Bộ VHTTDL góp ý Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)

VHO - Ngày 1.8, tại trụ sở Bộ VHTTDL, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy và Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng - Phó Trưởng Ban soạn thảo, Tổ trưởng Tổ biên tập dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) đã chủ trì buổi buổi làm việc lấy ý kiến góp ý về Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi). Tham dự buổi làm việc có các đơn vị của Bộ VHTTDL, Bộ Tư pháp.

Bộ VHTTDL góp ý Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) - Anh 1

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy cho rằng cần có điều riêng, khoản riêng về công nghiệp văn hóa trong Luật Thủ đô (sửa đổi)

Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng cho biết, dự thảo Luật Thủ đô có nội dung khó, phức tạp, với phạm vi điều chỉnh rộng liên quan đến lĩnh vực quản lý nhà  nước của nhiều Bộ, ngành. Theo quy định tại Quyết định số 805/QĐ-TTg ngày 6.7.2023 của Thủ tướng Chính phủ thì dự án Luật Thủ đô sẽ trình Chính phủ vào tháng 8.2023; đầu tháng 9.2023 trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội để cho ý kiến và trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu vào tháng 10.2023. Do đó, rất mong sớm nhận được ý kiến góp ý của Bộ VHTTDL để tiếp tục chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật trình Chính phủ bảo đảm về tiến độ và chất lượng.

Bộ VHTTDL góp ý Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) - Anh 2

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng phát biểu tại buổi làm việc

Dự thảo Luật Thủ đô  gồm có 6 chương, 59 điều; tăng 2 chương, 32 điều so với Luật Thủ đô năm 2012 hiện hành. Trong đó, kế thừa nguyên vẹn 4 Điều của Luật Thủ đô năm 2012 (Điều 2, Điều 4, Điều 5 và Điều 6), 23 điều còn lại kế thừa một phần và có sửa đổi, bổ sung.

9 nhóm chính sách trong đề nghị xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) đã được Chính phủ thông qua theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật chủ yếu được quy phạm hóa tại các Chương II, III, IV và V của dự thảo Luật. Trong đó, liên quan đến chức năng quản lý nhà nước của Bộ VHTTDL được quy định tại các Điều 18, 22, 23, 24, 37, 39, 42, 43, 45, 46 của dự thảo Luật Thủ đô.

Bộ VHTTDL góp ý Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) - Anh 3

Lãnh đạo Cục Bản quyền tác giả đóng góp ý kiến

Thông tin tại cuộc làm việc, ông Nguyễn Hồng Tuyến - Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, Bộ Tư pháp cho biết, buổi làm việc đề nghị Bộ VHTTDL cho ý kiến tập trung vào nội dung các Điều 18, 22, 23, 24, 37, 39, 42, 43, 45, 46 của dự thảo Luật Thủ đô, liên quan đến phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; quản lý, bảo tồn không gian, công trình kiến trúc có giá trị văn hóa - lịch sử; bảo vệ và phát triển văn hóa, thể thao; huy động nguồn lực cho phát triển Thủ đô; ngân sách dành cho bảo vệ và phát triển văn hóa; thực hiện dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư trong lĩnh vực văn hóa và thể thao; quản lý tài sản công và mô hình thử nghiệm có kiếm soát; thu hút đầu tư xã hội; thu hút nhà đầu tư chiến lược; ưu đãi đầu tư và một số nội dung khác có liên quan.

Bộ VHTTDL góp ý Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) - Anh 4

Lãnh đạo Cục Điện ảnh đóng góp ý kiến

Tại buổi làm việc, các đơn vị thuộc Bộ VHTTDL đã đóng góp ý kiến, đề xuất các điều Về thu hút, trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao (Điều 18 dự thảo Luật), Về bảo vệ và phát triển văn hóa, thể thao (Điều 24 dự thảo Luật), Về quản lý tài sản công và mô hình thử nghiệm có kiểm soát (Điều 42 dự thảo Luật), Về ưu đãi đầu tư (Điều 46 dự thảo Luật. Đồng thời, xung quanh nội dung công nghiệp văn hóa, khu công nghiệp văn hóa nhận  được nhiều ý kiến đóng góp nhằm làm rõ hơn, quy định rõ hơn. Bên cạnh đó, Về bảo vệ và phát triển văn hóa, thể thao (Điều 24 dự thảo Luật), Dự thảo Luật giao HĐND thành phố Hà Nội quy định một số nội dung như  phạm vi hỗ trợ, mức hỗ trợ cao hơn quy định hiện hành của Trung ương theo khả năng cân đối ngân sách của thành phố Hà Nội đối với huấn luyện viên, vận động viên đạt giải thể thao thành tích cao, nghệ nhân, người thực hành di sản văn hóa phi vật thể; việc truyền dạy, thực hành, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể; việc xét tặng danh hiệu nghệ nhân Hà Nội đối với nghệ nhân di sản văn hóa phi vật thể, các ý kiến cho rằng cần bổ sung thêm đối tượng là văn nghệ sĩ.

Bộ VHTTDL góp ý Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) - Anh 5

Lãnh đạo Cục Di sản đóng góp ý kiến

Tại buổi lấy ý kiến, nội dung của Điều 46 dự thảo Luật được nhiều người quan tâm và góp ý.  Điều 46 dự thảo Luật quy định đối tượng ưu đãi là dự án đầu tư trong một số ngành công nghiệp văn hóa gồm: điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm, du lịch văn hóa; nội dung ưu đãi chủ yếu là miễn tiền đất, thuế thu nhập doanh nghiệp…

Về vấn đề này, trong quá trình soạn thảo còn có ý kiến đề nghị các ngành  công nghiệp văn hóa cần được ưu đãi, nhưng cũng có ý kiến đề  nghị lựa chọn, khoanh lại phạm vi (hiện dự thảo Luật đang khoanh lại trong 6 ngành công nghiệp văn hóa) để bảo đảm tính khả thi. Mặt khác, một số ý kiến cho rằng, khi nói đến công nghiệp văn hóa là nghĩa là các ngành nghề này phải “sinh” ra tiền nhưng dự thảo đang quy định theo hướng là quy định “ưu đãi” cho các ngành này, chưa rõ được cơ chế để khai thác, thu lợi nhuận từ các ngành này.

Bộ VHTTDL góp ý Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) - Anh 6

Lãnh đạo Vụ Thư viện đóng góp ý kiến

Kết luận buổi làm việc, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy nêu rõ, một số nội dung cần phải nghiên cứu, làm rõ hơn nữa các quy định của Luật Thủ đô hay Luật Di sản văn hóa. Một số nội dung Bộ VHTTDL và các đơn vị thuộc Bộ cần trao đổi cụ thể  với Ban soạn thảo Luật và Sở VHTTDL.  Đặc biệt, về vấn đề phát triển công nghiệp văn hóa của Thủ đô Hà Nội, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy cho biết, việc cụ thể hóa phát triển công nghiệp như thế nào cần cụ thể hơn nữa. Bộ VHTTDL sẽ nghiên cứu đề xuất với Ban soạn thảo có một điều riêng hoặc khoản riêng quy định về phát triển công nghiệp văn hóa của Hà Nội như quy định phát triển các khu công nghệ cao, có quy định, chính sách đặc thù riêng. Đây là vấn đề lớn, nếu triển khai được ở Hà Nội thì sẽ triển khai được ở nơi khác, chi tiết cụ thể thì Bộ và Ban soạn thảo sẽ cùng nghiên cứu, trao đổi.

Bộ VHTTDL góp ý Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) - Anh 7

Toàn cảnh buổi làm việc lấy ý kiến đóng góp Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)

Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy cho biết thêm,  sau buổi làm việc này, sẽ tiếp tục bổ sung, làm rõ hơn các nội dung góp ý vào văn bản góp ý và sẽ chuyển tới Bộ Tư pháp.

HOÀNG ANH

Ý kiến bạn đọc