Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch 6 tháng đầu năm 2024:

Sức mạnh, dấu ấn từ khát vọng chấn hưng

HÀ PHƯƠNG, ảnh: TRẦN HUẤN, THÚY HÀ, X.TRƯỜNG, QUÝ LƯỢNG

VHO - Nhân lên sức mạnh, niềm tin từ những thông điệp gửi gắm tâm huyết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với ngành văn hóa: “Văn hóa còn thì dân tộc còn”, “Trong khó khăn, các lĩnh vực văn hóa, xã hội vẫn tiếp tục được quan tâm chăm lo, đầu tư phát triển, đạt được nhiều kết quả quan trọng, rõ rệt…”, có thể nói, động lực “chưa bao giờ văn hóa được quan tâm như hiện nay” đã tiếp tục thôi thúc toàn ngành vượt qua nhiều khó khăn, ghi những dấu ấn được Đảng, Nhà nước và nhân dân ghi nhận.

Sức mạnh, dấu ấn từ khát vọng chấn hưng - ảnh 1

Với tinh thần thẳng thắng, trách nhiệm, tâm huyết, phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng  tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV được các đại biểu Quốc hội và cử tri đánh giá cao

Ngày 12.7, Bộ VHTTDL tổ chức Hội nghị sơ kết công tác văn hoá, thể thao và du lịch 6 tháng đầu năm, phương hướng nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024. Hội nghị diễn ra trực tiếp và trực tuyến tại 3 điểm cầu Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng. Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng chủ trì Hội nghị.

Điểm sáng trong 6 tháng đầu năm không chỉ thể hiện ở từng con số “biết nói” mà hơn thế, là những bước ngoặt khẳng định nỗ lực của toàn ngành, với tinh thần “Quyết liệt hành động- Khát vọng cống hiến”.

Phát huy mạnh mẽ sức mạnh nội sinh của văn hóa

Tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6.2024 và Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương, Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp tục khẳng định: "Lĩnh vực văn hóa, xã hội được chú trọng; lĩnh vực du lịch phục hồi nhanh". Ghi nhận “chưa bao giờ văn hóa đạt được nhiều thành tựu như hiện nay” một lần nữa cũng được khẳng định qua nhận định của người đứng đầu Chính phủ.

Sức mạnh, dấu ấn từ khát vọng chấn hưng - ảnh 2
Những vấn đề được các đại biểu nêu trong phiên chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho thấy chưa bao giờ các lĩnh vực Văn hóa,Thể thao và Du lịch lại được giành được nhiều sự quan tâm như hiện nay 

Triển khai kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hoá toàn quốc năm 2021, tiếp tục trong 6 tháng đầu năm, toàn ngành đã nỗ lực sáng tạo, thêm nhiều cách làm mới kiến tạo sự phát triển. Sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, cùng sự vào cuộc đồng bộ từ các địa phương đã tạo nền tảng quan trọng để ngành VHTTDL quyết liệt hành động, quyết tâm cao độ trong thực hiện các Nghị quyết của Đảng, đưa văn hóa ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội.

Dấu ấn quan trọng trong 6 tháng đầu năm là việc Bộ VHTTDL đã hoàn thiện Báo cáo chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035. Trên diễn đàn Quốc hội và tại khắp các địa phương, tỉnh thành, Chương trình là nội dung được dành sự quan tâm đặc biệt.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, Bộ VHTTDL đã rà soát hệ thống thiết chế văn hoá tại 63 tỉnh, thành; từ đó thấy rằng nhu cầu của các địa phương về các nguồn lực đầu tư từ Chương trình này rất lớn, nhất là với các tỉnh khó khăn về ngân sách. Trong bối cảnh đó, chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035 là vô cùng cấp thiết.

Thực tế ghi nhận rất nhiều di tích quan trọng đang đối diện nguy cơ sụp đổ; hàng loạt thiết chế văn hóa bị xuống cấp nghiêm trọng; đời sống văn hóa tinh thần ở nhiều địa bàn nghèo nàn… Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa giai đoạn mới khi được thông qua sẽ không chỉ là nguồn lực hỗ trợ mà còn là đòn bẩy, tạo xung lực quan trọng để hồi sinh, phát triển nhiều công trình, giá trị văn hóa; đồng thời là động lực khơi thông, tháo gỡ “điểm nghẽn”, để văn hóa thực sự phát huy sức mạnh nội sinh, phát triển ngang hàng với kinh tế, chính trị.

Bám sát quan điểm xây dựng Luật không chỉ để quản lý mà còn kiến tạo sự phát triển, hàng lang pháp lý quan trọng trong lĩnh vực di sản văn hóa- Dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) đã được Bộ VHTTDL hoàn thiện, báo cáo Chính phủ xem xét, trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV. Đây cũng là dấu ấn nổi bật trong lĩnh vực văn hóa 6 tháng qua.

Sức mạnh, dấu ấn từ khát vọng chấn hưng - ảnh 3

Trong lĩnh vực văn hóa, nhiều điểm sáng thể hiện nỗ lực của toàn ngành như trình Chính phủ ban hành Nghị định số 39/2024/NĐ-CP quy định biện pháp quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá phi vật thể trong các Danh sách của UNESCO và Danh mục di sản văn hoá phi vật thể quốc gia; UNESCO ghi danh “Những bản đúc nổi trên 9 đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế” vào Danh mục Di sản tư liệu khu vực châu Á -Thái Bình Dương; trình Chính phủ Hồ sơ Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo.

Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 54/2019/NĐ-CP quy định về kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường; xây dựng Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa đến năm 2030, tầm nhìn 2045; chuỗi hoạt động nghệ thuật biểu diễn, tuyên truyền kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ và 65 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh- Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn; chuỗi hoạt động kỷ niệm Ngày Gia đình Việt Nam 28.6...

Sức mạnh, dấu ấn từ khát vọng chấn hưng - ảnh 4

Bám sát thực tiễn đời sống, ở từng lĩnh vực, toàn ngành đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, đặc biệt từ việc chuyển đổi mạnh mẽ tư duy từ làm văn hóa sang quản lý Nhà nước về văn hóa. Nhiều dấu ấn đổi mới, sáng tạo được khẳng định trên các lĩnh vực cụ thể, từ xây dựng văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; thư viện; điện ảnh; nghệ thuật biểu diễn; mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm; bảo vệ bản quyền tác giả và quyền liên quan; quản lý nhà nước về gia đình…

Nâng cao vị thế, vai trò của ngành

Tham gia phiên trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng với tinh thần thẳng thắn, trách nhiệm, tâm huyết, cụ thể đã trao đổi, giải đáp và chia sẻ những tâm tư, trăn trở với tư cách người đứng đầu ngành với các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Bộ. Phần trả lời “chiếm sóng” và được đánh giá đã đáp ứng được sự hài lòng của đa số đại biểu, cử tri và nhân dân cả nước, qua đó góp phần nâng cao vị thế, vai trò của ngành.

Sức mạnh, dấu ấn từ khát vọng chấn hưng - ảnh 5

Phần trả lời “chiếm sóng” và được đánh giá đã đáp ứng được sự hài lòng của đa số đại biểu, cử tri và nhân dân cả nước, qua đó góp phần nâng cao vị thế, vai trò của ngành

Trong bối cảnh còn vô vàn khó khăn và thách thức, những bước đi và dấu ấn mà toàn ngành đã đạt được trong thời gian qua hẳn không ngẫu nhiên mà có. Đó là kết quả tích cực từ những nỗ lực, quyết tâm, đau đáu và trăn trở mà Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng thay mặt toàn ngành đã không né tránh mà thẳng thắn chia sẻ, giãi bày, với mong muốn chặng đường phía trước của ngành VHTTDL sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo Đảng, Nhà nước; sự ủng hộ, đồng hành của các Bộ, ngành, địa phương và đông đảo nhân dân.

Vị thế, vai trò của ngành VHTTDL cũng được khẳng định qua hàng loạt những sự kiện mang ý nghĩa quảng bá, tôn vinh hình ảnh văn hóa, con người, đất nước Việt Nam ở nhiều quốc gia trên thế giới. Các sự kiện hợp tác quốc tế quan trọng liên tục diễn ra từ đầu năm đến nay như Diễn đàn Xúc tiến du lịch và hợp tác văn hóa Việt- Hàn năm 2024; Những ngày Văn hóa Việt Nam tại Nga; Tuần Văn hoá Việt Nam tại Campuchia 2024; Tuần phim Việt Nam tại Ba Lan… không chỉ bắc cây cầu kết nối văn hóa, du lịch Việt Nam với các quốc gia mà còn góp phần thúc đẩy, nâng tầm hợp tác với các đối tác chiến lược lên một tầm cao mới.

Sức mạnh, dấu ấn từ khát vọng chấn hưng - ảnh 6
Chương trình nghệ thuật tạo dấu ấn trong khuôn khổ Những ngày Văn hóa Việt Nam tại Nga

Thông qua con đường ngoại giao văn hóa, hình ảnh đất nước, văn hóa và con người Việt Nam ngày càng được quảng bá, tôn vinh trên trường quốc tế. Những bài học kinh nghiệm về phát triển văn hóa, du lịch, đặc biệt trên các lĩnh vực mũi nhọn mà Việt Nam đang dành nhiều sự quan tâm như phát triển các ngành công nghiệp văn hóa; xúc tiến thúc đẩy văn hóa- du lịch… được trao đổi, tiếp thu.

Có được những kết quả này, một trong những định hướng trụ cột được toàn ngành tập trung thực hiện thời gian qua là khơi thông nguồn lực cho sự phát triển; đầu tư có trọng tâm, trọng điểm trên cả bốn lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và gia đình. Đặc biệt, với tinh thần “Quyết liệt hành động- Khát vọng cống hiến”, Bộ VHTTDL đã xác định triển khai một cách bài bản công tác hoàn thiện thể chế chính sách-một trong ba khâu đột phá chiến lược của Đảng.

Sức mạnh, dấu ấn từ khát vọng chấn hưng - ảnh 7

Năm 2024, Bộ VHTTDL xác định "Thể chế chính sách" tiếp tục là chủ đề của năm công tác. Với từng chủ đề, mục tiêu cụ thể, đây là năm thứ 2 kể từ đầu nhiệm kỳ Bộ xác định thể chế chính sách làm chủ đề công tác năm. Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đều chủ trì hằng tháng các Hội nghị về công tác hoàn thiện thể chế chính sách để từ đó, cụ thể hóa các quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, kịp thời đưa ra các giải pháp tháo gỡ những rào cản, “điểm nghẽn” trong hoạt động chung của toàn ngành.

Dấu ấn thể thao, du lịch

Trong lĩnh vực thể thao, bên cạnh việc hoàn thành một khối lượng lớn công việc về quản lý nhà nước, xây dựng văn bản, đề án về thể dục thể thao, TDTT quần chúng và Thể thao thành tích cao đều đạt được nhiều kết quả nổi bật. Trong đó, ngành đã triển khai cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và “Chương trình xây dựng nông thôn mới”.

Hướng dẫn địa phương tổ chức Đại hội TDTT các cấp tiến tới Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ X năm 2026; Ngày Chạy Olympic toàn dân và tháng hoạt động TDTT cho mọi người, chào mừng 78 năm Ngày Truyền thống Ngành TDTT và ngày Bác Hồ ra lời kêu gọi toàn dân tập luyện thể dục…

Sức mạnh, dấu ấn từ khát vọng chấn hưng - ảnh 8

6 tháng đầu năm Thể thao Việt Nam tạo dấu ấn với việc hoàn thành vượt chỉ tiêu VĐV dự Olympic

Thể thao thành tích cao tập trung lực lượng vận động viên tập huấn và tham dự vòng loại Olympic 2024, Đại hội Thể thao trong nhà và Võ thuật châu Á tại Thái Lan, các sự kiện thể thao quốc tế năm 2024. Đội tuyển Bóng đá nam quốc gia tham dự vòng loại thứ hai World Cup 2026 khu vực châu Á tại Việt Nam, Indonesia và Iraq.

Kết quả tham dự các giải thi đấu quốc tế 6 tháng đầu năm 2024, Thể thao Việt Nam đã thi đấu xuất sắc giành được 103 HCV, 100 HCB, 139 HCĐ. Tính đến nay, Thể thao Việt Nam đã có 12 suất chính thức tham dự Olympic Paris 2024.

Sức mạnh, dấu ấn từ khát vọng chấn hưng - ảnh 9
Chương trình nghệ thuật đặc sắc trong chương trình Ngày Văn hóa Việt Nam tại Nga 2024

Dấu ấn của du lịch Việt Nam trong nửa đầu năm 2024 được ghi nhận với loạt sự kiện, con số ấn tượng, góp phần quảng bá, thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế, lan tỏa hình ảnh Việt Nam ra thế giới. Tính chung 6 tháng đầu năm 2024, tổng lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam ước đạt hơn 8,83 triệu lượt, tăng 58,4% so với cùng kỳ năm 2023; khách du lịch nội địa ước đạt 66,5 triệu lượt; tổng thu từ du lịch ước đạt 436,5 nghìn tỉ đồng.

 Hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch được triển khai sôi động trong và ngoài nước. Trong đó, tham gia Diễn đàn Du lịch ASEAN và Hội chợ Travex 2024 tại Lào; tổ chức các chương trình giới thiệu du lịch Việt Nam tại Đức, Pháp và Italia; Hội nghị xúc tiến du lịch năm 2024; Hội nghị cơ quan du lịch quốc gia và doanh nghiệp du lịch Việt Nam - Australia.

Sức mạnh, dấu ấn từ khát vọng chấn hưng - ảnh 10
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng  dự Diễn đàn Xúc tiến du lịch và hợp tác văn hóa Việt Nam- Hàn Quốc năm 2024

Triển khai kế hoạch xúc tiến, quảng bá và hỗ trợ phát triển du lịch năm 2024 từ nguồn của Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch; Chương trình xúc tiến du lịch - điện ảnh tại Hoa Kỳ; theo dõi, hỗ trợ các hoạt động quảng bá xúc tiến du lịch của Văn phòng Đại diện xúc tiến du lịch Việt Nam tại Hàn Quốc…

Tăng tốc, sáng tạo, về đích

Những kết quả đạt được trong 6 tháng đầu năm đã tạo nền tảng, động lực quan trọng để nửa cuối năm, toàn ngành tiếp tục tổ chức thực hiện hiệu quả 6 nhóm nhiệm vụ và 4 nhóm giải pháp về xây dựng, giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc đã được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ đạo tại Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021 và Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030, với phương châm “Tăng tốc, sáng tạo, về đích”.

Sức mạnh, dấu ấn từ khát vọng chấn hưng - ảnh 11
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng phát biểu tại Diễn đàn Xúc tiến du lịch và hợp tác văn hóa Việt Nam- Hàn Quốc năm 2024

Nhiều nhiệm vụ trọng tâm trong 6 tháng cuối năm sẽ được ngành VHTTDL tập trung thực hiện. Trong đó, tiếp tục triển khai, hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra theo Chương trình hành động của Bộ thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2024, Nghị quyết số 02/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2024; các nhiệm vụ được giao tại các nghị quyết chuyên đề, nghị quyết phiên họp thường kỳ của Chính phủ...

Tổ chức thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng về tiếp tục đẩy mạnh cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính tại các bộ, ngành, địa phương phục vụ người dân, doanh nghiệp; thực thi phương án phân cấp giải quyết TTHC, phương án cắt giảm, đơn giản hóa các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch theo đúng lộ trình đã được phê duyệt. Hoàn thành chương trình xây dựng pháp luật về VHTTDL năm 2024.

Tiếp tục triển khai Giải Báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp phát triển Văn hóa, Thể thao và Du lịch” lần thứ hai; tổ chức bình chọn 10 sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch tiêu biểu năm 2024…

Sức mạnh, dấu ấn từ khát vọng chấn hưng - ảnh 12
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng trao Quyết định bổ nhiệm Đại sứ du lịch Việt Nam tại Hàn Quốc cho ông Lý Xương Căn, nhiệm kỳ 2024-2029.

Về văn hóa, gia đình, nhiệm vụ trọng tâm là hoàn thiện hồ sơ dự án Luật di sản văn hóa (sửa đổi); hoàn thiện Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo; triển khai thực hiện Đề án “Số hóa dữ liệu lễ hội tại Việt Nam” giai đoạn 2021-2025; sơ kết 05 năm thi hành Luật Thư viện; xây dựng Đề án Dàn nhạc dân tộc quốc gia Việt Nam góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống dân tộc; Đề án Phát triển VHNT góp phần nuôi dưỡng tâm hồn con người Việt Nam giai đoạn 2025-2030; Đề án xây dựng, phát triển các sản phẩm văn hóa của Việt Nam có giá trị về nghệ thuật và tư tưởng…

Hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Tổ chức các Tuần/Ngày văn hóa, du lịch Việt Nam, các chương trình văn hóa nghệ thuật kỷ niệm năm chẵn, năm tròn quan hệ ngoại giao; trình Chính phủ Nghị định quy định về cơ sở dữ liệu phòng, chống bạo lực gia đình...

Về TDTT, tổ chức triển khai Chiến lược phát triển TDTT Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 sau khi được ban hành; hoàn thiện Đề án tổ chức Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ X năm 2026; đề án chuyển đổi số trong lĩnh vực TDTT; Đề án phát triển các môn thể thao trọng điểm chuẩn bị tham dự các kỳ Olympic và ASIAD đến năm 2030, định hướng đến năm 2045.

Bên cạnh đó, tập trung tổ chức Đoàn Thể thao Việt Nam tham dự Olympic tại Pháp, Đại hội Thể thao trong nhà và Võ thuật châu Á lần thứ VI (AIMAG6) tại Thái Lan và các giải thể thao quốc tế năm 2024; Đoàn Thể thao người khuyết tật Việt Nam tham dự Paralympic Paris 2024….

Du lịch tiếp tục triển khai Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 82/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững. Triển khai tổ chức các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch năm 2024: Chương trình xúc tiến du lịch - điện ảnh tại Hoa Kỳ; Chương trình giới thiệu du lịch Việt Nam tại Trung Quốc, ASEAN, Ấn Độ; Nga, Australia, New Zealand; Hội chợ du lịch quốc tế ASEAN - Trung Quốc WTM 2024 tại Anh. Hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ Đề án thành lập Văn phòng Xúc tiến du lịch Việt Nam tại các thị trường trọng điểm…