hoàn: “Bác muốn nghe một câu hò Huế bởi nước non chia cắt vẫn chưa liền…/Bác muốn nghe một câu hò Huế hoặc muốn nghe câu hát dặm quê nhà…”.

Bài 1: Về nơi lưu dấu chân Người - ảnh 2
Nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại đường Mai Thúc Loan, nơi gia đình Bác đã sinh sống trong lần vào Huế thứ nhất.

Chúng tôi có dịp đến tham quan Di tích Nhà lưu niệm thời niên thiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại số 158 Mai Thúc Loan (số cũ 112), phường Thuận Lộc, TP.Huế trong những ngày gần cuối tháng 8, trùng vào dịp giỗ 55 năm ngày Bác đi xa (tính theo ngày âm lịch). Ngôi nhà là nơi gia đình cậu bé Nguyễn Sinh Cung sinh sống trong lần vào Huế thứ nhất, năm 1895 - 1901. Những năm tháng tuổi thơ đó của Bác được in dấu trên mảnh đất này, được sống cùng cha mẹ, anh trai giữa sự quan tâm, giúp đỡ của bà con xứ Huế. Nhưng đây cũng là nơi mà bà Hoàng Thị Loan, thân mẫu của Bác đã trút hơi thở cuối cùng, ghi dấu nỗi đau mất mẹ trong cuộc đời của Nguyễn Sinh Cung khi mới hơn 10 tuổi.

Bài 1: Về nơi lưu dấu chân Người - ảnh 3
Cán bộ Bảo tàng Hồ Chí Minh dâng hương nhân dịp lễ giỗ 55 năm Bác Hồ đi xa

Xuôi theo dòng sông Phổ Lợi về làng Dương Nổ cách trung tâm TP. Huế khoảng 7km về phía Đông, nơi gắn bó với thời niên thiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhà lưu niệm Bác Hồ, vốn từng là nơi mà Nguyễn Sinh Cung và anh trai Nguyễn Sinh Khiêm theo cha về sống tại Dương Nổ giai đoạn từ năm 1898 - 1900. Lúc đó, cụ Nguyễn Sinh Sắc về đây dạy học theo lời mời của ông Nguyễn Sĩ Độ, và được giao cho một ngôi nhà tranh ba gian hai chái. Ngôi nhà này vừa là nơi ở của ba cha con Bác, đồng thời là nơi mở lớp dạy học.

Trong ngôi nhà này, Nguyễn Sinh Cung và anh trai được chính người cha và là người thầy của mình dạy những bài học đầu tiên về chữ “Nhân”, chữ “Nghĩa”, về đạo đức làm người. Nguyễn Sinh Cung đã tiếp thu nhanh những bài học, là học trò thông minh xuất sắc của lớp, và những nguồn kiến thức đó trở thành nền móng vững chãi cho sự phát triển về học vấn sau này.

Bài 1: Về nơi lưu dấu chân Người - ảnh 4
Các bạn trẻ tham quan, tìm hiểu về thời niên thiếu của Bác tại di tích nhà lưu niệm ở làng Dương Nổ

Những năm sống ở đây, Nguyễn Sinh Cung đã sớm hòa nhập với đời sống cộng động làng xã, được đùm bọc bởi tình cảm yêu thương chan hòa, nhân hậu và bao dung của những người dân quê. Cậu học trò ấy hàng ngày chứng kiến cuộc sống lao động cần cù của những người nông dân mộc mạc, tham gia các hoạt động văn hóa truyền thống của địa phương, đặc biệt là các hoạt động cộng đồng tại đình làng Dương Nổ.

Ông Võ Quốc Hiền, Chủ tịch UBND xã Phú Dương, TP. Huế, cho biết: Chính quyền và Nhân dân xã Phú Dương tự hào và vinh dự khi có 2 di tích quốc gia đặc biệt gắn với Chủ tịch Hồ Chí Minh, gồm: Nhà lưu niệm thời niên thiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh và đình làng Dương Nổ. Thời gian qua, địa phương đã triển khai chương trình động giáo dục văn hóa truyền thống đến các thôn xóm, các cơ sở trường học thông qua những hoạt động ngoại khóa, đặc biệt là các chương trình tham quan di tích lịch sử trên địa bàn. Lực lượng đoàn viên thanh niên của xã cũng phối hợp với Thành đoàn, Tỉnh đoàn thường xuyên tổ chức tổng dọn vệ sinh, trồng cây tạo cảnh quan cho tuyến đường kiểu mẫu từ di tích đình làng đến di tích nhà lưu niệm Bác Hồ...

Bài 1: Về nơi lưu dấu chân Người - ảnh 5Bài 1: Về nơi lưu dấu chân Người - ảnh 6

Không gian sinh hoạt tại căn nhà mà gia đình Bác Hồ từng sinh sống khi ở Huế

Ngôi trường gắn với nhiều danh nhân

Cùng với những “địa chỉ đỏ” lưu dấu chân của Bác Hồ những năm tháng sống ở Huế, ngôi trường THPT chuyên Quốc Học (số 12 Lê Lợi, TP. Huế) cũng là nơi Người theo học trong giai đoạn 1908 -1909. Khi theo học ở Trường Tiểu học Pháp - Việt Đông Ba, Bác Hồ thời điểm đó có tên Nguyễn Tất Thành là học sinh xuất sắc và được thi vượt cấp vào học lớp đệ nhị niên trung học của Trường Quốc Học.

Tại ngôi trường này, cậu học trò Nguyễn Tất Thành có điều kiện tiếp thu nền văn minh phương Tây sâu sắc hơn và cũng hiểu rõ hơn bản chất khai hoá mị dân của khẩu hiệu “Tự do - Bình đẳng - Bác ái” mà thực dân Pháp đang rao giảng. Những năm đầu thế kỷ XX, phong trào yêu nước do các cụ Phạn Bội Châu, Phan Chu Trinh, Lương Văn Can ...  khởi xướng đã tác động rất lớn đến nhận thức của Nguyễn Tất Thành. Anh đã tham gia làm liên lạc cho các tổ chức yêu nước và vận động bạn cùng lớp ủng hộ các phong trào yêu nước. Đánh dấu bước khởi đầu cho sự nghiệp đấu tranh cách mạng của Nguyễn Tất Thành, để từ đó anh quyết định đi vào phía Nam, ra nước ngoài tìm đường cứu nước.

Bài 1: Về nơi lưu dấu chân Người - ảnh 7
Trường THPT chuyên Quốc Học là ngôi trường mà Bác Hồ từng theo học khi đến Huế lần thứ hai

Ngay bên phải phía khuôn viên của Trường chuyên THPT Quốc Học là Nhà lưu niệm Bác Hồ và truyền thống Trường Quốc Học Huế. Nơi đây đã trở thành địa chỉ thường xuyên được du khách đến tham quan, tìm hiểu mỗi khi dừng chân ở ngôi trường giàu truyền thống này. Tầng 2 của khu nhà là không gian trưng bày những hình ảnh, tư liệu giới thiệu về cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi còn là chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành đang theo học tại trường. Cạnh đó, nhiều hình ảnh và tư liệu giới thiệu về các lãnh tụ, anh hùng cách mạng của đất nước đã từng theo học tại ngôi trường này như: Tổng Bí thư Trần Phú, Tổng Bí thư Lê Duẩn, Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp…

Bài 1: Về nơi lưu dấu chân Người - ảnh 8
Không gian trưng bày tại Nhà lưu niệm Bác Hồ và truyền thống Trường Quốc Học Huế.

Sau khi đất nước thống nhất, ngôi trường này trở thành ngôi trường XHCN, tiếp tục thu hút nhiều học sinh năng khiếu tại Thừa Thiên Huế và các tỉnh, thành miền Trung và trở thành địa chỉ đào tạo uy tín, nổi tiếng của cả nước. Đến nay, học sinh của trường đã giành được 24 huy chương tại các kỳ thi quốc tế; đặc biệt 5 môn được tổ chức thi Olympic quốc tế (gồm: Toán, Hóa học, Sinh học, Vật lý, Tin học) thì học sinh của nhà trường đều “sưu tập” được huy chương. Năm 2024 này, học sinh Võ Quang Phú Đức cũng xuất sắc vào vòng chung kết năm cuộc thi Đường lên đỉnh Olymli; và Trường THPT Quốc Học có đến 7 lần có học sinh vào chung kết cuộc thi danh giá này.

Thầy Nguyễn Phú Thọ, Hiệu trưởng Trường THPT Quốc Học, chia sẻ: Trường Quốc Học là nơi mà Bác Hồ đã từng học thời niên thiếu và đó là niềm tự hào to lớn đối với thầy và trò của trường. Để phát huy cái truyền thống của một ngôi trường có bề dài lịch sử mà đặc biệt là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã từng học, thầy và trò Trường THPT Quốc Học luôn nỗ lực hằng ngày, học tập và làm theo lời Bác để phát huy những thế mạnh của mình. Đạt được thành tích cao trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp quốc gia, quốc tế cũng như rèn luyện các cái kỹ năng toàn diện, kỹ năng hội nhập phát triển ngoại ngữ cho học sinh... Để sau khi ra trường, học sinh sẽ trở thành những người hữu dụng, có khả năng đóng góp để xây dựng đất nước theo gương của Bác Hồ vĩ đại.

Bài 1: Về nơi lưu dấu chân Người - ảnh 9
Du khách tham quan, tìm hiểu về cuộc đời và sự nghiệp của Người tại Bảo tàng Hồ Chí Minh tỉnh Thừa Thiên Huế

Theo thầy Nguyễn Phú Thọ, nhà trường xác định xây dựng Trường THPT Quốc Học thành điểm đến cho khách du lịch và các học sinh chính là những hướng dẫn viên thân thiện. “Nhà lưu niệm Bác Hồ và truyền thống Trường THPT Quốc Học Huế được mở cửa hàng ngày để đón các thế hệ học sinh trở về; đón du khách và người dân trên địa bàn đến tham quan, tìm hiểu về Bác Hồ cũng như truyền thống của trường, Qua đó, nhân lên niềm tự hào về ngôi trường có bề dày lịch sử truyền thống; lan tỏa những giá trị truyền thống tốt đẹp đến du khách trong nước và quốc tế”- Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Quốc Học chia sẻ.

Bài 1: Về nơi lưu dấu chân Người - ảnh 10
Người dân làng Dương Nổ chuẩn bị chu đáo các dịp kỉ niệm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại di tích đình làng Dương Nổ

Bà Lê Thùy Chi, Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh tỉnh Thừa Thiên Huế, cho biết: gần 10 năm sinh sống và học tập tại Huế là những dấu mốc quan trọng thời niên thiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trên địa bàn tỉnh có 20 di tích, địa chỉ di tích liên quan đến Chủ tịch Hồ Chí Minh; trong đó có 4 di tích lưu niệm đã được xếp hạng Di tích cấp quốc gia đặc biệt theo quyết định số 2280/QĐ-TTg ngày 31.12.2020 của Thủ tướng Chính phủ, gồm: Nhà lưu niệm Bác Hồ tại đường Mai Thúc Loan; Nhà lưu niệm thời niên thiếu của Bác Hồ ở làng Dương Nổ; đình làng Dương Nổ; Trường Quốc Học Huế; và 5 di tích đã được xếp hạng là Di tích cấp tỉnh.