Phó Thủ tướng Mai Văn Chính:

“Những kết quả toàn ngành VHTTDL đạt được đóng góp quan trọng vào sự phát triển của đất nước”

PHƯƠNG ANH, ảnh: TRẦN HUẤN

VHO - Sáng nay 14.3, tại trụ sở Chính phủ, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Mai Văn Chính có buổi làm việc với Bộ VHTTDL về tình hình thực hiện nhiệm vụ của ngành và một số nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách trong thời gian tới.

“Những kết quả toàn ngành VHTTDL đạt được đóng góp quan trọng vào sự phát triển của đất nước” - ảnh 1
Phó Thủ tướng Mai Văn Chính phát biểu tại cuộc làm việc với Bộ VHTTDL

Dự buổi làm việc có Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng; Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Thứ trưởng Thường trực Bộ VHTTDL Lê Hải Bình; Thứ trưởng Tạ Quang Đông; Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy; Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương.

Dự buổi làm việc có lãnh đạo Văn phòng Chính phủ; lãnh đạo các Cục, Vụ, đơn vị thuộc Bộ...

Điểm sáng khẳng định giá trị văn hóa Việt

Báo cáo Phó Thủ tướng tình hình công tác của Bộ VHTTDL năm 2024 và 3 tháng đầu năm 2025, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, Bộ VHTTDL đã nỗ lực, tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm.

Trên tinh thần nhìn thẳng sự thật, đánh giá đúng thực chất, không tô hồng, bôi đen, kế thừa những kết quả đạt được, Bộ đã quyết tâm rất cao để thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị, Chính phủ trong vấn đề tập trung tháo gỡ về mặt thể chế, coi đây là một trong những yêu cầu trong quá trình đổi mới.

Trong đó, hiện nay Bộ đang tập trung trình Quốc hội Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật quảng cáo; tích cực chuẩn bị ban hành các Nghị định sau khi Quốc hội đã thông qua về Luật Di sản Văn hóa.

“Những kết quả toàn ngành VHTTDL đạt được đóng góp quan trọng vào sự phát triển của đất nước” - ảnh 2
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng báo cáo Phó Thủ tướng tình hình công tác của Bộ VHTTDL

Sau khi Quốc hội thông qua Nghị quyết số 162/2024/QH15 của Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035, trên cơ sở quyết nghị của Trung ương Đảng khẩn trương triển khai chương trình, Bộ đã tổ chức Hội thảo lần 1 và đang chuẩn bị Hội thảo lần 2 để hoàn thiện, chuẩn bị trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 5 để phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi, làm cơ sở triển khai Chương trình.

Bộ trưởng cho biết, sau khi tiếp nhận nhiệm vụ về chức năng quản lý Nhà nước về trên lĩnh vực Báo chí và Truyền thông từ Bộ TT& TT, Bộ VHTTDL đã chủ động triển khai những công việc trọng tâm liên quan  trong thời gian ngắn, đặc biệt, chú trọng rà soát nhiệm vụ xây dựng pháp luật của báo chí, cho ý kiến bước 1 để tiếp tục hoàn thiện Luật Báo chí (sửa đổi) để sớm trình Quốc hội. 

“Quan điểm của Bộ VHTTDL luôn nhất quán chuyển tư duy từ làm văn hóa sang quản lý Nhà nước về văn hóa, trên cơ sở bám sát thực tiễn, tháo gỡ điểm nghẽn về thể chế, hoàn thiện thể chế trong từng lĩnh vực, thực hiện các công việc với trọng tâm, trọng điểm, có khối lượng, sản phẩm rõ ràng. Đây là bước tiến dài từ tư duy đến hành động, mang đến nhiều kết quả tích cực…”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh.

“Những kết quả toàn ngành VHTTDL đạt được đóng góp quan trọng vào sự phát triển của đất nước” - ảnh 3
Bộ trưởng khẳng định, trên tinh thần nhìn thẳng sự thật, đánh giá đúng thực chất, không tô hồng, bôi đen, kế thừa những kết quả đạt được, Bộ đã quyết tâm rất cao để thực hiện các chỉ đạo của Bộ Chính trị, Chính phủ...

Xác định mục tiêu xây dựng và đưa văn hóa thực sự trở  thành sức mạnh mềm, thời gian qua, Bộ VHTTDL tập trung xây dựng môi trường văn hóa, xây dựng con người Việt Nam với những giá trị chuẩn mực, phù hợp để phát huy những hệ giá trị, bao gồm hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình, phát huy và những phẩm chất tốt đẹp của con người Việt Nam theo tinh thần của Nghị quyết Đại hội Đảng 13. 

“Xây dựng môi trường văn hóa là điều kiện cần và đủ để hình thành nhân cách văn hóa, lối sống văn hóa. Tập trung vào nhiệm vụ trọng tâm này, công tác xây dựng môi trường văn hóa gắn với xây dựng con người văn hóa đã đi đúng hướng, lấy địa bàn cơ sở làm trọng tâm, nhân dân là chủ thể để bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa đã được triển khai bài bản, từ làm điểm đến nhân rộng.

Tính đến thời điểm hiện nay, 50/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã xây dựng, phát triển được nhiều mô hình nhằm giữ gìn bản sắc văn hóa, phong tục, tập quán, truyền thống tốt đẹp của dân tộc…”, Bộ trưởng khẳng định.

“Những kết quả toàn ngành VHTTDL đạt được đóng góp quan trọng vào sự phát triển của đất nước” - ảnh 4
Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy báo cáo tại buổi làm việc

Lãnh đạo Bộ cũng báo cáo, sự gắn kết giữa văn hóa và kinh tế, đặc biệt trong 2 năm gần đây ngày càng rõ hơn, từ sau khi tổng kết Quyết định số 1755/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Bộ đã lựa chọn ra 3 nhóm ngành thuộc về Công nghiệp văn hóa mà Việt Nam có lợi thế để tập trung là Du lịch văn hóa, Nghệ thuật biểu diễn, Điện ảnh. 3 lĩnh vực này đã có sản phẩm rất cụ thể để đóng góp vào GDP góp phần vào tăng trưởng cả nước. 

Bộ trưởng cũng nhấn mạnh, trên các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý còn có nhiều điểm sáng, điển hình như trong công tác bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa; nhiều di sản được UNESCO ghi danh, tăng thêm vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, nâng tầm thương hiệu Việt Nam và góp phần tạo ra điểm đến thu hút du khách, khẳng định giá trị văn hóa Việt.

“Những kết quả toàn ngành VHTTDL đạt được đóng góp quan trọng vào sự phát triển của đất nước” - ảnh 5
Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Đỗ Ngọc Huỳnh phát biểu tại buổi làm việc

Ngoại giao Văn hóa cũng là một điểm sáng nổi bật, với sự chuyển  đổi nhận thức và cách làm từ gặp gỡ giao lưu sang hợp tác đích thực, đây là quyết tâm rất mới của Bộ VHTTDL. Bộ đã ký 19 hợp tác quốc tế, trong đó có 2 hợp tác phía Chính phủ. 

Việc tranh thủ thêm nguồn lực trong ngoại giao văn hóa đã  góp phần  quảng bá rộng hơn hình ảnh Việt Nam ra nước ngoài, phục vụ tốt các chuyến thăm cấp cao của lãnh đạo Đảng, Nhà nước; góp phần quảng bá hình ảnh, văn hóa Việt Nam trên trường quốc tế.

Khơi thông điểm nghẽn để phát triển

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cũng nhấn mạnh những điểm sáng  trong các lĩnh vực thể thao, du lịch. Thể thao vẫn xác định phát triển trên 2 trụ cột chính, thể thao cho mọi người (thể thao quần chúng) và thể thao thành tích cao. 

“Những kết quả toàn ngành VHTTDL đạt được đóng góp quan trọng vào sự phát triển của đất nước” - ảnh 6
Lãnh đạo các đơn vị chức năng thuộc Bộ VHTTDL

“Bộ đang tập trung lựa chọn các bộ môn của Olympic, châu Á để đưa vào trong đào tạo. Đây là đầu tư có chiến lược bài bản, lâu dài. Hiện nay, toàn ngành đang tích cực chuẩn bị, hướng đến SEA Games 33 tại Thái Lan. Đồng thời, tập trung chỉ đạo hướng đến Đại hội Thể dục Thể thao các cấp, hướng đến Đại hội Thể thao toàn quốc…”, Bộ trưởng cho biết.

Du lịch có những bước phát triển mạnh mẽ, đã được Chính phủ báo cáo trước Quốc hội là một trong những điểm sáng của nền kinh tế. Năm 2025, nhiệm vụ chính là tăng cường xúc tiến và quảng bá; phối hợp với các bộ, ngành liên quan để cải thiện lượng khách vào Việt Nam và tháo gỡ chính sách về visa.

2 tháng đầu năm 2025, lượng khách quốc tế đến Việt Nam trên bình diện chung tăng 30% so với năm trước. Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, Du lịch Việt Nam phấn đấu đón 22-23 triệu lượt khách quốc tế năm 2025.

“Những kết quả toàn ngành VHTTDL đạt được đóng góp quan trọng vào sự phát triển của đất nước” - ảnh 7
Các đại biểu tham dự buổi làm việc

Điểm nổi bật trong bức tranh phát triển ngành công nghiệp không khói là thành công trong công tác xúc tiến du lịch qua điện ảnh. Với cách tiếp cận này, không chỉ điện ảnh Việt Nam phát triển mà qua các thước phim của quốc tế, hình ảnh Việt Nam cũng được lan tỏa, Việt Nam là từ khóa để người dân và du khách quốc tế tìm đến Việt Nam. Lượng tìm kiếm trên Google về Việt Nam đang tăng lên.

Bộ trưởng cũng nhấn mạnh, đối với lĩnh vực truyền thông, với chức năng quản lý Nhà nước mới tiếp nhận, Bộ đang tập trung tăng cường hơn nữa truyền thông chính sách, tích cực áp dụng các biện pháp kỹ thuật để quản lý, quản trị mạng xã hội, góp phần ngăn chặn phản bác, đấu tranh tư tưởng chống phá, thù địch xâm phạm đến nền tảng tư tưởng Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối quan điểm của Đảng ta.

Lãnh đạo Bộ cũng báo cáo Phó Thủ tướng một số khó khăn, điểm nghẽn cần tháo gỡ, khơi thông để phát triển.

“Những kết quả toàn ngành VHTTDL đạt được đóng góp quan trọng vào sự phát triển của đất nước” - ảnh 8
Toàn cảnh buổi làm việc

Trước hết, cần hoàn thiện hệ thống thể chế, pháp luật trong một số lĩnh vực như Luật Nghệ thuật biểu diến,  Luật về Triển lãm Mỹ thuật, một số loại văn bản dưới Luật…

Về nguồn lực cho văn hóa, trong đầu tư cho văn hóa nhiệm kỳ này nguồn lực này đã tăng thêm nhưng vẫn còn những khó khăn, đặc biệt trong một số lĩnh vực như hoạt động văn hóa đối ngoại.

Một khó khăn cơ bản hiện nay là vấn đề chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu, thiếu chuyên gia giỏi, nhận thức về quản lý ngành vẫn còn theo lối mòn và tư duy cũ…

Về những nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, Bộ trưởng cho biết, Bộ VHTTDL tiếp tục rà soát bộ máy, sắp xếp bên trong theo đúng tinh thần của Nghị quyết 18. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các Đại hội Đảng hướng đến Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV. 

Rà soát, phối hợp trong công tác tham mưu, chủ trì tổ chức các sự kiện VHNT cấp quốc gia kỷ niệm các ngày lễ lớn; tổ chức chuỗi hoạt động trong Năm Du lịch quốc gia tại Huế để  kích cầu du lịch. 

Bên cạnh đó, tiếp tục nỗ lực hoàn thiện trình Chính phủ các chiến lược, Đề án lớn, sửa đổi một số chính sách cho văn nghệ sĩ, vận động viên… Tập trung đẩy mạnh truyền thông chính sách với cách làm mới, tạo ra dòng chủ lưu chính trong việc tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng.  

Phát triển đột phá, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Chính phủ Mai Văn Chính đánh giá cao những kết quả hoạt động của Bộ VHTTDL thời gian qua với rất nhiều điểm sáng.

“Những kết quả toàn ngành VHTTDL đạt được đóng góp quan trọng vào sự phát triển của đất nước” - ảnh 9
Phó Thủ tướng Chính phủ Mai Văn Chính đánh giá cao những kết quả hoạt động của Bộ VHTTDL thời gian qua với rất nhiều điểm sáng.

Trong đó, Bộ VHTTDL đã tích cực chuyển từ duy từ làm văn hóa sang quản lý nhà nước về văn hóa, tập trung tháo gỡ những nút thắt để tạo thuận lợi cho sự phát triển.

Bộ đã đẩy mạnh công tác hoàn thiện thể chế, các cơ chế, chính sách về văn hóa, thể thao, du lịch, báo chí xuất bản ngày càng toàn diện, sâu sắc hơn. 

Nhiều sự kiện văn hóa lớn được tổ chức, huy động sự tham gia của đông đảo của các tầng lớp nhân dân.

Các ngành công nghiệp văn hóa có bước phát triển, mang lại hiệu quả kinh tế, góp phần nâng cao đời sống tinh thần của người dân, quảng báo rộng rãi các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc cả trong và ngoài nước. Công tác ngoại giao văn hóa được triển khai tích cực, đạt hiệu quả.

Bên cạnh đó, du lịch phục hồi toàn diện, tiếp tục là điểm sáng trong bức tranh kinh tế - xã hội của đất nước; Thể thao cho mọi người tiếp tục phát triển, lan tỏa đến mọi tầng lớp, mọi vùng miền góp phần nâng cao thể lực, tầm vóc con người Việt Nam, thể thao thành tích cao cũng đạt nhiều kết quả tích cực; Công tác báo chí, định hướng thông tin kịp thời, chính xác, phục vục các nhiệm vụ chính trị quan trọng của đất nước...

Thay mặt lãnh đạo Chính phủ, Phó Thủ tướng ghi nhận và biểu dương những nỗ lực, kết quả đạt được của Bộ VHTTDL trong thời gian qua và khẳng định, những kết quả này đã đóng góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội chung của đất nước.

“Những kết quả toàn ngành VHTTDL đạt được đóng góp quan trọng vào sự phát triển của đất nước” - ảnh 10
Phó Thủ tướng Mai Văn Chính chụp ảnh lưu niệm cùng lãnh đạo Bộ, lãnh đạo các đơn vị chức năng thuộc Bộ VHTTDL

Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, năm 2025 là năm cuối nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; Trung ương, Chính phủ đang đặt quyết tâm đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 8%; đẩy mạnh cuộc cách mạng sắp xếp, tinh gọn bộ máy; triển khai Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

Phó Thủ tướng chỉ đạo, năm 2025 cũng là năm có nhiều ngày lễ lớn, các sự kiện trọng đại của đất nước như kỷ niệm 95 năm thành lập Đảng, 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, 135 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, 80 năm thành lập Nước; 100 năm Báo chí Cách mạng Việt Nam...

Với trọng trách của mình, Bộ VHTTDL tiếp tục nỗ lực, phát huy trên nền tảng những kết quả đã có để tạo thêm những điểm nhấn ấn tượng, hoàn thành nhiệm vụ Đảng, Nhà nước và nhân dân tin tưởng giao phó

Trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực có nhiều biến động khó lường, Phó Thủ tướng cho rằng, Bộ VHTTDL phải xác định tinh thần vượt lên để hoàn thành tốt hơn nữa các nhiệm vụ. Đột phá, kiến tạo không gian phát triển văn hóa, xây dựng gia đình, phát triển thể dục, thể thao, du lịch, báo chí, xuất bản... đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.

“Những kết quả toàn ngành VHTTDL đạt được đóng góp quan trọng vào sự phát triển của đất nước” - ảnh 11

Cơ bản thống nhất với những nhiệm vụ trọng tâm được nêu trong báo cáo, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ tập trung hoàn thành Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo, trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 9 (tháng 5.2025); Luật Báo chí (sửa đổi); lập đề nghị xây dựng Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Xuất bản, văn bản quy định chi tiết Luật Di sản văn hóa (sửa đổi)...

Bên cạnh đó, hoàn thiện Báo cáo khả thi Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035. Đây là chương trình lớn, với nhiều mục tiêu mang tính chất đột phá của quốc gia, được lãnh đạo Đảng, Nhà nước quan tâm.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ tiếp tục tập trung đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, góp phần vào tăng trưởng chung của kinh tế đất nước; đẩy mạnh giải ngân đầu tư công; triển khai Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia...