Quốc hội xem xét chính sách hỗ trợ học phí cho học sinh từ năm học 2025–2026
VHO - Chiều 25.4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội liên quan đến việc miễn, hỗ trợ học phí đối với trẻ em mầm non, học sinh phổ thông, người học chương trình giáo dục phổ thông tại các cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân.

Trình bày Tờ trình, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết, theo dự thảo Nghị quyết, Nhà nước sẽ hỗ trợ học phí cho cả trẻ em mầm non và học sinh phổ thông đang theo học tại các cơ sở giáo dục dân lập, tư thục.
Chính sách này nhằm bảo đảm quyền tiếp cận giáo dục của người học, thể hiện tính ưu việt của chế độ, đồng thời góp phần thực thi chính sách thống nhất và công bằng.
Việc hỗ trợ này cũng nhằm khuyến khích phát triển giáo dục ngoài công lập, thúc đẩy xã hội hóa giáo dục.
Dự kiến, Nghị quyết sẽ được trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội Khóa XV, và chính thức áp dụng từ năm học 2025–2026.
Theo tính toán trong dự thảo, kinh phí thực hiện chính sách hỗ trợ học phí ước khoảng 30,6 nghìn tỷ đồng mỗi năm học.
Trong đó, khối công lập chiếm khoảng 28,7 nghìn tỷ đồng, còn khối dân lập, tư thục là 1,9 nghìn tỷ đồng. Như vậy, số ngân sách Nhà nước cần bảo đảm thêm khi thực hiện chính sách là 8,2 nghìn tỷ đồng/năm học – gồm 6,9 nghìn tỷ đồng cho khối công lập và 1,3 nghìn tỷ đồng cho khối ngoài công lập.
Mức ngân sách cụ thể mà từng địa phương phải bảo đảm sẽ phụ thuộc vào quy định về mức thu học phí do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh ban hành.
Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh cho biết, Thường trực Ủy ban tán thành sự cần thiết ban hành Nghị quyết.

Theo ông, dự thảo Nghị quyết đã thể chế hóa kịp thời chủ trương của Đảng, thể hiện tính ưu việt của chế độ, đảm bảo công bằng trong tiếp cận giáo dục, khẳng định trách nhiệm của Nhà nước trong việc chăm lo cho thế hệ trẻ và bảo đảm an sinh xã hội.
Tuy nhiên, ông Vinh lưu ý cần đánh giá kỹ khả năng cân đối ngân sách của các địa phương, nhất là những địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.
Đồng thời, cơ quan chủ trì soạn thảo cần bổ sung thêm phần kinh phí thực hiện cho người học chương trình giáo dục phổ thông tại cơ sở giáo dục thường xuyên và các cơ sở giáo dục khác có tổ chức chương trình giáo dục phổ thông.
Ủy ban Văn hóa và Xã hội cũng đề xuất bổ sung quy định về việc ngân sách Trung ương sẽ hỗ trợ các địa phương chưa cân đối được ngân sách theo đúng quy định của Luật Ngân sách Nhà nước.
Liên quan đến phương thức chi trả, ông Nguyễn Đắc Vinh cho biết, dự thảo hiện quy định việc hỗ trợ học phí được thực hiện thông qua các cơ sở giáo dục.
Tuy nhiên, tại phiên họp thẩm tra sơ bộ mở rộng trước đó, các cơ quan liên quan đã thống nhất phương thức hỗ trợ nên thực hiện bằng cách cấp trực tiếp cho người học.
Vì vậy, ông đề nghị bổ sung quy định tổ chức thực hiện, trong đó giao Chính phủ hướng dẫn cụ thể phương thức chi trả tiền hỗ trợ học phí cho người học tại các cơ sở giáo dục ngoài công lập.
Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với sự cần thiết ban hành Nghị quyết, khẳng định đây là chủ trương phù hợp với định hướng của Đảng và Nhà nước, nhằm đảm bảo công bằng trong tiếp cận giáo dục.
Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp thu tối đa các ý kiến thẩm tra sơ bộ, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết để trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 9 sắp tới.