Người kế tục sự nghiệp văn hóa Hồ Chí Minh

TS CHU ĐỨC TÍNH

VHO - Tuyệt vời thay, hai vị lãnh đạo cao nhất của nước ta là Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cách nhau 2/3 thế kỷ nhưng đã phát biểu về một vấn đề trọng đại cùng với một tinh thần giống nhau, đó là đề cao vai trò của văn hóa, khẳng định văn hóa phải đi trước mở đường.

Năm 1943, ở “Mục đọc sách” được Chủ tịch Hồ Chí Minh viết kèm vào những trang cuối cùng trong cuốn Nhật ký trong tù, Người nêu ý nghĩa của văn hóa: “Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích của cuộc sống, loài người mới sáng tạo và phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật, những công cụ cho sinh hoạt hằng ngày về mặc, ăn, ở và các phương thức sử dụng. Toàn bộ những sáng tạo và phát minh đó tức là văn hóa. Văn hóa là sự tổng hợp của mọi phương thức sinh hoạt cùng với biểu hiện của nó mà loài người đã sản sinh ra nhằm thích ứng những nhu cầu đời sống và đòi hỏi của sự sinh tồn”.

Phát biểu tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc tháng 11.1946, Bác Hồ chỉ rõ: “Văn hóa phải hướng dẫn quốc dân thực hiện độc lập, tự cường và tự chủ”, “Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi”, nhấn mạnh vai trò của văn hóa đối với sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước. 75 năm sau, tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc tổ chức ngày 24.11.2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh ba lý do để khẳng định ý nghĩa trên nhiều phương diện của việc tổ chức Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng về lĩnh vực văn hóa. Đó là: Vị trí, vai trò quan trọng của văn hóa: Văn hóa là hồn cốt của Dân tộc, nói lên bản sắc của Dân tộc. Văn hóa còn thì Dân tộc còn... 75 năm nay (từ ngày 24.11.1946), hôm nay mới lại có Hội nghị toàn quốc về văn hóa với quy mô lớn thế này.

Là thế hệ lớn lên và trưởng thành trong thời đại Hồ Chí Minh, như nhiều người khác, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng phải trải qua cùng dân tộc những năm tháng kháng chiến khó khăn, gian khổ. Ông có may mắn được học hành, đào tạo bài bản. Nhưng ông hơn mọi người ở chỗ biết nắm lấy những thời cơ ấy để chuyên tâm rèn luyện, tu dưỡng để trở thành người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đọc tiểu sử của ông, chúng ta hình dung một cán bộ cấp cao nghiêm cẩn trong công việc, tuần tự tiến lên từng bước. Nhớ câu lẩy Kiều của ông trong một ngày ông nhậm chức, trên một cương vị mới: “Nghĩ mình phận mỏng cánh chuồn/ Khuôn xanh biết có vuông tròn hay không?”. Rồi nghe những lời như tâm sự của ông: “Tiền bạc lắm để làm gì, chết có mang đi được đâu, danh dự là điều thiêng liêng cao quý nhất”; “Hạnh phúc của con người không phải chỉ ở chỗ nhiều tiền, lắm của, ăn ngon, mặc đẹp, mà còn ở sự phong phú về tâm hồn, được sống giữa tình thương và lòng nhân ái, lẽ phải và công bằng”..., mới càng thấy ông là một con người suốt đời sống giản dị, khiêm tốn, mô phạm.

Trong những điều làm nên một nhà lãnh đạo xuất sắc, trí tuệ Nguyễn Phú Trọng, bên cạnh yếu tố năng lực lãnh đạo, vai trò lãnh tụ, lối sống khiêm nhường, đạo đức trong sáng… thì điều làm cho ông nổi bật, chính là ứng xử với văn hóa của ông, như chính kết luận của ông tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc ngày 24.11.2021: “Phải quán triệt nghiêm túc quan điểm Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội, sớm khắc phục tình trạng chậm thể chế hóa đường lối, quan điểm, chủ trương của Đảng thành luật pháp, các chính sách cụ thể về phát triển văn hóa, xây dựng con người. Đẩy mạnh công tác sắp xếp lại tổ chức bộ máy quản lý văn hóa từ Trung ương đến cơ sở, khơi thông các nguồn lực xã hội, nguồn lực trong nước và nước ngoài cho phát triển văn hóa”.