Thủ tướng: Quyết tâm hoàn thành đường dây 500 kV mạch 3 vào tháng 6.2024
VHO - Sáng 28.1, tại Thanh Hóa, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến thúc đẩy tiến độ thực hiện các dự án đường dây 500 kV mạch 3 từ Quảng Trạch (Quảng Bình) đến Phố Nối (Hưng Yên) - Dự án đặc biệt quan trọng với an ninh năng lượng quốc gia. Buổi làm việc được kết nối trực tuyến tới các tỉnh có dự án đi qua.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị trực tuyến việc về thúc đẩy tiến độ triển khai thực hiện dự án đường dây 500kV mạch 3 từ Quảng Trạch (Quảng Bình) đến Phố Nối (Hưng Yên)
Cùng tham dự Hội nghị có Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang, lãnh đạo các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương, Bí thư, Chủ tịch 9 tỉnh có dự án đi qua (Hưng Yên, Hải Dương, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình), lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và các đơn vị liên quan.
Dự án gồm 4 dự án thành phần; có tổng chiều dài khoảng 519 km với 1.179 vị trí móng cột; tổng mức đầu tư khoảng 22.000 tỷ đồng. Dự án đi qua địa bàn 211 xã, phường của 43 huyện, thị xã thuộc 9 tỉnh gồm: Quảng Bình (1,69km), Hà Tĩnh (141,52km), Nghệ An (100,04km), Thanh Hoá (131,77km), Ninh Bình (7,83km), Nam Định (55,08km), Thái Bình (38,93km), Hải Dương (30,79km), Hưng Yên (11,27km). Tổng mức đầu tư các Dự án là hơn 22.356 tỉ đồng, do Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) thuộc EVN làm chủ đầu tư.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu kết luận hội nghị
Tại cuộc làm việc, lãnh đạo EVN, EVNNPT đã báo cáo về tình hình triển khai dự án; lãnh đạo các địa phương cũng báo cáo chi tiết về công tác giải phóng mặt bằng, bố trí tái định cư, bàn giao mặt bằng về vị trí móng trụ, hành lang tuyến và khẳng định quyết tâm, đưa ra cam kết cụ thể về thời gian hoàn thành.
Hiện nay, việc triển khai dự án còn một số khó khăn, vướng mắc như công tác giải phóng mặt bằng tại một số địa phương vẫn chậm; một số địa điểm thiếu đường hậu cần, không gian thi công; khó khăn trong lựa chọn phương án thi công, nhất là tại các vị trí có địa hình hiểm trở, phức tạp... Để phấn đấu hoàn thành các dự án theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, EVN/EVNNPT cũng kiến nghị nhiều vấn đề và mong muốn các bộ, ngành, các địa phương, đơn vị liên quan vào cuộc tích cực, đồng bộ, quyết liệt hơn nữa.
Tại Hội nghị, lãnh đạo các Bộ, ngành, đơn vị, địa phương đã tập trung thảo luận nêu bật những thuận lợi, khó khăn, chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình triển khai thực hiện các dự án, đặc biệt là trong công tác giải phóng mặt bằng, bàn giao vị trí móng cột, công tác thi công... Đồng thời thể hiện quyết tâm trong chỉ đạo, điều hành, triển khai thực hiện hiệu quả các dự án được giao theo kế hoạch.
Sau khi lắng nghe các ý kiến, kết luận tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh tầm quan trọng của bảo đảm cung ứng điện với yêu cầu không để thiếu điện cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng trong năm 2024 và những năm tiếp theo.
Lãnh đạo EVN báo cáo về tình hình triển khai dự án
Hiện nay tổng công suất nguồn điện không thiếu (khoảng trên 75.000 MW, trong khi nguồn khả dụng khoảng 50.000 MW), song trong năm 2023 vẫn xảy ra thiếu điện cục bộ, nguyên nhân là do việc điều hành chưa tốt.
Do đó, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo từ sớm, từ xa về tập trung thực hiện quyết liệt, hiệu quả các giải pháp bảo đảm cung ứng điện năm 2024 và các năm tiếp theo; đồng thời triển khai các giải pháp về công tác cán bộ, những cán bộ chưa hoàn thành trách nhiệm bảo đảm cung ứng điện năm 2023, có vi phạm, khuyết điểm đã bị xử lý và đang tiếp tục xử lý theo quy định.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh yêu cầu bảm bảo tiến độ, nâng cao chất lượng dự án, bảo đảm an toàn lao động, vệ sinh môi trường, không để xảy ra các sự cố đáng tiếc, không để ảnh hưởng tới người dân, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm.
Thủ tướng Phạm Minh Chính giao Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cùng lãnh đạo các cơ quan liên quan giao ban hàng tháng để kiểm điểm, thúc đẩy tiến độ dự án; Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang trực tiếp chỉ đạo xử lý các vấn đề liên quan tới sử dụng đất rừng và sửa đổi Nghị định 156 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh thêm một số nhiệm vụ trọng tâm và yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện trong thời gian tới, như: Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền; thực hiện hiệu quả nhiệm vụ giải phóng mặt bằng; công tác hậu cần, hành lang tuyến; công tác thi công móng, cột; kéo dây; bảo đảm an ninh trật tự... Yêu cầu các đơn vị liên quan quan tâm đến đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ, kỹ sư, công nhân thi công trên các công trình, nhất là trong dịp lễ, Tết. Yêu cầu chủ đầu tư, các đơn vị thi công làm việc với tinh thần “Chỉ bàn làm, không bàn lùi”; “vượt nắng thắng mưa”; “ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương”; “thi công 3 ca, 4 kíp”; “làm việc xuyên lễ, xuyên Tết”.
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương, đơn vị liên quan thực hiện theo đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, thống nhất ý chí, cùng nhau hành động thực hiện các dự án đúng tiến độ đề ra.
Thủ tướng Phạm Minh Chính hoan nghênh chủ trương của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về việc phát động phong trào thi đua thực hiện dự án gắn với sự kiện lớn của đất nước. Đồng thời lưu ý, trong quá trình thực hiện cần có khen thưởng, kỷ luật kịp thời.
“Đây là lợi ích của quốc gia, của dân tộc, của toàn dân, không phải việc của riêng ai, nên cùng với các đơn vị chủ công, nòng cốt, thì cả hệ thống chính trị phải vào cuộc, huy động sức mạnh tổng lực để triển khai, bù lại tiến độ, thời gian bị chậm trước đây, quyết tâm hoàn thành, đưa vào vận hành công trình trước 30.6.2024”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.
NGUYỄN LINH