Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi):

Nên áp dụng chính sách đặc thù cho cả các công trình, dự án của các Bộ, ngành

THU SÂM; ảnh: TRẦN HUẤN

VHO - Chiều 28.5 tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội họp phiên toàn thể ở hội trường, thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi). Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên họp.

Nên áp dụng chính sách đặc thù cho cả các công trình, dự án của các Bộ, ngành - ảnh 1

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo tóm tắt một số vấn đề lớn trong giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)

Trình bày Báo cáo tóm tắt một số vấn đề lớn trong giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, về phạm vi điều chỉnh và bố cục của dự thảo Luật, trên cơ sở ý kiến của ĐBQH, dự thảo Luật đã được tiếp thu, chỉnh lý theo hướng chỉ quy định những cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt, thể hiện sự phân quyền mạnh mẽ cho chính quyền thành phố Hà Nội.

Nhưng đồng thời cũng đặt ra trách nhiệm cao hơn đối với chính quyền thành phố trong xây dựng, bảo vệ, phát triển Thủ đô; không quy định lại các nội dung, các vấn đề đã được quy định trong các luật khác, đặc biệt là các luật vừa được Quốc hội thông qua như Luật Đất đai, Luật Nhà ở. Đồng thời, dự thảo Luật đã được rà soát, chỉnh lý theo hướng sắp xếp lại trật tự một số điều, khoản trong các chương II, III, IV bảo đảm logic, phù hợp hơn. 

Nên áp dụng chính sách đặc thù cho cả các công trình, dự án của các Bộ, ngành - ảnh 2
Đại biểu Tạ Văn Hạ nhấn mạnh, Hà Nội thiếu các công trình văn hoá hiện đại, mang tầm vóc quốc tế

Phát biểu trong phiên thảo luận, đại biểu Tạ Văn Hạ (Đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu) nhấn mạnh, thủ đô của nhiều nước trong khu vực và trên thế giới có các công trình văn hoá là điểm nhấn, hấp dẫn du khách như bảo tàng quốc gia, nhà hát lớn. Đó là những ấn tượng mãi không quên với du khách khi thăm quan các công trình này.

Trong khi đó Hà Nội lưu lại dấu ấn trong lòng du khách bằng các công trình kiến trúc cổ nhưng các công trình hiện đại, tầm vóc quốc tế thì lại chưa có. Vì thế đại biểu đề nghị dự thảo Luật lần này cần phải có các quy định cụ thể hoá để Thủ đô có những chiến lược, những chính sách ưu tiên, cả về đầu tư và vốn ngân sách, thậm chí là các chính sách thu hút các kiến trúc sư giỏi nhằm có được những công trình điểm nhấn, mang tính toàn cầu, hấp dẫn du khách.

Nên áp dụng chính sách đặc thù cho cả các công trình, dự án của các Bộ, ngành - ảnh 3
Đại biểu Nguyễn Thị Sửu cho rằng nên có các cơ chế, chính sách đãi ngộ phù hợp đối với người có tài năng xuất sắc, những người có công trong việc  bảo vệ và phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể, vật thể 

Đại biểu Nguyễn Thị Sửu (Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế), lại góp ý về các quy định tại Điều 21 về phát triển VHTTDL của Thủ đô, trong đó nêu rõ việc bảo vệ và phát triển văn hóa Thủ đô phải xứng tầm với truyền thống nghìn năm Thăng Long - Hà Nội; xây dựng Hà Nội là trung tâm hội tụ, kết tinh văn hóa của cả nước; xây dựng văn hóa người Hà Nội hào hoa, thanh lịch, nghĩa tình, văn minh, tiêu biểu cho văn hóa, lương tri và phẩm giá con người Việt Nam

Theo đại biểu tỉnh Thừa Thiên Huế, điều này đã thể chế hóa đúng tinh thần Nghị quyết của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Góp ý cho khoản 4 của Điều 21, đại biểu cho rằng, cần đưa ra những cơ chế, chính sách đãi ngộ phù hợp đối với người có tài năng xuất sắc, những người có công trong việc  bảo vệ và phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể, vật thể để khuyến khích, tạo điều kiện cho họ hành nghề và truyền nghề hiệu quả, mang lại giá trị cuộc sống thiết thực.

Đánh giá cao việc ban soạn thảo đã đưa vào dự thảo Luật những điều, khoản liên quan đến văn hóa để văn hóa Thủ đô thực sự tỏa sáng, dẫn dắt sự phát triển văn hóa của đất nước, đại biểu Bùi Hoài Sơn (Đoàn ĐBQH TP.Hà Nội) cho rằng, hiện nay vẫn còn nhiều khó khăn trong việc phát triển văn hóa. Vì vậy, đại biểu mong muốn, một số chính sách, giải pháp đặc thù cho phát triển văn hóa Thủ đô, như quy định trong Điều 41, Điều 43 cũng sẽ được mở rộng đối tượng được áp dụng.

Nên áp dụng chính sách đặc thù cho cả các công trình, dự án của các Bộ, ngành - ảnh 4
Đại biểu Bùi Hoài Sơn cho rằng những cơ chế, chính sách đặc thù để phát huy các thiết chế VHTT thuộc thẩm quyền của Hà Nội cũng nên được áp dụng cho thiết chế của các Bộ, ngành trên địa bàn thành phố

Cụ thể, Điều 41 quy định về quản lý, sử dụng tài sản công và khai thác công trình hạ tầng, có quy định cơ quan, tổ chức của thành phố Hà Nội đang được giao quản lý, sử dụng công trình, hạng mục công trình quy định tại khoản 2 Điều này được ký hợp đồng nhượng quyền khai thác, quản lý với nhà đầu tư, doanh nghiệp để khai thác công trình, hạng mục công trình trong một thời gian nhất định.

Điều 43 cũng quy định các dự án đầu tư được ưu đãi gồm dự án đầu tư mới vào lĩnh vực thể thao và một số ngành công nghiệp văn hóa bao gồm: quảng cáo; kiến trúc; phần mềm và các trò chơi giải trí; thủ công mỹ nghệ; thiết kế; điện ảnh; xuất bản; thời trang; nghệ thuật biểu diễn; mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm; truyền hình và phát thanh; du lịch văn hóa; văn hóa ẩm thực theo danh mục chi tiết do Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội quyết định.

Đại biểu cho rằng những cơ chế, chính sách đặc thù này cũng nên được áp dụng cho các công trình thuộc thẩm quyền của các cơ quan trung ương trên địa bàn thành phố Hà Nội. Từ đó sẽ giải quyết được những vấn đề bức xúc ở các dự án, các thiết chế VHTT hiện nay như tại Khu Liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam hay một số thiết chế VHTT khác…

"Khi những chính sách này thực sự có ý nghĩa, có thể giải quyết khó khăn cho các thiết chế VHTT này thì chúng ta không nên chờ đợi lâu hơn nữa”, đại biểu Bùi Hoài Sơn nêu quan điểm.

Đồng tình với ý kiến của đại biểu Bùi Hoài Sơn, đại biểu Phạm Văn Thịnh (Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang) cho rằng, dự thảo Luật đã đưa ra những cơ chế đột phá để phát triển lĩnh vực VHTTDL của Thủ đô. Vậy thì những cơ chế, chính sách này không nên chỉ dành riêng cho các thiết chế VHTT thuộc thẩm quyền của Hà Nội mà nên mở rộng cho các thiết chế của các Bộ, ngành, như Bộ VHTTDL, Hội Liên hiệp Phụ nữ  Việt Nam...

Trước đó trình bày Báo cáo tóm tắt một số vấn đề lớn trong giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, tiếp thu các ý kiến đóng góp, dự thảo Luật trình Quốc hội lần này đã được bổ sung một số thẩm quyền cho HĐND, UBND thành phố trong việc quyết định và triển khai thực hiện một số giải pháp về phát triển VHTTDL, giáo dục, đào tạo, y tế...