Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hoá giai đoạn 2025-2035:
Tổng vốn đầu tư là phù hợp
VHO - Theo Tờ trình của Chính phủ về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hoá giai đoạn 2025-2035, trong đó giai đoạn 2025-2030 vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ trực tiếp để thực hiện Chương trình được bố trí tối thiểu khoảng 77.000 tỉ đồng bao gồm: Vốn đầu tư phát triển: 50.000 tỉ đồng; Vốn sự nghiệp: 27.000 tỉ đồng.
Trong quá trình điều hành, Chính phủ sẽ tiếp tục cân đối ngân sách Trung ương ưu tiên hỗ trợ thêm để đảm bảo tính bền vững và hiệu quả của Chương trình.
3 Chương trình mục tiêu quốc gia được tham chiếu, cân đối để bố trí nguồn vốn cho Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hoá gồm Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 với tổng vốn huy động nguồn lực thực hiện giai đoạn 2021 - 2025 dự kiến khoảng 2.455.212 tỉ đồng.
Trong đó ngân sách nhà nước bố trí cho Chương trình tối thiểu là 196.332 tỷ đồng (Vốn ngân sách trung ương: 39.632 tỉ đồng (Vốn đầu tư phát triển: 30.000 tỉ đồng; Vốn sự nghiệp: 9.632 tỉ đồng).
Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững với tổng nguồn vốn thực hiện Chương trình giai đoạn 2021 - 2025 tối thiểu là 75.000 tỉ đồng. Trong đó: Vốn ngân sách trung ương: 48.000 tỉ đồng (vốn đầu tư phát triển: 20.000 tỉ đồng; vốn sự nghiệp: 28.000 tỉ đồng).
Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số với tổng vốn ngân sách trung ương: 104.954,011 tỉ đồng. Vốn đầu tư: 50.000 tỉ đồng; Vốn sự nghiệp: 54.324,848 tỉ đồng;
Như vậy, tổng số vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ cho 3 Chương trình mục tiêu quốc gia hiện nay trong giai đoạn 2021-2025 là 192.586 tỉ (100.000 tỉ đồng vốn đầu tư phát triển, 92.586 tỉ đồng vốn sự nghiệp).
"Đối chiếu các nhiệm vụ, chỉ tiêu, mục tiêu của 3 Chương trình mục tiêu quốc gia hiện nay với 9 nhóm nội dung của Chương trình, Bộ VHTTDL đề xuất tổng nguồn vốn của Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2030 là 77.000 tỉ đồng. Tổng nguồn vốn đầu tư là phù hợp, đảm bảo khả năng đáp ứng nguồn lực của ngân sách nhà nước", Tờ trình của Chính phủ khẳng định.
Phương pháp tính toán nhu cầu nguồn vốn được xác định trên cơ sở tổng hợp kinh phí từ các Bộ, ngành, địa phương, rà soát, đối chiếu khả năng cân đối vốn với các Chương trình mục tiêu quốc gia đang thực hiện, xây dựng các nhóm dự án thành phần để xác định nguồn kinh phí hỗ trợ.
Chính phủ xác định nhu cầu vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ thực hiện Chương trình căn cứ vào định hướng phát triển đất nước trong giai đoạn 2021-2030 tại Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm giai đoạn 2021-2030; mục tiêu “phấn đấu tăng mức đầu tư cho văn hóa tối thiểu 2% tổng chi ngân sách hằng năm” theo Quyết định số 1909/QĐ-TTg ngày 12.11.2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030.