Thủ tướng dự khánh thành đập dâng Phú Phong tại Bình Định

PHAN HIẾU

VHO - Chiều 22.3, tại huyện Tây Sơn, UBND tỉnh Bình Đình tổ chức Lễ khánh thành công trình đập dâng Phú Phong. Thủ tướng Phạm Minh Chính dự và phát biểu chỉ đạo.

 Dự buổi lễ có Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Thứ trưởng Thường trực Bộ VHTTDL Lê Hải Bình; Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Thành Trung, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Võ Văn Hưng.

Thủ tướng dự khánh thành đập dâng Phú Phong tại Bình Định - ảnh 1
Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu cắt băng khánh thành đập dâng Phú Phong

Công trình Đập dâng Phú Phong được xây dựng trên sông Kôn, có tổng chi phí đầu tư 738 tỉ đồng (nguồn vốn ngân sách Trung ương 550 tỉ đồng, còn lại vốn ngân sách tỉnh).

Dự án được triển khai thi công từ đầu năm 2022 và hoàn thành vào  ngày 30.9.2024, vượt 3 tháng so với tiến độ đề ra.

Dự án bao gồm các hạng mục đập chính trên sông có chiều dài 590 m; cầu giao thông trên đập dài 590 m, rộng 10m, tải trọng HL93; kè thượng, hạ lưu đập dài 5,58 km; kênh tưới dài 7,083 km; hệ thống thu gom nước mưa dài 2,61 km; tuyến đường kết nối từ đập dâng đi Quốc lộ 19B dài 2,26 km; đường quản lý vận hành dài 2,94 km…

Phát biểu tại lễ khánh thành, ông Nguyễn Tuấn Thanh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Định cho biết, công trình đập dâng Phú Phong là công trình thủy lợi lớn, có tầm quan trọng đối với việc phát triển kinh tế - xã hội của huyện Tây Sơn và tỉnh Bình Định.

Thủ tướng dự khánh thành đập dâng Phú Phong tại Bình Định - ảnh 2
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại Lễ khánh thành

Công trình nhằm đảm bảo chủ động nguồn nước tưới cho 465 ha đất nông nghiệp và các nhu cầu cho sinh hoạt, sản xuất công nghiệp, nuôi trồng thủy sản, cải thiện môi trường sinh thái; tôn tạo tăng thêm giá trị các khu di tích lịch sử trong khu vực, tạo động lực phát triển các ngành du lịch, dịch vụ góp phần phát triển kinh tế địa phương theo hướng bền vững.

Đồng thời, dự án còn bổ sung nguồn nước ngầm, kết nối giao thông trong khu vực và tận dụng nguồn nước chảy qua đập dâng về hạ du để phát điện, với công suất 2,9 MW.

Phát biểu chỉ đạo tại Lễ khánh thành, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao việc nghiên cứu, phát hiện, quyết tâm xây dựng đập dâng Phú Phong trong thời gian 2 năm.

Thủ tướng cho rằng, đập dâng Phú Phong có 6 ý nghĩa quan trọng đối với địa phương. Ý nghĩa quan trọng đầu tiên là ngăn lũ, chứa nước.

Tiếp đến là cấp nước, tưới tiêu phục vụ cho sản xuất, kinh doanh, sinh kế cho người dân, điều hòa vùng sinh thái, nuôi trồng thủy sản, kết nối giao thông và làm du lịch vì đập rất là đẹp. Đây cũng là công trình có ý nghĩa giữa vùng đất lịch sử - Tây Sơn, nơi anh em nhà Nguyễn Huệ đã ghi vào dấu ấn lịch sử của đất nước chúng ta.

Thủ tướng dự khánh thành đập dâng Phú Phong tại Bình Định - ảnh 3
Thủ tướng Phạm Minh Chính kiểm tra công trình đập dâng Phú Phong

Theo Thủ tướng, đập dâng Phú Phong cũng tạo ra công ăn việc làm, sinh kế cho người dân từ hồ đập; điều hòa sinh thái cho cả vùng Tây Sơn. Chưa kể là phát điện với công suất gần 30 MW, bổ sung thêm nguồn nước ngầm.

“Một đập không nhiều, chỉ hơn 700 tỉ đồng, Trung ương đóng góp 550 tỉ đồng, địa phương 188 tỉ đồng nhưng có nhóm ý nghĩa rất quan trọng đối với Tây Sơn, đối với sự phát triển của tỉnh Bình Định”, Thủ tướng nói và đánh giá rất cao việc nghiên cứu, đầu tư, xây dựng đập này. Với tinh thần sáng tạo, tự lập tự cường của Bình Định trong những năm vừa qua, nhất là trong thời gian gần đây tỉnh đã chú trọng phát triển hạ tầng, trong đó có hạ tầng tưới tiêu, thủy lợi này, hạ tầng giao thông, hạ tầng văn hóa.

Thủ tướng đề nghị, trong thời gian tiếp theo, tỉnh Bình Định lên tiến độ khai thác hiệu quả, bền vững theo 6 nhóm vấn đề ý nghĩa nêu trên. Đồng thời, phát huy tối đa các công năng từ du lịch, ngăn lũ, cấp nước, giao thông, nuôi trồng thủy sản; thanh quyết toán công trình dứt điểm, tránh tiêu cực tham nhũng.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh, tỉnh làm sao cho người dân tham gia khai thác, bảo vệ hồ sinh thái một cách hiệu quả nhất, mang lại lợi ích cho chính người dân, doanh nghiệp, quân và dân huyện Tây Sơn. Làm sao cho họ được hưởng thụ một cách đầy đủ nhất thành quả của hồ mang lại.